THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:48

Triển vọng nào cho nghề Công tác xã hội ở Việt Nam?

 

Toàn cảnh Hội thảo về nghề CTXH diễn ra tại trường Đại học Khoa học Huế

 

Đây là một trong những hoạt động trọng tâm nằm trong khuôn khổ Chương trình kỷ niệm Ngày CTXH Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức tại TP. Huế từ ngày 23 – 25/3/2018. Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà giáo dục, nhà thực hành CTXH trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các giải pháp và sáng kiến nhằm xây dựng một “tam giác” vững chắc để thúc đẩy sự phát triển của nghề CTXH phù hợp với bối cảnh Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế.

Theo TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ – TB&XH, trên thế giới, CTXH đã có quá trình phát triển hơn 100 năm. CTXH chuyên nghiệp đã tồn tại ở nhiều quốc gia. Tính đến nay, có khoảng 140 quốc gia là thành viên của Hiệp hội Cán bộ xã hội Quốc tế; khoảng 100 quốc gia tham gia Hiệp hội Đào tạo công tác xã hội quốc tế

Sự thay đổi cấu trúc gia đình truyền thống, sự di cư nông thôn ra thành thị, mật độ dân số tăng ở các vùng thành thị làm nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp, các tệ nạn xã hội, tình hình tội phạm gia tăng, trẻ em bị bỏ rơi, bị bóc lột lao động. CTXH hướng đến trợ giúp cho các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, như: người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già, nạn nhân của bạo hành và tệ nạn xã hội… phát triển khả năng và sử dụng các nguồn lực riêng của họ và cộng đồng, xã hội để giải quyết vấn đề khó khăn của mình.

CTXH cũng hướng đến hỗ trợ các vấn đề an sinh xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phòng chống bạo lực, xóa bỏ bất bình đẳng giới.

 

CTXH tại Việt Nam mới hình thành, phát triển và còn rất non trẻ


Tại Việt Nam, nghề CTXH mới hình thành và phát triển trong những năm gần đây. Theo thống kê, ở nước ta hiện nay, số người tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH chiểm khoảng 25% dân số. Đề án 32 về phát triển nghề CTXH của Thủ tướng Chính phủ bước đầu đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, trên cả nước đã có khoảng 60 trường đào tạo nghề CTXH và hàng trăm lớp bồi dưỡng ngắn hạn được triển khai; số trung tâm trợ giúp và cung cấp dịch vụ xã hội cũng tăng theo tinh thần xã hội hóa, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống an sinh xã hội.

Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH vẫn còn thiếu về số lượng, yếu tố chất lượng. Mạng lưới này mới hình thành ở ngành LĐ – TB&XH là chủ yếu; bước đầu được thí điểm ở các ngành Y tế, Giáo dục với phạm vi, quy mô nhỏ, số lượng đối tượng được hưởng dịch vụ rất hạn chế. Mặt khác, các dịch vụ CTXH chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu thốn,…

Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng và chưa được đào tạo CTXH chuyên nghiệp; đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, đội ngũ cộng tác viên CTXH tại cộng đồng mới chỉ bước đầu hình thành tại một số địa phương.

Các dịch vụ CTXH có sự kết hợp của các cơ quan, đơn vị công lập và ngoài công lập chưa được xác định rõ ràng. Các dịch vụ CTXH chuyên nghiệp chưa được cung cấp cho người dân tại cộng đồng và chưa cải thiện tính hiệu quả căn bản của dịch vụ phúc lợi xã hội,…

Do đó, công tác định hướng phát triển nghề CTXH ở Việt Nam trong thời gian tới là hết sức quan trọng, trong đó có vai trò to lớn của những văn bản pháp luật – văn bản ở tầm Luật, giáo dục và thực tiễn.  

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh