CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:18

Hơn 150 lao động của Công ty Mosfly khốn khổ vì bị nợ lương

Hơn 150 lao động bị nợ lương

Mới đây, phản ánh đến Báo điện tử Dân sinh, nhiều người lao động tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mosfly Việt Nam Industries (tên viết tắt MVI) có văn phòng tại TP.HCM và nhà máy tại Bình Dương cho biết họ bị nợ lương gần 3 tháng nay vì vậy cuộc sống gia đình rất khó khăn trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mosfly Việt Nam Industries được thành lập từ 2 cổ đông là Công ty Cổ phần Thuốc Sát Trùng Việt Nam (VIPESCO - 50% cổ phần) và Công ty Mosfly International (Công ty ở Malaysia - 50% cổ phần).

Anh Ngô Hoàng Anh, Trưởng Bộ phận bán hàng của Công ty MVI thông tin, Công ty MVI có hơn 150 người lao động, trong đó bao gồm nhân viên bộ phận bán hàng tại các siêu thị trên cả nước, nhân viên giới thiệu thị trường truyền thông, công nhân sản xuất. Chúng tôi đã làm việc tại đây một thời gian dài, trong đó đa số đều chỉ được hưởng mức lương từ 4,7 - 5 triệu đồng.

Hơn 150 lao động của Công ty Mosfly khốn khổ vì bị nợ lương  - Ảnh 1.

Nhà máy của Công ty MVI đặt tại Bình Dương

Chị Châu Gia Mỹ (SN 19940) nhân viên bán hàng của Công ty MVI cho biết: "Chúng tôi chỉ là nhân viên làm công ăn lương, thu nhập mỗi tháng đều dành để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con cái ăn học, phụng dưỡng cha mẹ già. Tuy nhiên gần 3 tháng nay (từ tháng 4/2021 - nay) chúng tôi không được nhận tiền mồ hôi công sức của mình. Đặc biệt thời gian qua dịch Covid-19 diễn biến mạnh và phức tạp, cuộc sống của chúng tôi cũng bị đảo lộn, khó khăn hơn vì đại dịch này.

Không chỉ nợ lương, đến nay công ty cũng nợ bảo hiểm khiến chúng tôi không có thẻ bảo hiểm y tế, ốm đau không dám khám chữa bệnh. Khó khăn chồng chất khó khăn, cuộc sống của chúng tôi thực sự đã rơi vào bế tắc, chưa biết có thể cầm cự được bao lâu. Rất nhiều người trong số chúng tôi phải đi vay mượn, cầm đồ để duy trì cuộc sống qua ngày, nhưng bị nợ lương quá lâu khiến chúng tôi không còn biết bấu víu vào đâu".

Mặc dù bị nợ lương gần 3 tháng, nhiều nhân viên bán hàng như chị Mỹ lại không dám nghỉ việc, vì sợ sẽ mất luôn số tiền lương trước đó. "Bên công ty nói còn hợp đồng nên phải đi làm, nếu không đi làm thì sau này có vấn đề gì họ không chịu trách nhiệm. Giờ chúng tôi ở thế kẹt, đi làm thì không có tiền, mà nghỉ tìm công việc mới thì sợ mất số tiền mồ hôi công sức trước đó", chị Mỹ tâm tư.

Hơn 150 lao động của Công ty Mosfly khốn khổ vì bị nợ lương  - Ảnh 2.

Nữ lao động của Công ty MVI bị nợ lương nên thời gian qua phải vay mượn khắp nơi để sống và phẫu thuật cho con.

Chị Trương Thùy Nhiên (quận 7, SN 1985) chia sẻ: "Công ty nợ từ hồi tháng 4, đến khoảng cuối tháng 5 tôi quyết định viết đơn xin nghỉ ở Mosfly. Lúc xin nghỉ tôi được bên phòng nhân sự báo nếu nghỉ thì không ai ký duyệt cho để tôi nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy dù tôi nhận được sổ bảo hiểm nhưng không nhận được tiền bảo hiểm thất nghiệp", chị Nhiên kể.

Xin nghỉ việc khi công ty vẫn còn nợ 2 tháng lương, chị Nhiên chấp nhận mất tiền bảo hiểm thất nghiệp vì theo chị thì: "Họ không trả lương thì tôi không thể làm việc mãi ở đó được".

Được biết, chị Nhiên có 2 con nhỏ 9 tuổi và 7 tuổi. Với mức lương chưa đến 5 triệu 1 tháng, chị chỉ vừa đủ lo tiền ăn học cho 2 con.

Hơn 150 lao động của Công ty Mosfly khốn khổ vì bị nợ lương  - Ảnh 3.

Người lao động bị nợ lương phải lay lắt trong mùa dịch.

Theo chị Nhiên, chị cùng các nhân viên trong công ty đã làm đơn gửi đến công đoàn cơ sở. Tình trạng này cứ kéo dài, nhân viên tại thành phố thấp thỏm một vì nợ lương, thì những nhân viên ở các địa phương khác lại thấp thỏm mười.

Để giải quyết đơn khiếu nại của tập thể người lao động về việc yêu cầu Công ty MVI trả tiền lương và các chế độ cho người lao động, đại diện các bên có liên quan đã có buổi làm việc. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho rằng, việc Công ty MVI không trả lương, thưởng cho người lao động là vi phạm quy định của Bộ Luật lao động. Vì vậy, yêu cầu công ty lên phương án trả đầy đủ tiền lương tháng 4, tháng 5/2021 và các chế độ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

"Ban Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương đã có buổi làm việc với đại diện công ty TNHH Mosfly Việt Nam Industries. Tại buổi làm việc, đại diện công ty cho biết do người đại diện pháp luật của công ty - Tổng giám đốc đã gửi đơn từ chức nên công ty không thể triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Về tài chính, thời điểm hiện tại công ty đang gặp khó khăn, không có khả năng chi trả tiền lương và tiền thưởng doanh số cho người lao động. Ban Quản lý đã yêu cầu công ty nhanh chóng chi trả tiền lương và tiền thưởng doanh số cho người lao động theo quy định của pháp luật và quy chế của công ty", Văn bản của Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, nêu rõ.

Người lao động chơi vơi khi bị nợ lương, nợ BHXH

Anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1977), công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất Công ty Mosfly ở Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (Thị xã Tân Uyên, Bình Dương) phải ngồi một chỗ 2 tháng nay vì bị tai nạn trên đường đi làm trở về nhà.

Cả 2 lần mổ anh đều không được thanh toán bảo hiểm do công ty còn nợ nghĩa vụ bảo hiểm với nhà nước. Gom góp, vay mượn khắp nơi được gần 20 triệu để mổ chân, anh chẳng biết đến bao giờ mới có thể trả số tiền ấy, trong khi nhiều khoản nợ khác để đắp đổi cuộc sống qua ngày còn treo lơ lửng trên đầu.

Hơn 150 lao động của Công ty Mosfly khốn khổ vì bị nợ lương  - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1977) bị tai nạn nhưng không được hưởng BHYT.

"Vẫn phải đóng tiền trọ hàng tháng, chân thì đau không đi lại được, công ty không hỗ trợ lại còn nợ lương, giờ Thị xã Tân Uyên đang giãn cách theo chỉ thị 16. Tôi chẳng biết cuộc sống tiếp theo phải thế nào, giờ chỉ mong công ty trả lương và đóng bảo hiểm cho chúng tôi, chứ nợ nhiều quá mà phải ngồi thế này tôi nóng ruột lắm", anh Tuấn cho hay.

Tương tự anh Tuấn, anh Lê Văn Hải, nhân viên bán hàng Công ty Mosfly ở Đắk Lắk cũng vừa gặp tai nạn vào ngày 1/7 trên đường đi làm về. Không lương, không bảo hiểm, gia đình hoàn cảnh khó khăn, anh Hải phải nhờ người đi vay mượn để đóng viện phí. Số tiền ấy sẽ như tảng đá đè lên vai anh sau khi xuất viện mà chẳng biết đến bao giờ Công ty Mosfly mới có câu trả lời thỏa đáng cho người lao động.

Hơn 150 lao động của Công ty Mosfly khốn khổ vì bị nợ lương  - Ảnh 5.

Anh Lê Văn Hải bị tai nạn trên đường đi làm nhưng vẫn không được hưởng BHYT vì công ty nợ BHXH. (Ảnh: NVCC).

Không chỉ khi tai nạn, một số nhân viên nữ của Công ty cũng lo lắng vì việc không đóng bảo hiểm sẽ khiến họ mất quyền lợi thai sản. "Tôi mang thai được 2 tháng rồi, nhưng chẳng thấy công ty đóng bảo hiểm, như thế này thì chế độ thai sản của tôi sẽ được giải quyết thế nào đây?"- một nữ nhân viên tâm sự.

Chưa biết ngày trả lương

Liên quan đến việc nợ lương của hơn 150 người lao động, PV Báo Dân sinh đã có buổi làm việc với Ban lãnh đạo Công ty MVI. Tại buổi làm việc, ông Đỗ Quang Minh đại diện Công ty trình bày, gần 3 tháng nay công ty chưa thể trả được lương cho người lao động.

Theo đó, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Bình Dương từng có ý kiến là chậm nhất đến ngày 16/6, Công ty Mosfly phải trả toàn bộ lương, thưởng cho người lao động; hoặc mời người lao động đến thỏa thuận để giải quyết sự việc và có báo cáo cho Ban quản lý. Tuy nhiên, hiện nay, do người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Thân - Tổng giám đốc đã có đơn từ chức nên Công ty không thể triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. 

Hiện tại Công ty gặp khó khăn về tài chính, khả năng chi trả lượng và tiền thưởng doanh số cho người lao động là không thể. Nguyên nhân do nhà đầu tư MISB - Malaysia (chiếm 50% vốn đầu tư) không thể sang Việt Nam để cùng giai quyết việc thay đổi Tổng giám đốc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Hơn 150 lao động của Công ty Mosfly khốn khổ vì bị nợ lương  - Ảnh 7.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mosfly Việt Nam Industries chuyên sản xuất hóa mỹ phẩm, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn.

Cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp, muốn tất cả các hoạt động trở lại bình thường, công ty phải có Tổng Giám đốc. Trong khi đó, nhiều nhân viên muốn nghỉ việc cũng không nghỉ được, do không ai ký quyết định nên tất cả gần như kẹt lại ở đây. "Hiện công ty không hoạt động, cũng không có khả năng chi trả, về giải pháp hiện những lãnh đạo còn lại của công ty cũng không biết thế nào. Trên giấy tờ pháp lý, hiện Công ty vẫn do ông Nguyễn Thân làm đại diện pháp luật và là người sử dụng lao động. Những lãnh đạo khác trong công ty không được ủy quyền và không có thẩm quyền giải quyết vấn đề trả lương, thanh toán bảo hiểm cho người lao động", ông Minh giải thích.

Hiện nay, khó khăn chồng chất đè nặng, hơn 150 người lao động Công ty Mosfly có mong muốn lớn nhất là cơ quan chức năng sớm vào cuộc, giải quyết dứt điểm sự việc với ban lãnh đạo Công ty để trả lại lương cho họ. Có như thế, cuộc sống của những người lao động mới bớt khó khăn hơn trong mùa đại dịch!

Theo Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019, doanh nghiệp phải trả lương đúng hạn, đầy đủ cho người lao động. Bên cạnh đó, kỳ hạn trả lương được quy định như sau:

Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.

Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do 2 bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của 2 bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Ngoài ra, trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày. Như vậy, Công ty Mosfly phải trả lương đúng hạn theo quy định trên và chỉ được nợ lương không quá 30 ngày trong trường hợp bất khả kháng.

Căn cứ khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, tùy thuộc vào số lượng người lao động bị trả lương không đúng hạn mà người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính theo các mức sau: Từ 5 - 10 triệu đồng đối với vi phạm từ dưới 10 lao động; từ 10 - 20 triệu đồng vớii phạm từ 11 - 50 lao động; từ 20 - 30 triệu đồng với vi phạm từ 51 - 100 lao động; Từ 30 - 40 triệu đồng với vi phạm từ 101 - 300 lao động; từ 40 - 50 triệu đồng với phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động, tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh