Hội thảo khoa học quốc gia “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam”
- Tây Y
- 02:05 - 02/06/2019
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó trưởng BanTuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các học giả, nhà nghiên cứu khoa học…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết, Nguyễn Văn Tố (hiệu là Ứng hòe) sinh năm 1889 ở Hà Nội, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Cụ được nhiều người biết đến bởi sự đức độ, tài năng với nhiều công trình nghiên cứu khoa học rất có giá trị về lịch sử, văn hóa nước nhà, uyên thâm Hán học, vừa tinh thông Tây học. Cụ Nguyễn Văn Tố có những bài biên khảo và nghiên cứu lịch sử, văn hóa rất phong phú, đa dạng, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc sâu sắc.
Toàn cảnh hội thảo khoa học cấp quốc gia "Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam"
Đặc biệt, cụ Nguyễn Văn Tố luôn đau đáu với việc khảo cứu lịch sử nước nhà với mong muốn mau chóng viết nên “một quyển Nam Sử thật có giá trị”. Cụ đã để lại nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu và liên ngành, bao quát nhiều lĩnh vực khoa học như lịch sử, văn học, văn bản học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo, văn hóa dân gian...
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, là Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên Ban Thường trực Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, dành nhiều thời gian chỉ đạo các tiểu ban của Quốc hội cho ý kiến về các dự án sắc lệnh của Chính phủ; xét 98 dự án Sắc lệnh, những Sắc lệnh đó đều có tính cách các đạo luật; thông qua nhiều nghị quyết về nội trị, ngoại giao đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thành các nhiệm vụ cứu đói, bình dân học vụ, phòng chống thiên tai.
Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố (hàng đầu bên trái) tại Lễ mít tinh vận động cứu đói tại Nhà hát Lớn Hà Nội, năm 1945
“Trước Cách mạng Tháng Tám, cụ Nguyễn Văn Tố là người đứng đầu nhiều tổ chức khoa học, nhiều phong trào truyền bá tri thức đương thời, như Hội những người bạn của Viện Viễn đông Bác cổ, Hội Trí tri, Hội Truyền bá Quốc ngữ... trong đó, Truyền bá Quốc ngữ là phong trào có nhiều ảnh hưởng đối với xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, góp phần giải phóng cho gần 7 vạn người thoát nạn mù chữ, là nền tảng vững chắc để giúp cho người dân giác ngộ cách mạng vùng lên tranh đấu. Cũng chính từ kinh nghiệm phong phú ban đầu của việc truyền bá quốc ngữ, sau này dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã lập nên kỳ tích trong việc xóa nạn mù chữ..”- Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết.
Trong tham luận: “ Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố và những chính sách xã hội đầu tiên của Chính phủ Hồ Chí Minh”, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Nguyễn Văn Tố là nhà yêu nước, nhà cách mạng, người chiến sĩ kiên trung của của cách mạng Việt Nam. Ở bất kỳ cương vị nào, ông cũng đều trung thành, tận tụy, hết lòng vì dân, vì nước, cống hiến hết tài năng và sức lực của mình. Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Nguyễn Văn Tố được Chủ tịch Hồ Chí Minh “chọn mặt gửi vàng” mời về làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ dân chủ cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày tham luận với chủ đề: “ Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố và những chính sách xã hội đầu tiên của Chính phủ Hồ Chí Minh”
Chính quyền cách mạng non trẻ mới thành lập, đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và một trong những khó khăn lớn nhất đó chính là “ giặc đói”. Ngày 28/9/1945, trong bức thư gửi thư cho toàn thể đồng bào đăng trên Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “ Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy, tôi đề nghị đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo”.
Hưởng ứng lời kêu gọi đó, ngày 02/11/1945, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, ông Nguyễn Văn Tố đã quyết định thành lập Hội Cứu đói. Hội được thành lập đồng thời ở Hà Nội, Thuận Hóa, Sài Gòn và có chi nhánh tại các tỉnh, các làng với mục đích cứu dân khỏi đói, khỏi rét với phương pháp hoạt động là tìm nguồn thực phẩm, tiền và vải do các nhà hảo tâm giúp đỡ; phát triển sản xuất, khuyến khích công việc đồng áng và trông nom đê điều; giúp đỡ nhân dân trong việc khai khẩn đất hoang hóa để đưa vào sản xuất.
Dù ở bất cứ lĩnh vực công tác nào, cụ Nguyễn Văn Tố đều mang hết tài năng, tâm huyết và kinh nghiệm tích lũy được để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, một lòng vì nước vì dân. Phong cách làm việc khoa học, tận tình, sát cơ sở, sát thực tiễn là tấm gương cho nhiều thế hệ cán bộ chúng ta noi theo.
“Với tư cách là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Cứu tế xã hội, tuy thời gian không dài, nhưng ông đã có những đóng góp quan trọng vào việc củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng ngày đầu thành lập, đẩy lùi nạn đói lịch sử, cổ vũ tinh thần cách mạng của nhân dân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát, gần gũi với những người lao đông, ông đã nhạy bén, chủ động, sáng tạo đưa ra những quyết sách đúng đắn, cùng Chính phủ lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi hiểm nghèo. Hình ảnh một vị Bộ trưởng giản dị, xông xáo, nhân hậu, lăn lộn cùng dân vận động thành lập Hội Cứu đói cùng Chính phủ và toàn dân bảo vệ thành quả cách mạng trong những năm 1945-1946 sống mãi cùng lịch sử dân tộc Việt Nam”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Kết luận hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng,Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, khẳng định: các bài tham luận, các nhân chứng đã cung cấp nhiều tư liệu quý, giúp cho hội thảo có cơ sở để hình thành kho tư liệu quý, chuẩn xác về cuộc đời, sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố, nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, việc giới thiệu cụ Nguyễn Văn Tố với nhân dân chưa được nhiều, do vậy ông khẳng định đây là thời điểm chúng ta phải có trách nhiệm tuyên truyền, bởi những đóng góp, tài năng trí tuệ và con người của Ứng hòe Nguyễn Văn Tố có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. “Việc đặt tượng Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố tại Nhà Quốc hội là cần thiết, bởi cụ là vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên, xứng đáng có vị trí trang trọng trong khu lịch sử truyền thống của Quốc hội”, ông Nguyễn Xuân Thắng lưu ý. |