CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:17

Tự làm các loại sữa thực vật cho cơ thể khỏe đẹp

 

1. Sữa bí ngô

NGUYÊN LIỆU
- Bí ngô: 1 quả nhỏ, khoảng 3-4 lạng
- Nước lọc: 800ml
- Sữa tươi có đường: 800ml
- Sữa đặc: 1/2 lon
- Nước cốt dừa: 100ml
CÁCH LÀM
- Bí đỏ gọt vỏ, bỏ hạt, thái lát, cho vào nồi cùng với út nước đun đến khi bí mềm.
- Cho bí ra máy xay sinh tố, xay nhuyễn luôn lúc bí đang nóng.
- Đổ sữa đặc, nước cốt dừa vào sữa tươi, khuấy đều rồi trộn lẫn bí đỏ sẽ thành sữa bí siêu ngon!
- Bạn nào sợ sữa đặc sẽ tăng cân thì bỏ công đoạn này, uống nhạt một chút cũng ngon lắm, vì vị ngọt có sẵn trong bí và sữa tươi cũng ngon rồi. Hoặc các bạn thay sữa bằng đường, nhưng làm bằng sữa đặc sẽ ngon hơn nhiều.

 

2. Sữa đậu phộng

CÁCH 1:
Nguyên liệu:
- 200g đậu phộng (lạc khô)
- 100g gạo
- 600ml sữa
- 500ml nước
Cách làm:
Bước 1: Đậu phộng rửa sạch, để ráo.
Bước 2: Đun 1 nồi nước sôi cho đậu phộng vào trụng sơ khoảng 1 phút thì vớt ra. Đãi sạch vỏ.
Bước 3: Gạo vo sạch.
Bước 4: Trộn gạo với đậu phộng. Tiếp đến đổ sữa tươi vào. Cho từng ít một vào máy xay. Xay nhuyễn.
Bước 5: Dùng khăn vải màn sạch lọc bỏ bã. Tiếp đó hòa nước cốt với 500 ml nước và đun sôi (khi đun sữa, bạn nên đun to lửa sau đó hạ bớt lửa đun thêm khoảng 2-3 phút là được, khi đun nên hớt bọt).
Bước 6: Đợi sữa đậu phộng nguội rót vào bình và cốc thưởng thức. Nếu thích ngọt và mát thì bạn cho một ít đường, vài viên đá lạnh.
CÁCH 2
Nguyên liệu:
- 350gr đậu phộng (lạc)
- 2.5 lít nước
- Tí xíu muối
- 50gr đường cát trắng
- Sữa đặc và sữa tươi (định lượng tùy ý)
Cách làm:
Bước 1: Đậu phộng đổ vào chảo rang chín với lửa vừa, đảo đều tay và cẩn thận kẻo đậu phộng dễ bị cháy khét, mất ngon.
Bước 2: Xát bỏ vỏ lụa bên ngoài đậu phộng.
Bước 3: Đổ đậu phộng vào nồi, thêm nước, đun sôi đến khi hạt chín mềm thì tắt bếp, để đậu phộng nguội bớt khoảng 10 – 15 phút.
Bước 4: Đổ đậu phộng đã đun mềm vào máy sinh tố xay nhuyễn với một chút đường.
Bước 5: Đổ đậu phộng xay qua một chiếc rây để lọc lại cho mịn.
Bước 6: Đổ lại nước đậu phộng vào nồi, đun sôi khoảng 5 phút nữa thì tắt bếp, đợi nguội cất vào tủ lạnh dùng dần.
Khi uống, bạn pha khoảng 2 – 3 thìa canh nước đậu phộng xay với lượng sữa tươi và sữa đặc vừa theo khẩu vị của từng người. Có thể dùng thêm đá nếu thích.

 

3. Sữa bắp (sữa ngô)

NGUYÊN LIỆU
- 2 - 4 bắp ngô
- 500 ml - 1 lít sữa tươi
- 30-40 g đường (điều chỉnh đường theo độ ngọt mà bạn thích).
CÁCH LÀM
Bước 1: Bắp ngô lột bỏ vỏ, dùng dao tách phần hạt để riêng, giữ lại phần râu ngô. Rửa qua nước lạnh và để ráo. 
Bước 2: Cho phần hạt ngô vào máy xay và xay nhuyễn. 
Bước 3: Đặt nồi lên bếp đun phần ngô xay nhuyễn, đổ thêm vào 500 ml sữa. Bạn muốn sữa có vị ngọt thanh thì cho thêm phần râu ngô vào nồi, khuấy đều tay để không bị khét, khi sữa sôi thêm đường theo khẩu vị. 
Bước 4: Sữa sôi tắt bếp, dùng rây lọc lấy phần sữa và bỏ đi phần bã. 
Bước 5: Rót sữa vào chai, uống nóng hoặc để nguội cất vào tủ lạnh uống dần.

 

4. Sữa đậu xanh lá dứa

NGUYÊN LIỆU
– 300g đậu xanh cà vỏ
– 1/4 bát con đường cát trắng
– 1/2 thìa nhỏ muối
– 1 bó lá nếp (lá dứa)
– Sữa tươi và đá lạnh
– Nếu muốn béo hơn bạn có thể cho thêm 1/2 gói nhỏ bột nước cốt dừa
CÁCH LÀM
Bước 1: Đậu xanh đem đãi sạch và nhặt bỏ những hạt hỏng, ngâm đậu với nước pha thêm chút muối rồi để từ 3 – 4 tiếng. Đậu xanh sau khi được ngâm bạn rửa lại một lần cho thật sạch.
Bước 2: Lá nếp rửa sạch rồi bó tròn lại.
Bước 3: Cho đậu xanh vào nồi, rồi đổ nước lạnh vào (áng chừng khoảng một đốt ngón tay tính từ bề mặt đậu), sau đó bắc lên bếp đun cho đến khi hạt đậu mềm.Thỉnh thoảng bạn hớt bỏ bọt của nồi đậu.
Bước 4: Tiếp đó, bạn đổ đậu đã nấu vào máy sinh tố, thêm đường và xay thật mịn, nếu cảm thấy đậu đặc thì bạn thêm nước vào để xay cùng.
Bước 5: Cho hỗn hợp đậu xanh đã xay vào nồi, cho thêm lá nếp rồi bắc lên bếp, bạn vừa đun vừa khuấy đều. Ở bước này, bạn có thể pha thêm ít nước lạnh cho hơi đặc để khi uống còn pha thêm sữa tươi, nếu để loãng quá sẽ không ngon. Nếu bạn dùng thêm bột nước cốt dừa thì cho thêm vào hỗ hợp rồi vừa đun vừa khuấy để bột nước cốt dừa được tan hoàn toàn.
Bước 6: Đun hỗn hợp trong khoảng 10 – 15 phút, nếm độ ngọt cho vừa khẩu vị. Sau đó, bạn nhấc nồi ra khỏi bếp và vớt bỏ lá nếp đi, đợi nguội rồi để vào bình thủy tinh sạch. Bạn cho vào tủ lạnh bảo quản và dùng dần, có thể dùng trong khoảng 1 tuần.
Bước 7: Khi dùng, bạn rót sữa đậu xanh ra cốc, cho thêm vài viên đá lạnh và ít sữa tươi, khuấy đều lên và thưởng thức.

NGỌC BÍCH(tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh