Hoài niệm Tết xưa
- Y học 360
- 14:07 - 01/02/2022
Ký ức Tết xưa
Những ngày cận Tết, nơi mảnh đất với chập chùng “rừng cọ, đồi chè” thêm lạnh hơn. Bên giàn trầu với những chiếc lá to và xanh rung rinh trước gió, mẹ tôi nhẹ nhàng lựa những lá trầu lành lặn, ưa mắt nhất hái về để dùng trong những ngày Tết. Dưới tia nắng mùa đông, những nếp nhăn, sự vất vả nhọc nhằn hiện rõ trên khuôn mặt mẹ, nhưng trong sâu thẳm, qua ánh mắt của mẹ chất chứa cả một miền ký ức về Tết xưa.
Tay run run xếp gọn những lá trầu vừa hái, mẹ chậm giãi kể về Tết xưa: Trước Tết non một tháng, trong xóm ngoài làng, người người, nhà nhà đều chuẩn bị những vác củi khô gồm cành to, cành nhỏ xếp gọn góc vườn để nấu bánh chưng và đun trong vài ngày Tết. Cùng với đó là việc quét dọn dẹp nhà cửa, sân vườn cho gọn gàng, sạch sẽ. Đồ đạc dùng trong nhà đều được mang ra lau chùi, nhất là những chiếc nồi cả năm đun bằng củi lửa nhọ nhem được mang ra đánh bóng, sáng loáng.
Gió se sẽ thổi, tiết trời lạnh hơn, đưa tay chỉnh lại chiếc mũ len, mẹ nói: Người xưa mong Tết không chỉ là để được nghỉ ngơi, mà quan trọng là quanh năm vất vả, bận rộn, ăn uống đơn giản, chỉ có ngày Tết mới được ăn những món ngon. Do đó, chuẩn bị cho việc ăn Tết rất được chú trọng. Đầu tiên là nuôi lợn. Giống lợn quê cho ăn cám nấu cây chuối, dọc khoai hay bèo tấm, sức lớn mỗi tháng chỉ 4 - 6 kg, để đạt trọng lượng 50 - 60kg thịt cho ngày Tết, người dân phải nuôi từ đầu năm.
Trước kia, Tết đến, đại đa số người dân lấy bánh chưng, thịt lợn làm cơ bản để cúng và ăn Tết. Nhà đông người hay có điều kiện thì mổ một con lợn, nhà ít người hoặc nghèo thì chung nhau hai, ba, bốn nhà một con. Suốt các ngày từ 28 đến 30 tháng Chạp, tiếng lợn kêu eng éc khắp làng trên xóm dưới. Quanh giếng nước làng lúc nào cũng dập dìu người, chỗ này cọ lá dong, chỗ kia làm lòng lợn. Ngoài ra, cứ đến rằm tháng Chạp, mọi nhà bắt đầu làm dưa hành. Hành củ to tròn, mua về ngâm nước tro bếp 5 ngày, rồi bóc vỏ, cắt rễ, trộn muối; 2 ngày sau thì đổ nước ngâm, mất 7 - 8 ngày nữa củ hành mới hết cay chuyển thành dưa chua dôn dốt. “Dù không phải món chính, nhưng dưa hành là món không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết đó con”, mẹ nói.
Bỗng phía đường làng vọng lại tiếng của trẻ con đang nô đùa, chọc ghẹo nhau í ới. Lặng im trong giây lát, ký ức của Tết xưa lại ùa về, mẹ khe khẽ đọc: “Người già được bát canh ngọt, trẻ con được manh áo mới” để kể về những năm tháng còn khó khăn vất vả, người dân không có đủ cơm ăn ngày hai bữa, nhưng vẫn cố gắng chắt chiu, dành dụm đến Tết phải mua bằng được cho con manh áo mới diện trong vài ngày Tết, rồi sau đó mặc đi học. Bởi vậy, ngay từ tháng Hai, tháng Ba, các gia đình đã lo ấp mấy đàn gà để đến Tết mổ thịt hoặc bán lấy tiền mua quần áo cho lũ trẻ. Với những nhà đông con, nghèo khó, không thể sắm đủ bộ nên đứa có quần thì thôi áo và ngược lại, nhưng tụi nhỏ rất thích, chỉ mong nhanh đến Tết để được diện quần áo mới đi khoe bạn bè.
Nhớ tiếng pháo năm xưa
Những hoài niệm về Tết xưa của mẹ và tôi bị ngắt quãng vì có tiếng gọi mở cửa cổng. Thím tôi tay ôm một bó lá dong to, xanh ngắt vừa cắt ở vườn mang cho mẹ để gói bánh chưng. Vừa trao bó lá cho tôi, thím cười tươi: Tết xưa là những nỗi lo toan kéo dài suốt cả năm. Những bà mẹ ở nông thôn từ những ngày đầu năm đã ra vườn dặm lại mấy bụi dong để “Tết còn có lá mà gói bánh”. Do vậy nhà thím và rất ít người dân trong xóm vẫn duy trì được việc trồng lá dong nơi góc vườn để Tết đến tiện cho việc gói bánh. Vì theo những người dân thì “cây nhà lá vườn” vẫn hơn, trong khi gạo nếp đã tự mình cấy được. Để rồi khi ăn miếng bánh dễ dàng cảm nhận được hương vị đậm đà của miếng bánh chưng quê.
Vừa dặn tôi dựng cẩn thận bó lá dong kẻo bị rách, với tay chỉnh lại chiếc khăn len trên đầu, dường như ký ức Tết xưa trong thím lại trở về. Thím kể: Tết xưa, bánh chưng luôn là món ăn ngon nhất trong ngày Tết vì hạt gạo tự mình làm ra chẳng cần đong đếm. Song ngặt nỗi, chiếc nồi đồng luộc được ba bốn chục bơ gạo bánh, trong làng chỉ có năm, bảy nhà giàu sắm được. Vì vậy dân làng mượn chuyền tay nhau, phải hỏi trước với nhà chủ để còn sắp xếp. Có nhà luộc bánh từ sáng ngày 27, nhà mượn cuối cùng là chiều 30, tính đếm sao cho kịp trả nồi trước lúc gia chủ thắp hương đón Giao thừa, khi mà tiếng pháo nổ rền mừng năm mới.
Nhấp ngụm trà nóng mẹ tôi vừa rót, thím trở về với nỗi nhớ đong đầy: Xưa kia dù nhà nghèo đến mấy nhưng Tết vẫn phải sắm cho được ba bánh pháo để nổ đì đùng cùng xóm làng. Bánh thứ nhất đốt vào dịp cuối năm, thường là lễ cúng tất niên; bánh thứ hai đốt vào đêm Giao thừa; bánh thứ ba đốt vào ngày cúng cơm hoá vàng. Bánh pháo ngày ấy thường có màu đỏ, kèm bốn quả pháo đùng để khi đốt có điểm nhấn. Pháo tép dành cho con nít dài cỡ gang tay, quả pháo nhỏ xíu còn hơn đầu đũa, khi đốt nổ đì đẹt, rất vui tai.
Một năm với bao biến cố, dù làm ăn khấm khá hay kém may mắn, tiếng pháo đêm Giao thừa như một sự “xí xoá” để lên “dây cót” mà làm lại từ đầu. Dường như nhà càng nghèo càng đốt nhiều pháo, pháo làm tăng sự rộn rã, phấn chấn và sự tự tin vào năm kế tiếp. Để có được tràng pháo nổ giòn giã, những bánh pháo sẽ được lựa chọn kỹ lưỡng đảm bảo không bị ẩm. Nhiều gia đình mua pháo trước vài hôm và để trên giàn bếp hong khói, cốt làm sao pháo nổ thật giòn, to. Vì ai cũng quan niệm, tiếng pháo tượng trưng cho sự sung túc, may mắn của năm mới. Nhà nào có tiếng pháo nổ to, không bị đứt quãng coi như một sự thành công, tìm thấy được niềm vui và kỳ vọng một năm mới đầy hứa hẹn.
“Ngày ấy, tiếng pháo giòn giã tiễn năm cũ và đón năm mới với bao ước vọng. Làn khói pháo thơm xanh trong tiết xuân se lạnh, để sáng Mùng 1 thấy trước sân nhà đám xác pháo đỏ hồng tượng trưng cho một năm may mắn… là hình ảnh thân quen, sống mãi trong ký ức của bao lớp người dân lam lũ quê mình rồi, con ạ”, thím tôi nhớ lại với vẻ mặt trầm tư.
Cuối chiều, ông mặt trời khuất hẳn sau rặng tre, gió đông hiu hiu thổi, trên mỗi mái nhà từng làn khói mỏng vươn lên hòa quyện trong làn gió. Không khí Tết đang đến rất gần, len lỏi từng đường làng, ngõ xóm. Những hoài niệm về Tết xưa của mẹ, của thím như chưa có hồi kết. Bất giác tôi thấy lòng mình chộn rộn, tuy giờ đây Tết quê đã có nhiều đổi thay theo sự phát triển của đất nước, nhưng những ký ức Tết xưa với những lo toan vất vả của người dân quê luôn “chân lấm tay bùn”, quanh năm gắn bó với lũy tre làng vẫn trở về đầy ắp mỗi khi Tết đến xuân về.