CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:01

Hoàn thiện pháp luật để ngăn chặn tình trạng “thổi giá”, “bắt tay ngầm” trong đấu giá đất

​Các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn về nhóm vấn đề: Quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng quan tâm đến việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp; vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19; vấn đề ô nhiễm môi trường của nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận thực tế không chỉ có hiện tượng thổi giá mà còn có hiện tượng móc ngoặc, dìm giá, làm nhiễu loạn thị trường, gây ra nhiều hệ lụy.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận thực tế không chỉ có hiện tượng thổi giá mà còn có hiện tượng móc ngoặc, dìm giá, làm nhiễu loạn thị trường, gây ra nhiều hệ lụy.

 Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho biết, dư luận cử tri nêu, việc đấu giá đất tại nhiều nơi có hiện tượng bắt tay ngầm để tạo sóng. Có nhiều trường hợp nhà đầu tư trả giá "trên trời" rồi âm thầm bỏ cọc, kết quả trúng đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm. Điển hình như vụ đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Thủ Đức vừa qua.

Có hiện tượng làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao, tạo ra hiện tượng "sốt đất ảo", thiết lập mặt bằng giá đất mới khiến quá trình giải phóng mặt bằng triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, gây mất trật tự, an ninh xã hội. Do đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này.

Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp ngăn chặn tình trạng "bắt tay ngầm" trong đấu giá đất; "thổi" giá đất để trục lợi cá nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận thực tế không chỉ có hiện tượng thổi giá mà còn có hiện tượng móc ngoặc, dìm giá, làm nhiễu loạn thị trường, gây ra nhiều hệ lụy.

Nguyên nhân là do pháp luật liên quan đến đấu giá đất còn thiếu cụ thể như: Trình tự chưa chặt chẽ; chưa quy định điều kiện, năng lực của doanh nghiệp tham gia đấu giá; chế tài đối với người cố tình đẩy giá cao rồi bỏ cọc chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, các công cụ pháp luật để ngăn chặn tình trạng quân xanh, quân đỏ, móc ngoặc hoặc đe dọa người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất cũng chưa chặt chẽ, thậm chí có sơ hở. Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này.

4 lô đất đã được đấu giá tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM vào ngày 10/12/2021, sau đó có 2 doanh nghiệp đã bỏ cọc.

4 lô đất đã được đấu giá tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM vào ngày 10/12/2021, sau đó có 2 doanh nghiệp đã bỏ cọc.

Về số doanh nghiệp đã tiến hành huy động vốn thông qua ký kết các loại hợp đồng như hợp đồng hứa mua, hứa bán, hợp đồng góp vốn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, các hợp đồng hứa mua, hứa bán chính là đang lách Luật Đất đai. Luật Đất đai quy định chỉ đưa sản phẩm bất động sản ra thị trường khi đã có quy hoạch, có hạ tầng hay đầu tư xong nền móng… và dự án đó phải trả xong nghĩa vụ tài chính. Việc này được áp dụng bởi Luật Dân sự bởi vì Bộ luật Dân sự không cấm những giao dịch hợp đồng.

Theo Bộ trưởng, vấn đề rủi ro ở đây là sẽ có những nhà đầu tư không thật, làm những "dự án ma" không có quy hoạch, không có phê duyệt, đất chưa chuyển mục đích, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa hoàn thành các nghĩa vụ khác đã muốn đưa ra thị trường để thu hút nguồn vốn. Trong Luật Đất đai không quy định về vấn đề hứa bán, hứa mua và hợp đồng; Luật Dân sự không cấm, do đó để hạn chế rủi ro phải tìm căn cứ để giải quyết. Theo Bộ trưởng, để giải quyết căn cơ vấn đề này phải công khai tất cả quy hoạch.

Về vấn đề thổi giá, đầu cơ đất đai, Bộ trưởng thừa nhận "đây là hiện tượng rõ ràng có thật". Theo ông, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, người dân và doanh nghiệp đã gửi tài sản của mình vào đất và khi đất lên giá phi mã ai cũng nghĩ là thành công. Theo Bộ trưởng, trong vấn đề này, Nhà nước phải điều tiết để ngăn chặn vấn đề thổi giá. Không để xảy ra tình trạng đất chưa sử dụng mà đã tham gia đấu giá để giữ đất, găm đất. Không để tình trạng đất không sử dụng, không đầu tư, nhưng để càng lâu vẫn lên giá. Đồng thời phải có chính sách để kiểm soát được các dự án đầu tư.

Phải xác định được lộ trình dự án này để đưa vào phục vụ cho phát triển kinh tế. Phải phân biệt các phân khúc về thị trường. Phải lấy nhu cầu của bất động sản nhà ở làm cơ sở để quyết định đầu tư phát triển đô thị chứ không phải mục tiêu thu được tiền trong nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ kia. Tức là phải đảm bảo tính toán cân bằng cung - cầu của thị trường về bất động sản.

PHA LÊ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh