Nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh
- Tây Y
- 01:51 - 11/11/2017
Thứ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị thời gian tới, Hội phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ trong công tác hỗ trợ nạn nhân chiến tranh.
Tính đến tháng 11/2016, sau 3 năm thành lập, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã thành lập 18 chi hội, có hơn 1.500 hội viên ở các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tập hợp, đoàn kết hội viên, kết nối các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả bom mìn nhằm góp phần giảm thiểu tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, góp phần đảm bảo an toàn và lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của đất nước…
Trong 3 năm qua, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn Việt Nam đã tổ chức được nhiều đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội trong phòng, tránh tai nạn bom, mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh. Đặc biệt, Hội đã đến các địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ nặng thuộc các địa bàn các tỉnh: Hà Giang, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi để tuyên truyền. Ngoài phối hợp với cơ quan báo chí Trung ương, địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Hội đã xây dựng nhiều tiểu phẩm, truyện tranh, in tờ gấp, làm bản tin, băng rôn, khẩu hiệu… để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức phòng tránh tai nạn bom, mìn cho các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là các em học sinh, đối tượng dễ bị tai nạn bom, mìn, vật nổ.
Trong 3 năm Hội đã tổ chức 16 đợt hỗ trợ sinh kế cho 462 người là nạn nhân bom, mìn của 16 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ sinh kế, Hội cũng đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ đột xuất tới gia đình nạn nhân bị tai nạn bom, mìn. Bằng những việc làm hiệu quả và thiết thực, Hội đang dần khẳng định được uy tín, niềm tin và từng bước trở thành một địa chỉ tin cây, là nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái của nhân dân cả nước cũng như của cộng đồng quốc tế với những nạn nhân bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh, giúp họ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Trong báo cáo Tổng kết, Trung tướng Nguyễn Ngọc Khóa, Phó Chủ tịch Thường trực của Hội đã nhấn mạnh về phương hướng hoạt động thời gian tới, trong đó có một số vấn đề mới rất đáng chú ý đó là: Nghiên cứu, đề xuất với Nhà nước có chính sách hỗ trợ đặc thù riêng với người bị tai nạn bom, mìn như chữa trị vết thương, chỉnh hình phục hồi chức năng, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng. Khảo sát xây dựng quan hệ với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước liên quan chuyên ngành bom mìn, vật nổ, công nghệ thông tin, hóa - lý, sinh học để kêu gọi ủng hộ hoạt động của Hội trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Trực tiếp thực hiện các nội dung khoa học kỹ thuật phù hợp năng lực của đội ngũ hội viên là các nhà khoa học trong lĩnh vực rà phá bom mìn; phối hợp với các đơn vị nghiên cứu trong nước có nhu cầu hợp tác với Hội. Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả của các phương tiện truyền thông của Hội như website, tạp chí điện tử, youtube, facebook nhằm nâng cao nhận thức về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Chủ tịch Hội Hỗ trợ nạn nhân bom, mìn Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan đánh giá cao những thành tích đạt được của Hội trong thời gian qua. Thứ trưởng khẳng định, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, ý nghĩa các hoạt động của Hội đã đi vào đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân, giúp nạn nhân bon mìn vươn lên trong cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh đưa Việt Nam trở thành quốc gia bình yên, an toàn đối với người dân.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan và Chủ tịch Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam Nguyễn Đức Soát trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân.
Đồng thời, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn trong thời giạn tới, Hội tiếp tục phối hợp với Bộ triển khai Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh; Phối hợp với Bộ rà soát, phát hiện những bất cập trong thực hiện chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và nạn nhân bom, mìn nói riêng, đề xuất chính phủ có những chính sách hỗ trợ thiết thực hiệu quả hơn; Phối hợp với Bộ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đối tượng an sinh xã hội. “Thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo ngành LĐ-TB&XH các tỉnh phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom, mìn”- Thứ trưởng nhấn mạnh.