THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:00

Hoa nào cho dáng mẹ gầy?

Gần 2 chục năm cầm bay, bàn tay này chưa một lần nhận được bông hoa ngày 8/3

Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, các ngả đường thành phố Vinh (Nghệ An) ngập tràn trong đủ sắc hoa. Mỗi lẵng hoa có giá thấp nhất cũng khoảng 150 nghìn đồng, bằng thu nhập một ngày công làm việc của người lao động phổ thông. Bởi vậy, đối với rất nhiều người, ngày này cũng giống như bao nhiêu ngày khác trong năm. Nghĩa là họ vẫn lặng lẽ với công việc bếp núc, chăm sóc gia đình và trách nhiệm san sẻ hoặc gánh vác kinh tế với chồng.

Hai người phụ nữ trèo trên giàn giáo tầng 3 của một công trường xây dựng, mái tóc vấn cao, buộc gọn gàng sau lần khăn mỏng. Họ tay cầm bay, tay cầm gạch, cũng nheo nheo mắt để đặt hàng gạch cho thật thẳng. Thỉnh thoảng, họ trở cán bay, gõ gõ vào bức tường đang xây. Họ là 2 thợ xây đặc biệt của tổ thợ hơn 10 người.

Chị Đặng Thị Bình (quê xã Hưng Hòa, Tp Vinh) – nữ thợ xây lớn tuổi hơn cho biết, đã có thâm niên cầm bay gần 2 chục năm. Nghề xây vốn chỉ dành cho đàn ông bởi gần như suốt ngày phải phơi mình dưới nắng gắt nhưng chị xây giỏi chẳng kém đồng nghiệp nam nào. “Chị cầm bay khi hai đứa con còn nhỏ xíu, giờ chúng yên bề gia thất cả rồi. Chúng bảo mẹ ở nhà trông cháu cho chúng con, vừa đỡ cực, vừa có bà có cháu cho vui nhưng ở nhà không quen, chân tay cứ bồn chồn không yên”, chị Bình cho biết.

                                                             Họ cũng thành thạo và xốc vác không kém gì đồng nghiệp nam.

Đồng nghiệp của chị Bình là chị Thanh, ít tuổi hơn, đương nhiên tuổi nghề cũng ít hơn. Chị Thanh đứng chung với chồng trên một giàn giáo, tốc độ xây cũng chẳng kém chồng bao nhiêu. Thỉnh thoảng, chị kêu cậu thợ phụ thêm gạch, vữa, tiếng kêu đanh, gọn cứ như thể tác phong đã “ngấm vào máu”.

"8/3, anh tặng quà gì cho vợ?". Đáp lại câu hỏi ấy, chị Thanh nhìn chồng tủm tỉm cười đỡ lời: “Hai vợ chồng cùng đi làm như nhau, vất vả như nhau nên biết thông cảm, chia sẻ với nhau việc nhà hơn. Đều là dân lao động như nhau cả, mua bó hoa tặng vợ cũng mất toi ngày công mà mình lại đâm ra tiếc tiền hộ lão. Thôi, cứ yêu thương nhau là được, chẳng phải bày vẽ làm gì”.

Trong tiết trời se lạnh, mưa lất phất, bà Nguyễn Thị Tâm (trú tại xã Nghi Kim, Tp Vinh) vẫn mải miết đạp xe vào trung tâm thành phố. Hai sọt bắp cải gần đầy khiến vầng trán bà tấm tấm mồ hôi, những lọn tóc bết vào thái dương. "Từ Nghi Kim vào trung tâm thành phố cũng 7-8 cây số nhưng chịu khó một chút thì bắp cải cũng bán được giá hơn chút xíu" - bà Tâm giải thích.

Ngày 8/3 bà Nguyễn Thị Tâm vẫn mải miết với hai sọt bắp cải

“Mấy chục năm rồi, ngày mô cũng 4 lượt cả đi lẫn về. Ngày suôn sẻ thì về sớm, ngày ế thì tối mịt mới về nhà. Rau thừa, héo, buổi sau không bán được nữa thì chỉ có nước làm đồ ăn cho lợn. Nhà trồng rau, bán sỉ tại ruộng cũng được nhưng như thế thì được mấy đồng lãi. Thôi cứ chịu khó “guồng” mấy vòng xe đạp kiếm thêm ít đồng”, bà Tâm cười. Thời đại người người đi xe máy, chí ít thì cũng xe đạp điện nhưng bà Tâm vẫn trung thành với chiếc xe đạp cũ kỹ của mình, dẫu là ngày nghỉ hay ngày lễ.

Nơi góc phố nườm nượp người qua kẻ lại, bà Hương (66 tuổi) vẫn lặng lẽ với công việc của mình. Bà ngồi lọt thỏm giữa ngồn ngộn những máy móc hỏng hóc đang chờ sửa, tay thoăn thoắt quấn lại dây đồng cho động cơ máy bơm nước. Những lõi dây đồng sau khi quấn được bà Hương lắp vào thân động cơ, tỉ mỉ và cẩn trọng. “Cái mô tơ này nhỏ nên làm khỏe, còn mấy cái trong kia nặng quá, mình tôi bê không nổi, đợi thằng con về mới làm được”, bà Hương nói.

Bà Hương từng là công nhân Xí nghiệp điện máy, về hưu non khi mới ngoài 40 tuổi. Nghỉ được vài năm, nhớ nghề quá nên khi con trai mở cửa hàng sửa chữa điện dân dụng, với vốn nghề đã có, bà tình nguyện ra giúp con một tay. “Làm cho vui thôi cháu ạ. Lương hưu bà giờ gần 3 triệu, rồi lương hưu của ông nữa, cũng không đến nỗi vất vả lắm. Bà làm giúp cho con kiếm tiền lo cho các cháu thôi. Nhưng mà già rồi, xương khớp nó không còn nghe theo ý mình nữa, ngồi cả ngày cũng tê dại cả lưng”, bà chia sẻ.

Ngày lễ, hoa ngập đường ngập lối, đủ loại, đủ màu sắc. Giữa cái ồn ào náo nhiệt và đầy sắc màu tươi vui ấy, nhiều người mẹ vẫn lặng lẽ với trách nhiệm về gia đình, con cái. Thảng hoặc, đôi mắt các bà, các chị cũng thoáng tủi đi khi vô tình bước qua những cửa hàng bán hoa nhưng chỉ trong chốc lát thôi, đôi mắt lại trở về với thực tại, đầy nhẫn nại và lo toan.

Giữa những rừng hoa ấy, có lẽ, chẳng có bông hoa nào dành cho họ. Nhưng những nhọc nhằn, vất vả ấy sẽ được đền đáp bằng tương lai của những đứa con, bằng bữa cơm dù vẫn nhiều rau dưa hơn cá thịt nhưng đầy ắp niềm vui, hi vọng

Theo dantri.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh