CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:06

Hoa quả Việt Nam vào thị trường Trung Quốc: Nhiều tiềm năng còn bỏ ngỏ

 Chiều ngày 24/9/2020, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM – Bộ Công Thương) đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và Hiệp hội Trái cây Thượng Hải tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm hoa quả Việt Nam – Trung Quốc (Thượng Hải) 2020.

Nhiều tiềm năng còn bỏ ngỏ

Cục trưởng Cục XTTM Vũ Bá Phú cho biết, Việt Nam có quan hệ thương mại chặt chẽ và trực tiếp với nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc. Trong đó Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc về dân số với hơn 24 triệu dân, là đối tác thương mại hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú cũng chỉ ra, thương mại giữa Việt Nam với thành phố Thượng Hải vẫn còn nhiều dư địa bỏ ngỏ, đặc biệt là thương mại các sản phẩm trái cây được ươm trồng và chế biến tại Việt Nam, do đó rất cần sự tích cực hơn nữa của các cơ quan và doanh nghiệp hai bên.

Phân tích lợi thế của hàng Việt Nam nói chung và hoa quả nói riêng tại thị trường Thượng Hải, ông Ninh Thành Công, Tổng Lãnh sự, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải cho biết, Việt Nam và Trung Quốc (bao gồm Thượng Hải) có nhiều thuận lợi để khai thác thế mạnh, tiềm năng thương mại sẵn có, nhất là trong lĩnh vực hoa quả.

Cụ thể, Việt Nam và Trung Quốc đều có hệ thống vận chuyển đường bộ, đường sắt, hàng không và đường biển rất thuận tiện, dịch vụ logistics nhanh chóng, tạo thuận lợi cho giao thương của doanh nghiệp hai nước.

Bên cạnh đó, cả Việt Nam và Trung Quốc cùng kiểm soát, khống chế tốt dịch Covid-19, giúp cho doanh nghiệp hai nước trao đổi thương mại thuận tiện hơn trong bối cảnh hiện nay.

Mặt khác, thời gian qua, lãnh đạo các bộ, ngành chủ quản của hai nước luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại hai bên, nhất là việc doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa Việt Nam có thế mạnh, trong đó có hoa quả.

Việt Nam có nhiều nông sản, hoa quả vùng nhiệt đới, đặc trưng với khí hậu của Việt Nam và sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Liên minh Châu Âu (EU), có sự bổ sung lớn có thể cung cấp cho thị trường Trung Quốc. 

Trong khi đó, Thượng Hải và Hoa Đông là những khu vực năng động, phát triển của Trung Quốc, hệ thống siêu thị và thương mại điện tử phát triển. Với những tiềm năng mà hai bên vốn có, doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điều kiện để tiếp tục phát triển hợp tác lâu dài.

Về phía nhà nhập khẩu Thượng Hải, ông Viên Á Tường, Tổng Thư ký Hiệp hội Trái cây Thượng Hải cho biết, dù sản phẩm nội địa dồi dào nhưng hàng nhập khẩu vẫn được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.

Tuy nhiên, ông Viên Á Tường cũng thừa nhận, những tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến hoa quả nhập khẩu vào Trung Quốc giảm. 

Giá trung bình của măng cụt, thanh long, anh đào, cam quýt, dừa, dứa và sầu riêng nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, do sức mua thấp, và sản phẩm gặp khó khăn trong vận chuyển khiến kéo dài thời gian, làm tăng chi phí logistics…

Giới thiệu về tiềm năng hoa quả của Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư Ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh, nông nghiệp làm vườn, trồng cây ăn trái sẽ là một trong những lĩnh vực mang nhiều hứa hẹn nhất của nền kinh tế Việt Nam. 

Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nhà xuất khẩu trái cây lớn không những cho Trung Quốc mà còn cho thế giới.

Ông Từ Trí, đại diện Công ty Quản lý Chợ đầu mối Long Ngô nhận xét, hiện có 9 loại trái cây của Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít và măng cụt. 

"Trái cây Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng vì chất lượng vượt trội, giá cả cạnh tranh", ông Trí cho biết.

Song hành với doanh nghiệp

Ông Vũ Bá Phú cho biết, với nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm hoa quả của các chợ đầu mối, kênh phân phối bán buôn, bán lẻ tại Thượng Hải, sự ưa chuộng của nhiều người tiêu dùng Trung Quốc với đa dạng sản phẩm hoa quả Việt Nam, Cục XTTM tiếp tục kết nối các doanh nghiệp hoa quả Việt Nam tham gia giao dịch trực tuyến với các khách mua hàng tiềm năng Thượng Hải tại sự kiện này. 

Ông mong muốn thông qua hội nghị này, các doanh nghiệp hai bên sẽ tìm được đối tác tin cậy, cùng phát triển lâu dài, bền vững trong các hoạt động giao dịch, kinh doanh sản phẩm hoa quả Việt Nam tại thị trường Thượng Hải.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc hợp tác kinh doanh, Cục XTTM đã có Văn phòng XTTM ngay tại thủ phủ Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (gần với Thượng Hải). Đây là văn phòng XTTM thứ hai của Việt Nam tại Trung Quốc, được thành lập năm 2018 sau văn phòng XTTM Việt Nam tại Trùng Khánh.

Theo đánh giá của ông Vũ Bá Phú, Văn phòng sẽ là địa điểm sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Thượng Hải tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư lâu dài với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hoa quả Việt Nam nói riêng và nhiều mặt hàng khác nói chung.

Ông Vũ Bá Phú cũng đề nghị Hiệp hội Trái cây Thượng Hải và các cơ quan, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trái cây liên quan tại Thượng Hải sẽ tăng cường hợp tác các hoạt động XTTM ngành hàng trái cây với Cục XTTM, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cùng các cơ quan liên quan thông qua Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, Văn phòng XTTM tại Hàng Châu, để đem đến nhiều hơn nữa các cơ hội kết nối kinh doanh cho các nhà cung cấp Việt Nam và nhà nhập khẩu Thượng Hải.

Dưới góc nhìn của nhà nhập khẩu, ông Viên Á Tường lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả của Việt Nam, để chiếm thị phần nhiều hơn đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng và giá cả cạnh tranh.

“Sau khi vượt qua suy thoái thị trường, Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất cũng sẽ tạo ra bước ngoặt. 

"Tuân thủ quan điểm chất lượng là trên hết, lấy thị trường làm phương hướng , lấy “ ngon” làm nguyên tắc thì sẽ đạt được sự ổn định, để sản phẩm tốt được thị trường chấp nhận và người tiêu dùng yêu thích”, ông Viên Á Tường nhấn mạnh.

Bổ sung ý kiến của ông Viên Á Tường, ông Từ Trí cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường giám sát các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, liên quan đến các phương diện như truy xuất nguồn gốc nông sản, đăng ký vùng trồng, đăng ký nhà máy đóng gói và dán nhãn sản phẩm. 

Điều này chính là trách nhiệm đối với người tiêu dùng và cũng đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn về yêu cầu công việc cho tất cả các nhà sản xuất trái cây.

Ông Từ Trí cho biết, chợ Long Ngô sẽ tiếp tục được củng cố như một cầu nối giữa các nhà xuất khẩu trái cây Việt Nam và các nhà nhập khẩu trái cây Trung Quốc, đồng thời cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp cho cả hai bên, thu hút ngày càng nhiều loại trái cây chất lượng cao vào Trung Quốc cho người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường này.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh