Hội đồng Đội phải là nơi để trẻ em lên tiếng, bày tỏ mong muốn của mình
- Y học 360
- 20:06 - 07/07/2019
Với chủ đề: “Thiếu nhi Việt Nam học tập tốt, rèn luyện chăm”, năm học 2018 - 2019, Hội đồng Đội Trung ương đã tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đoàn thành lập Tổ công tác và thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng và nắm bắt thông tin về tình hình trẻ em. Tại 63 tỉnh, thành phố đã thành lập CLB trợ giúp, tư vấn để kịp thời hỗ trợ, bảo vệ trẻ em. Đồng thời, phân công lực lượng cán bộ các cấp tham mưu thực hiện Luật Trẻ em và bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Hội đồng Đội trung ương và Quỹ học bổng Vừ A Dính xây dựng công trình vui chơi trẻ em tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Mô hình Hội đồng trẻ em tiếp tục được duy trì và có những bước phát triển. Đến nay, 5 tỉnh, thành phố được lựa chọn thí điểm đã ra mắt và tổ chức hoạt động của Hội đồng trẻ em với hơn 3.000 ý kiến của các em được tổng hợp từ cấp cơ sở. Một số tỉnh, thành phố tuy không thuộc diện triển khai thí điểm cấp tỉnh song đã chủ động triển khai mô hình. Đến hết năm 2018, đã có 50/63 tỉnh, thành phố tham mưu được lãnh đạo tỉnh, thành phố gặp mặt, đối thoại với thiếu nhi với nhiều hình thức; 51/63 tỉnh, thành phố duy trì thường xuyên việc tổng hợp tình hình trẻ em, ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em theo các quý và năm.
Đánh giá về công tác bảo vệ, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho rằng, từ Trung ương đến các tổ chức đội cơ sở đã tổ chức nhiều mô hình hay, cách làm mới thu hút được trẻ em tham gia; việc tổ chức các hoạt động, diễn đàn trẻ em ở cơ sở cũng đem lại hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, Bí thư Trung ương Đoàn cũng nhấn mạnh các tổ chức Đoàn, Đội cơ sở cần tăng cường hơn nữa vị trí và vai trò của mình, cụ thể hóa các nội dung, kết luận, chương trình của Trung ương Đoàn ở địa phương một cách linh hoạt, hợp lý.
Các cán bộ thực hiện phải nắm vững quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật trẻ em để triển khai tốt nhiệm vụ là cơ quan đại diện tiếng nói, nguyện vọng trẻ em và giám sát quyền trẻ em. Đồng thời, cán bộ Đoàn - Đội cần phản ánh những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để kịp thời tháo gỡ. Thực hiện tốt việc phát hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em, kịp thời lên tiếng và chăm lo, hỗ trợ theo quy định. Kiên trì đeo bám, giải quyết các vấn đề, vụ việc liên quan đến trẻ em, phối hợp các cơ quan chức năng và báo chí nhằm đạt được mục tiêu tổ chức Đoàn, Đội là đơn vị phát hiện nhanh nhất, sớm nhất, kịp thời nhất các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng mạng xã hội để chia sẻ cách làm hay, mô hình hiệu quả. Huy động sự tham gia của những chuyên gia, người có uy tín trong xã hội, nhà trường và phụ huynh tham gia đồng hành trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục các em. Tăng cường các hoạt động sáng tạo, trải nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, cho các em. Tổ chức các diễn đàn, kênh thông tin để các em có thể nêu được ý kiến, bày tỏ nguyện vọng, hiện quan điểm của mình.
Các tổ chức Đoàn, Đội cơ sở cần có sự liên kết chặt chẽ với địa phương, nhà trường và phụ huynh để nắm bắt và giải quyết các vấn đề của trẻ em. “Nếu có thể thì cần sự tham gia của các chuyên gia uy tín theo các lĩnh vực với chuyên môn sâu để đồng hành với nhà trường, gia đình và các em. Cán bộ Đoàn, Đội cũng cần tự mình nâng cao các kỹ năng, kiến thức để xử lý các vấn đề, tình huống phát sinh khi có các vụ việc xảy ra”, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh.