THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:37

Hoàng Hữu, thi nhân, họa sĩ đa tài mà đoản mệnh

Nhân kỷ niệm 70 năm sinh nhà thơ Hoàng Hữu (24/9/1945 - 29/12/1981). Báo LĐ&XH xin giới thiệu thêm với độc giả bài "Điều sẽ nói cùng em": Vậy là sau ba mươi năm, mấy thế hệ thay nhau gánh vác và hoàn thành thắng lợi cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ, thống nhất lại giang sơn. Đất nước đổ sức người sức của ra đến mức nghèo kiệt, tưởng đã đến lúc được yên bình gây dựng lại cuộc sống. Nào ngờ lại phải đụng độ với cuộc chiến tranh biên giới tàn hại:

Cây rừng cháy thì đâu còn lạ nữa

Hố pháo nát chân đèo - vạt lúa nương lửa sém

Bữa ăn người lính mới cực làm sao, vậy mà ăn cũng không trọn bữa:

Nắm mì chua bỏ dở chạy xé rừng

Đuổi giặc về bên kia cột mốc

Sự sống dù nghèo vẫn cứ tồn tại, sinh sôi:       

 Tôi đi trong tiếng đòng đòng đang trổ

Trên điểm cao thì chàng trai đuổi giặc bảo vệ cương vực ngàn đời, cô gái dưới đèo thì vẫn... đang thì gặt hái!

Sản xuất và chiến đấu vẫn là nhịp sống bình thường, trong non nửa thế kỷ qua, quân dân ta vẫn quen như vậy:

Nhưng không gian thơ của buổi xế chiều vẫn làm nao lòng người lính khi nghĩ đến người yêu, và nhịp đời sinh nở lại làm yên lòng người lính:

Chiều mỗi lúc thấp dần và lát nữa

Ngôi sao Hôm lại cháy trên đầu

Nhịp sống gian nan như trên, bao nhiêu bài thơ đã nói rồi, nhưng cách thể  hiện quyết liệt này là của riêng Hoàng Hữu:

Lúa dội mãi màu xanh se thắt

Đất đã vắt đến tận cùng sức lực

Màu phì nhiêu tần tảo với tay người

Hai điều lớn lao này từ bao năm vẫn song hành cheo leo giữa mất và còn. Tưởng đã mất đến kiệt cùng, rồi lại nhờ tần tảo, lại phì nhiêu, mâu thuẫn mà thống nhất!

Càng về cuối bài, tác giả càng muốn cô đúc lại  ý nghĩa của nhịp sống ấy.

Anh chỉ muốn cô gọn lại như một tín hiệu:

 Hạt mồ hôi gieo với thóc

 Đất giữ lại tuổi người - dấu bàn chân lấm láp

Đất giữ lại tuổi người có nghĩa tuổi xuân của họ không mất đi vô ích, tất  cả đã hoàn nguyên vào đất. Đôi người ấy, tình yêu của họ thật da diết và bao la. Họ hiểu đến tận cùng ý nghĩa cuộc sống trong chiến đấu, nên họ vẫn giữ được vẻ thanh thản, trữ tình trong gian khổ:

Chân trời người đi trong mắt

Hiền và thương đăm đắm cháy sao Hôm...   

Điều sẽ nói cùng em 

Chiều mỗi lúc thấp dần và lát nữa

Ngôi sao Hôm sẽ lại cháy trên đầu.

Tôi đi trong tiếng đòng đòng đang trổ

Quần áo lính đất rừng bết đỏ

Thấp thó giữa màu xanh lúa

Với con đường sỏi tím men theo.

Sẽ kể với em thế nào đây

Cây rừng cháy thì đâu còn lạ nữa

Hố pháo nát chân đèo vạt lúa nương lửa sém

Nắm mì chua bỏ dở chạy xé rừng

Đuổi giặc về bên kia cột mốc.

Thế nào đây khi nói cùng em

Rừng chạm tay biết mùa đang sương muối

Ở dưới ấy đang thì gặt hái

Ở dưới ấy…

Lúa dội mãi màu xanh se thắt

Đất đã vắt đến kiệt cùng sức lực

Màu phì nhiêu tần tảo với tay người.

Là những gì không thể nói, em ơi!

Giọt mồ hôi gieo với thóc

Đất giữ lại tuổi người - dấu bàn chân lấm láp

Chân trời người đi trong mắt

Hiền và thương đăm đắm cháy sao Hôm.

Những gì sẽ nói cùng em. 

Phút điềm tĩnh đứng đây

Từng cột mốc đồng đội chắn giữ

Cho chiều xuống chạm khẽ vào lá lúa

Sao Hôm lên

Em vất vả  giữa đòng đòng mát ngọt

Tôi nắm tay em ngỡ mùa dâng đầy ắp

Biết nói gì hơn được

Khí bụi đỏ trên vai rơi

Hạt đất nơi tận cùng Tổ quốc

Lại trở về gốc lúa ở bên em            

 Hoàng Hữu           

VÂN LONG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh