THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:03

Hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với ngữ cảnh mới

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà trao đổi trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 sáng 18/9

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà trao đổi trong khuôn khổ "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022" sáng 18/9

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 đã diễn ra Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề về đẩy mạnh cải cách thể chế-hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ngân hàng hỗ trợ lãi suất 2%/năm nhưng khách vẫn không mặn mà

Tại chuyên đề thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong khuôn khổ "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022" sáng 18/9, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian vừa rồi việc điều hành chính sách để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, lãi suất và tỷ giá trong nước vẫn diễn ra tốt.

Về vấn đề tín dụng tăng nhanh, ông cho biết tính đến giữa tháng 9 đã tăng trên 10% so với mục tiêu 14%. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, kinh doanh…

Một trong những mục tiêu trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước là gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm lên tới 40.000 tỷ đồng. Trong đó, năm nay mục tiêu hỗ trợ 16.000 tỷ đồng và sang năm là 24.000 tỷ đồng.

Ông cho biết, sau khi phân bổ đã tiến hành triển khai, đã có hướng dẫn các ngân hàng thương mại và yêu cầu tập trung nguồn lực cao để triển khai nhanh.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông được chú trọng, lãnh đạo Ngân hàng trong các hội nghị chủ trì cũng nhấn mạnh việc nhanh chóng triển khai.

Qua 3 tháng triển khai, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8 năm nay là khoảng 13,5 tỷ đồng.

Ông Phạm Thanh Hà nhìn nhận số liệu giải ngân còn khiêm tốn. Tuy nhiên, chuyện cho vay của hệ thống các ngân hàng thương mại vẫn diễn ra bình thường, không phụ thuộc vào vấn đề còn hay hết "room" tín dụng. "Chuyện cho vay diễn ra hàng ngày ở các ngân hàng. Yếu tố quan trọng khác là thẩm định rủi ro, hồ sơ khách hàng…", ông nói và chỉ ra các lý do khiến gói triển khai hiện chưa được như kỳ vọng.

Về xác định đối tượng, ông Hà cho biết có trường hợp khách hàng không phải hoạt động đơn ngành mà đa ngành, nhiều hộ thuộc đối tượng nhưng không được xác định là vay vốn kinh doanh.

Ngoài ra, sự khác biệt giữa sự thẩm định của ngân hàng cho vay với sự đánh giá của cơ quan thanh tra, kiểm toán cũng là lý do gói hỗ trợ chưa được triển khai nhiều.

Về chỉ tiêu đánh giá, khách hàng phải có phương án kinh doanh cụ thể cũng như khả năng phục hồi mới có thể nhận hỗ trợ. "Phải đánh giá tính khả thi của dự án do ảnh hưởng tới quá trình giải ngân", ông nói. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, ban đầu khách hàng được thẩm định có thể trả nợ nhưng sau đó có rủi ro xảy ra, thì ngân hàng lại phải đánh giá lại về khả năng phục hồi.

"Chúng tôi nhận diện được những khó khăn trong việc triển khai và đã đề nghị các Bộ, ngành liên quan cùng thống nhất rằng khách hàng tự xác định ngành nghề kinh doanh của mình xem có thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng cho vay sẽ đánh giá chính doanh nghiệp có khả năng phục hồi không", ông nói.

Về tâm lý e ngại của khách hàng, ông chỉ ra nguyên nhân đầu tiên do mức giải ngân còn thấp gây ra nghi ngờ về khả năng hỗ trợ và thực tế triển khai. Ngoài ra, nhiều khách hàng cho rằng thủ tục vay vốn phức tạp, rườm rà. "Tuy nhiên, tiền là từ ngân sách, thủ tục đã được thống nhất từ trước", ông nói. Bên cạnh đó, khách hàng ngại các công tác thanh tra, kiểm toán.

Ông cho biết sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phối hợp liên ngành từ các địa phương, ngân hàng thương mại để nắm bắt, giải đáp thắc mắc còn vướng mắc trong thực tế. Đồng thời tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng, doanh nghiệp, người vay vốn... nhằm thu thập thông tin về khó khăn trong quá trình triển khai, từ đó trình Chính phủ và đưa ra các giải pháp để gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai nhanh hơn trong thời gian tới.

1a

Thực hiện cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch để đưa đất ra đấu giá còn khó khăn

Trình bày tham luận đầu tiên tại Hội thảo chuyên đề 1, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều nghiên cứu trước đây đã ghi nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa thể chế và phát triển.

Mặc dù các quốc gia khác nhau có cách thức tổ chức kinh tế và chính trị không giống nhau, nhưng các dữ liệu nghiên cứu cho thấy rằng có sự tương quan mật thiết giữa thứ hạng cao về chất lượng thể chế với sự thịnh vượng của một quốc gia. Hoàn thiện thể chế là yêu cầu có tính tất yếu, khách quan đối với sự phát triển của một quốc gia.

Đối với Việt Nam, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, cải cách và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng trong quá trình đổi mới đất nước. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với quá trình cải cách và hoàn thiện thể chế của Việt Nam.

Trong đó, có ba xu hướng lớn toàn cầu dự kiến sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thể chế của Việt Nam, đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, sự tăng tốc của nền kinh tế số, sự gia tăng mạnh mẽ của các sáng kiến xanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh: "Bối cảnh đặc biệt này không chỉ đặt ra yêu cầu khắc phục, giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây nên mà còn phải tận dụng được những yếu tố thời cơ, thuận lợi, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn, tiến tới phục hồi và phát triển với tư duy mới và tầm chiến lược mới.

Do vậy, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình lập pháp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, rà soát văn bản, sơ kết, tổng kết việc thi hành".

Đánh giá về Luật đất đai 2013, theo GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, luật này có chủ trương chủ đạo về cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, từ đó đưa đất ra đấu giá để có thể thu tiền sử dụng và tiền thuê đất nhiều hơn cho Nhà nước.

Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch để đưa đất ra đấu giá còn khó khăn. Quỹ phát triển đất không đủ để giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.

Mặt khác, có thể thấy, cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch đòi hỏi lượng kinh phí rất lớn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là điều khó thực hiện, nhất là đối với khu vực đã thu hồi đất không được các nhà đầu tư quan tâm. Từ đó, dẫn tới việc đất đai rơi vào tình trạng lãng phí do thu hồi nhưng không thể đưa vào sử dụng.

Vì vậy, để hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với ngữ cảnh mới, GS. TS. Đặng Hùng Võ nêu rõ, việc sửa đổi Luật Đất đai phải được coi như một yếu tố quan trọng, có tác động lớn đến mục tiêu đưa Việt Nam từ nước có thu nhập trung bình thấp thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Cùng với đó, trong việc sửa đổi Luật Đất đai cần thảo luận thêm một số vấn đề như quản lý sử dụng đất đa mục đích; hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai dạng địa chính 3D, 4D; chuyển đổi số trong quản lý đất đai; hoàn thiện cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Về cải cách đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai lần này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, 11 nhóm chính sách lớn của Nghị quyết 18 đều là các vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng sâu rộng đến nền tảng của nền kinh tế, đời sống của người dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch là một trong những công cụ quan trọng nhất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Công tác quy hoạch phải đổi mới về phương pháp, nội dung, hình thức, xác lập vị thế của công tác này, để quy hoạch mang được quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực tài nguyên hết sức đặc biệt, quý giá và quan trọng này.

Nội dung đổi mới này sẽ đảm bảo công bằng, bình đẳng cho các bên, giải quyết nhu cầu sử dụng đất, giải quyết các vấn đề trong quá khứ, hiện tại và tương lai".

Thành Công

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh