THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:01

Hội chữ Xuân Bính Thân - 2016: Gần 5 vạn người xin chữ

 

 

Với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”, Hội chữ Xuân Bính Thân 2016 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Ngoài các hoạt động chủ đạo là trưng bày các tác phẩm thư pháp và tặng chữ đầu Xuân, Hội chữ còn có các hoạt động văn hóa truyền thống khác, như: Vẽ ký họa chân dung nhanh, nặn tò he, biểu diễn ca nhạc dân tộc miễn phí phục vụ du khách.

Tại Hội chữ Xuân, các gian hàng được bố trí xung quanh hồ Văn và đều có một khoảng rộng bày bút, câu đối để tạo điều kiện thuận lợi cho chữ cùng với nhiều ý tưởng sáng tạo, thể hiện dấu ấn riêng của từng ông đồ - những thư pháp gia.

Khách tham quan có thể dễ dàng quan sát dấu ấn riêng của từng thư pháp gia được thể hiện qua gian hàng của mình thông qua những nét chữ “phượng múa, rồng bay”. Theo TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Trưởng Ban tổ chức Hội chữ, tất cả các hoạt động tại Hội chữ được tổ chức khoa học, bài bản, chặt chẽ, đảm bảo an ninh, an toàn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho du khách cũng như người dân tham gia. “Dịp Tết Nguyên đán năm nay thời tiết thuận lợi nên lượng khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám tăng hơn các dịp lễ, tết các năm trước. Đa phần khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám kết hợp tham quan, xin chữ, cầu học hành đỗ đạt. Để phục vụ du khách, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã huy động toàn bộ nhân lực đi làm trong các ngày Tết. Những kết quả đạt được chính là tiền đề để BTC tiếp tục tổ chức Hội chữ Xuân năm 2017 với tinh thần sáng tạo, khởi sắc và đổi mới để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách dịp Tết đến xuân về” - TS Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

Hiếm có hội xuân nào mà đến tận giờ bế mạc, vẫn còn hàng trăm người xếp hàng xin chữ, như ở Hội chữ Xuân Bính Thân. Tất cả du khách đến đây đều mong muốn được xin chữ với hy vọng một năm mới thuận lợi, hanh thông. Chị Nguyễn Thu Hiền (ở phường Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) cùng hai cậu con trai đến Hội Xuân xin chữ cho biết, việc xin chữ đầu năm là truyền thống của gia đình. Hơn nữa, chị cũng muốn cho các con đến Văn Miếu Quốc Tử Giám để tỏ lòng thành kính với các bậc hiền triết của Nho giáo và tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An - người thầy đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam, nhằm khích lệ sự hiếu học đối với các con. Bà Nguyễn Thị Thanh (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cũng hào hứng chia sẻ: “Mặc dù có bạn cùng học là thầy đồ, có thể xin chữ bất cứ lúc nào, nhưng cảm giác nhận được “chữ thánh hiền” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với tôi là rất hạnh phúc, hy vọng một năm mới hanh thông, thuận lợi sẽ đến như chữ “Thuận” mà mình vừa mới xin được”.

Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn du khách và các ông đồ đều cho rằng việc đưa Hội chữ vào hồ Văn rất hợp lý vì ở đây có tường, có cửa, có bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời khai thác được vẻ đẹp của khuôn viên hồ Văn trong di tích. Có thể khẳng định, những nỗ lực của BTC và những người tham gia Hội chữ, của du khách đã làm nên một Hội chữ Xuân Bính Thân 2016 thành công, mang lại hiệu quả xã hội lớn, góp phần bảo tồn và phát huy được giá trị của Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng, văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung, tiếp tục tạo nên "thương hiệu lớn" cho Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

 

Hình ảnh xin chữ tại hội chữ Xuân Bính Thân.

Đáng chú ý, trong chuyến đi kiểm tra đột xuất lễ hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao sự đổi mới trong cách thức tổ chức và quản lý của các đơn vị liên quan. Theo Bộ trưởng, việc chuyển địa điểm diễn ra Hội chữ Xuân từ vỉa hè đường Văn Miếu vào khu vực hồ Văn đã giải quyết triệt để tình trạng lộn xộn, ùn tắc xung quanh di tích Văn Miếu dịp Tết Nguyên đán, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị, làm đẹp cảnh quan đường phố. Bộ trưởng lưu ý BTC Hội chữ Xuân cần quan tâm hơn đến nghệ thuật viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ, bởi trong quá trình hội nhập va# phát triển, Đảng và nhân dân ta đặc biệt quan tâm tới việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. “Khách quốc tế đến di tích Văn Miếu rất đông, khách có nhu cầu tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp cũng không ít, trong khi đó thư pháp bằng chữ quốc ngữ là nét văn hóa riêng, độc đáo của Việt Nam, rất cần được phát huy”-  Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Như vậy, sau những nỗ lực “khai tử” phố ông đồ của Hà Nội và qua hai lần tổ chức thành công tại hồ Văn, có thể thấy, Hội chữ Xuân do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức đã tiếp tục đem lại hiệu ứng xã hội lớn lao, góp phần bảo tồn di sản văn hoá của cha ông. Sự hưởng ứng một cách văn minh của người tham gia Hội chữ và du khách đã góp phần để nét đẹp văn hoá này được bảo tồn, phát huy và lan toả, để các thế hệ tiếp theo được biết và thụ hưởng những giá trị truyền thống của cha ông. 

MINH VŨ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước