Hội chứng cuồng thần tượng: Bình thường hay bất thường?
- Y học 360
- 12:46 - 17/04/2016
Vật vờ chờ đợi rồi khóc lóc khi gặp thần tượng.
Nhắc tới fan cuồng, không thể không nhắc tới trường hợp của Dương Lệ Quyên và Lưu Đức Hoa ở Trung Quốc. Đây cũng từng là scandal gây chấn động dư luận một thời. Cha của Dương Lệ Quyên nhảy xuống biển tự vẫn, vì con gái mình không đạt được ước nguyện cả đời là gặp được người tình trong mộng. Trước khi tự vẫn, ông đã để lại một bức tâm thư dài 12 trang với những lời chỉ trích nặng nề dành cho “tài tử vạn người mê”: “Chính Lưu Đức Hoa đã dồn tôi tới bước đường cùng, khiến gia đình tôi tan nát, trở thành bi kịch”. Cũng ở Trung Quốc, một sự kiện đã gây chấn động dư luận khi thiếu nữ 13 tuổi Tiểu Nam bị chính cha đẻ của mình dùng dao chém chết chỉ vì một câu nói: “Thần tượng còn tốt hơn cả cha mẹ”. Bi kịch về sự thần tượng mù quáng của giới trẻ đã khiến không ít người bàng hoàng.
Trông người lại ngẫm đến ta, ở Việt Nam, cách đây vài năm khi hình ảnh những nam thanh nữ tú cúi xuống hôn chiếc ghế vừa được một ca sĩ Hàn Quóc ngồi được đưa lên mạng xã hội, không ít những nhà nghiên cứu về tâm lý, xã hội học đã lên tiếng về hiện tượng cuồng thần tượng đang ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Hình ảnh fan vật vờ ở sân bay, khách sạn tới tận đêm khuya để chờ thần tượng, rồi từ la hét, reo hò đến ôm nhau khóc lóc, ngất xỉu, thậm chí suýt bị "dìm" chết trong biển người... đã trở nên quen thuộc. Ðáng buồn hơn, có những bạn trẻ còn lên mạng xã hội chửi bới cả bố mẹ vì không cho tiền mua vé đi gặp "thần tượng" hay một số cư dân mạng từng chia sẻ ảnh chụp Facebook một nữ sinh chửi cha mẹ mình thậm tệ vì đã xé ảnh nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc của cô. Thậm chí, một fan cuồng nữ đã tuyên bố trên mạng xã hội: “Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu không cho em đi xem Suju biểu diễn. Thật vui vì ông bà già cuối cùng cũng biết điều và để mình đi…”. Câu nói gây sốc này đã nói lên mức độ mù quáng của fan cuồng đồng thời lên hồi chuông báo động đối với toàn xã hội.
Hiện tượng cuồng thần tượng ở giới trẻ hiện nay đã khiến không ít người ngạc nhiên đặt câu hỏi: Tại sao "chuẩn" thần tượng của giới trẻ ngày càng trở nên dễ dãi đến vậy, tại sao ngay cả những sao "xẹt" của giới showbiz, nổi tiếng chủ yếu nhờ xì-căng-đan cũng trở thành thần tượng của giới trẻ, thậm chí thần tượng chỉ là do sở hữu vòng một ngoại cỡ hay có gương mặt ăn hình...
Lý giải về hiện tượng này, nhiều nhà tâm lý, xã hội học cho rằng, hiện tượng cuồng thần tượng do nhiều yếu tố. Thứ nhất là đặc điểm tâm lý lứa tuổi, có thể thấy, hội chứng “cuồng” thần tượng đặc biệt xảy ra nhiều ở trẻ vị thành niên, lứa tuổi còn hay mơ mộng, dễ bị lôi kéo, ở độ tuổi này, các em đều muốn thể hiện mình để tạo nên sự khác biệt... Giới truyền thông cũng “góp một phần không nhỏ” trong việc thổi phồng thần tượng, ca ngợi “lên mây” những ngôi sao trong và ngoài nước, “nặn” những ngôi sao ảo. Vô hình chung, chính các phương tiện truyền thông xưa nay là những người dọn sẵn những mảnh đất màu mỡ cho các loại cây “thần tượng” mọc lên. Hãy xem hội chứng “cuồng” các ngôi sao Hàn hiện nay. Đó chính là hệ quả của hàng chục kênh truyền hình, hàng chục tờ báo mạng suốt ngày cứ chiếu ra rả và viết không ngừng về những “ngôi sao”, những bộ phim hay các ban nhạc xứ Hàn...
Ðành rằng cần có cái nhìn cảm thông với giới trẻ bởi say mê "thần tượng" cũng quyền của họ, và sẽ rất tốt nếu "thần tượng" thật sự là một tấm gương thật sự, giúp giới trẻ hoàn thiện bản thân, có ý thức vươn lên để đạt được những thành công trong cuộc sống. Nhưng, say mê đến cuồng dại, như mất lý trí trước "thần tượng" trong lĩnh vực giải trí không chỉ làm đau đầu nhiều bậc phụ huynh, mà còn làm "nhiễu loạn" tiêu chí đánh giá, "nhiễu loạn" sự lựa chọn giá trị của xã hội. Dù ít hay nhiều thì sự thái quá trong khi thể hiện lòng hâm mộ đối với "thần tượng" còn chứa đựng trong đó cả sự tự trọng, và cho thấy văn hóa ứng xử, khả năng điều chỉnh hành vi trước xã hội của không ít bạn trẻ đang có vấn đề...