THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:28

Học trường làng vẫn đỗ thủ khoa

Thực tế cho thấy hầu hết các thủ khoa đại học ở nước ta đều là những sĩ tử trường làng, và câu chuyện nữ thủ khoa con nhà nghèo Nguyễn Thị Hồng Anh hiện đang là sinh viên trường trường Đại học Y Hà Nội được nhiều người dân xã Thuần Hưng huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên thường xuyên nhắc đến là một ví dụ về tinh thật vượt lên tất cả khó khăn để học tập tốt của các học trò nghèo ở nông thôn.

 

Hồng Anh đang ở ngoài ruồng hành nhà mình

Về thăm xã nghèo Thuần Hưng hỏi thăm nhà nữ thủ khoa Nguyễn Thị Hồng Anh thì không có ai là không biết. Bởi câu chuyện về tấm gương hiếu học của em được tất cả mọi người trong xã kể cho nhau nghe, họ kể để khích lệ, để động viên con cái mình học hành, cũng có khi là để họ tự hào về mảnh đất của họ đã có một cô thủ khoa như thế, và nhất là những ngày này khi con cái của họ sắp bước vào kỳ thi đại học.

Dừng xe bên đường người phụ nữ đang trên đường đi làm trả lời câu hỏi của chúng tôi nhanh như chớp " tưởng ai chứ cái Hồng Anh học giỏi, ai mà không biết , các anh cứ đi hết cái ngõ này, rồi rẽ trái đi vài trăm m nữa là tới thôi". 

Đến nhà Hồng Anh, chúng tôi được biết em đang ở ngoài ruộng hành để nhặt  hành giúp mẹ chuẩn bị cho phiên chợ sáng sớm mai, nhìn thấy cô nữ sinh dáng người mảnh khảnh đang cặm cụi ở giữa ruộng hành khi cơn nắng của buổi chiều mùa hè đang ở lúc gay gắt nhất, thật khó tin đó là thủ khoa của Đại học Y  Hà Nội năm 2013, với số điểm 29,5 điểm. Hồng Anh nói trước đây công việc này tốn rất nhiều thời gian, nên đã chiếm mất khá nhiều vào học và ôn thi đại học của em.  Nhưng kết quả em vẫn đỗ thủ khoa?

Hồng Anh cho rằng; sở dĩ có được kết quả như thế là vì em quá thương gia đình mình. Bố, mẹ, bà nội của em đều phải vất vả tần tảo sớm hôm để có tiền nuôi em và các em của Hồng Anh đi học. "Có hôm phải đến tận 9 giờ tối cả nhà mới được ăn cơm, hôm nào cũng thế 3 giờ sáng là bố mẹ em đã phải dậy để chở hành đi ra các chợ bán, nhiều lần thấy bố mẹ dậy sớm trong những hôm thời thời tiết giá rét, em thấy thương bố mẹ, nên cũng lúc đó em bật dậy theo để học bài"- Hồng Anh nhớ lại. Nữ thủ khoa Hồng Anh chia sẻ: "Em chỉ biết học, học mới là cách mà em gửi gắm tình yêu của mình đến bố mẹ thôi. Và chính những vất cả của bố mẹ đã tạo động lực cho cô học trò nghèo Hồng Anh vươn lên hết sức mình  trong học tập".

Mặc dù phải bắt đầu giờ học sau 9 giờ tối nhưng nhờ kiên trì nên em đã đạt kết quả cao

Chia sẻ với chúng tôi, cô nữ sinh trường làng cũng đầy tự hào, Hồng Anh nói: "Ngoài việc học để thoát nghèo, thì học chính là niềm đam mê của em, người ta làm được thì mình cũng phải làm được, đó là suy nghĩ đơn giản của em về việc học".

Được biết, ngay từ khi còn nhỏ bố mẹ của Hồng Anh đã phải đi làm thuê xa nhà, Hồng anh là con cả nên đến 5 tuổi cô đã phải chăm nom 2 em của mình khi phải đi ở nhờ nhà bác ở gần đó.

Sau này khi bố mẹ về nhà làm ở nhà, thì công việc nhà nông cũng chẳng có phút nào ngơi chân ngơi tay, vì vậy hầu như bố mẹ của Hồng Anh không có thời gian để nhắc nhở em việc học hành, mà học là tính tự giác của em. Giờ ngồi vào bàn học của Hồng Anh là sau 9h tối, thời gian quá ít nên em phải tự tìm cho mình các học tập trung cao độ, và sự kiên trì không ngại khó.

Nhiều năm liền Hồng Anh luôn đứng đầu danh sách học sinh giỏi của lớp chọn, ở mái trường Nam Khoái Châu nơi có nhiều thầy cô giỏi tâm huyết một lòng với nghề, có tình yêu thương với các cô học trò nghèo hiếu học,  Lớp Hồng Anh có rất nhiều bạn đỗ đại học điểm cao, trong đó có một cậu bạn thân của Anh là thủ khoa trường đại học Ngoại Thương, đó là Nguyễn Trọng Hùng, Hùng cho biết:: " Em rất thần tượng bạn Hồng Anh, bởi bạn là một học sinh có hoàn cảnh hết sức khó khăn, thế nhưng ở lớp bạn lại là một lớp trưởng, đến lớp ngoài việc học bạn còn phải lo quán xuyến nhiều công việc khác cho lớp, về nhà công việc vất vả thế nhưng kết quả học tập của bạn vẫn luôn đứng đầu lớp".

Thầy giáo Nguyễn Quang Sơn chủ nhiệm của Hồng Anh năm xưa, cho biết thầy có rất nhiều ấn tượng với cô học trò Hồng Anh, là một cô học trò luôn có những những phương pháp học tập mới lạ, có tính kiên trì, đặc biệt là sự tìm tòi khám phá. "Nhiều khi Hồng Anh có những bài rất khó đem hỏi mình, mình cũng phải ngập ngừng mãi mới giải đáp được, tuy nhiên chính những lần như thế lại khiến cho mình vững nghề hơn"- Thầy Sơn nhớ lại.

Bố mẹ của Hồng Anh thì cho rằng "vì công việc bận quá nên ít khi để ý đến việc học hành của con, nhưng thấy con có ý thức học tập như thế cũng thấy rất mừng".

Và câu chuyện về tấm gương của Hồng Anh đã và đang là câu chuyện để nhiều người dân trong xã trong thôn kể với sự ngưỡng mộ, họ kể để khích lệ động viên con cháu mình học tập, và cũng là để tự hào về mảnh đất mình. Còn cô học trò nghèo Hồng Anh hôm nay cũng đã không phụ lòng mong mỏi của mọi người khi cô đang là cô sinh viên năm 2 xuất sắc của Đại học Y Hà Nội.  

Nguyễn Tùng

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh