THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:40

Hoa muộn

 

Một sáng mùa thu, trên con đường mang tên ông Tổ nghề Nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ hướng lên tượng đài vua Quang Trung cạnh Núi Bân, khi đi ngang chùa Quốc Ân, anh bạn đồng hành bỗng chỉ một cây cảnh trồng bên cột cổng và nói:

- Bác xem kìa, lạ không?

Đó là loại cây chỉ có chùm lá xanh xòe gần mặt đất, người ta trồng làm cảnh ở nhiều nơi; nhưng đặc biệt cây trước cổng chùa Quốc Ân bỗng “mọc lên” một “ngọn tháp” xanh thẳng tắp, cao cả mét, trông như một búp măng vậy. Lạ hơn, cách đó mươi lăm bước chân, ở một cây cùng loại, cái chồi hoa như “ngọn tháp” ấy đã vươn cao quá đầu người và trổ hoa. Những tầng đài hoa phía dưới xòe bung nhị vàng, các đài hoa phía trên chưa nở, trông như những chùm quả xanh (ảnh).

Hình như cây “hoa lạ” ít được ai chú ý vì nó lẫn giữa những hàng cây sao đen vừa được trồng thành rừng phía sau; vả lại, cuộc sống tất bật mỗi sáng phải kịp đến cơ quan, rồi chở con đến nhà trẻ..., chỉ ông bạn đồng hành của tôi là nhà giáo về hưu, lại ham thích cây cảnh mới “phát hiện” ra nó! Quả là “hoa lạ” vì tôi chưa thấy bao giờ.

Tôi liền gửi ảnh và hỏi anh Đỗ Xuân Cẩm, một chuyên gia về thực vật và cây trồng; anh cho biết: Loài cây này có tên khoa học là Agave, ta phiên âm thành cây “A gao”; cây ra hoa rất muộn, nên thường chỉ thấy lá xanh mà thôi! Vậy nên tôi muốn gọi đây là cây “Hoa muộn”. Một sư thầy ở chùa cho biết thêm: Đúng là cây rất ít khi ra hoa; hoa lâu tàn, và chỉ ra hoa một lần (như cây chuối), khoảng 1 năm sau thì cây cũng chết luôn!

Từ lâu rồi, tại Trại sáng tác Đà Lạt, tôi đã viết bài tản văn “Đời hoa” in trên "Tuổi trẻ chủ nhật”; về sau, tập tản văn mang tên “Đời hoa” của tôi (NXB Hội Nhà văn, 1999) đã được một sinh viên văn Đại học Huế chọn làm đề tài tốt nghiệp. Đến nay, thấy “Hoa muộn”, lại nghĩ về “đời hoa”. Cũng đã có bao áng văn, lời thơ xúc động viết về hoa quỳnh chỉ nở về đêm, hoa phù dung “sớm nở chiều tàn”, hoa hải đường rụng xuống vẫn còn tươi đỏ... Nói về hoa cũng để ngẫm về những số phận khác nhau của kiếp người. Còn “hoa muộn”? Tôi bỗng nghĩ đến nữ văn sĩ Doris Lessing đoạt giải Nô-ben năm 2007 lúc đã 88 tuổi! Đã đành, những thần đồng như nhạc sĩ Mô-za hay như nhà thơ Trần Đăng Khoa... cũng rất đáng quý trọng. Tuy vậy, cũng không thiếu những em học sinh, thời cấp 1, cấp 2 chỉ là con người bình thường lẫn giữa đám đông, nhưng về sau lại phát sáng, những bé gái lúc nhỏ trông khó ưa, nhưng đến tuổi tam-tứ thập bỗng phát triển nở thành những nhan sắc khiến bao đàn ông nghiêng ngả. Vậy nên, nếu chưa thành đạt lúc thiếu thời, chẳng việc chi mà nhụt chí, mặc cảm, “giảm sút ý chí chiến đấu”; biết đâu... “Sông có khúc, người có lúc” mà! Biết đâu cuối đời sẽ có tác phẩm hay phát ngôn lưu lại hậu thế!...

“Người là hoa đất”. Hoa hay Người, nở sớm hoặc muộn, miễn là góp cho đời một cảnh sắc riêng không nhòe lẫn với ai, không “cóp pi” ai thì đã là quý, dù trong đời chỉ nở một lần thôi; một lần những dồn cả tâm huyết, trí tuệ để tỏa sáng và dâng hiến...

NGUYỄN KHẮC PHÊ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh