Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 14 tỷ USD
- Huyệt vị
- 21:06 - 02/05/2018
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 18,1 tỷ USD
Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 70,37 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 28,06 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 42,31 tỷ USD, tăng 9,3%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, tăng 22,3%; điện thoại và linh kiện đạt 4,4 tỷ USD, tăng 9,8%; vải đạt 3,7 tỷ USD, tăng 10%; xăng dầu đạt 2,8 tỷ USD, tăng 31,6%; chất dẻo đạt 2,8 tỷ USD, tăng 22,2%; kim loại thường đạt 2,3 tỷ USD, tăng 33,7%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 1,7 tỷ USD, tăng 1%; hóa chất đạt 1,6 tỷ USD, tăng 23,7%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 4 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 18,1 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 19,8%; vải tăng 5,6%.
Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 15,5 tỷ USD, tăng 7,6%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 39,5%; điện thoại và linh kiện tăng 13,7%. ASEAN đạt 9,9 tỷ USD, tăng 14,5%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 22,9%;điện tử, máy tính và linh kiện tăng 18,9%; xăng dầu tăng 17,8%. Nhật Bản đạt 5,9 tỷ USD, tăng 16,1%, trong đó linh kiện và phụ tùng ô tô tăng 36%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 33,8%.
EU đạt 4 tỷ USD, tăng 9,7%, trong đó chất dẻo nguyên liệu tăng 41,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 23,6%. Hoa Kỳ đạt 3,6 tỷ USD, tăng 18%, trong đó thức ăn gia súc và NPL tăng 28,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 13,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 7,3%.
Tháng Tư ước tính tiếp tục xuất siêu 700 triệu USD
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Tư năm nay ước tính đạt 18,20 tỷ USD, giảm mạnh 13,9% so với tháng trước chủ yếu do số ngày làm việc trong tháng ít hơn 3 ngày so với tháng trước và các sản phẩm Galaxy S9, S9+ được Samsung tập trung xuất khẩu trong tháng Ba. Trong kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4/2018, khu vực kinh tế trong nước đạt 5,0 tỷ USD, giảm 12,5% so với tháng trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,20 tỷ USD, giảm 14,4%.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong tháng 4 đều có kim ngạch giảm so với tháng trước, trong đó một số mặt hàng giảm mạnh: Sắt thép giảm 32,1%; điện thoại và linh kiện giảm 24,1%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 11,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 12,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Tư năm nay tăng 4,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 8,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 2,5%.
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 32,2%, hàng dệt may tăng 18,4%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 17,9%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 20,28 tỷ USD, tăng 17,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm tới 72,5% tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 53,48 tỷ USD, tăng 19,4%.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước:Điện thoại và linh kiện đạt 16,6 tỷ USD, tăng 36,8%; hàng dệt may đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,7%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,3 tỷ USD, tăng 10,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5 tỷ USD, tăng 29,6%; giày dép đạt 4,5 tỷ USD, tăng 6,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,6 tỷ USD, tăng 18,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,6 tỷ USD, tăng 9%.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản cũng tăng khá: thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13%; rau quả đạt 1,3 tỷ USD, tăng 26,2%; hạt điều đạt 1,1 tỷ USD, tăng 33,5% (lượng tăng 24,6%); gạo đạt 1,1 tỷ USD, tăng 38,3% (lượng tăng 22,3%).
Một số mặt hàng kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước: Dầu thô đạt 668 triệu USD, giảm 24,9% (lượng giảm 41,4%); hạt tiêu đạt 317 triệu USD, giảm 31,9% (lượng tăng 17,9%).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 14 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 56,4%; giày dép tăng 13,5%; hàng dệt may tăng 12,1%. Tiếp đến là EU đạt 13,2 tỷ USD, tăng 16%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 41,9%; điện thoại và linh kiện tăng 30,7%;điện tử, máy tính và linh kiện tăng 7,9%.
Trung Quốc đạt 10,7 tỷ USD, tăng 29%, trong đó điện thoại và linh kiện gấp gần 3,7 lần cùng kỳ năm trước; rau quả tăng 24%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 23%. Thị trường ASEAN đạt 7,9 tỷ USD, tăng 16,4%, trong đó gạo tăng 159%; sắt thép tăng 52,5%; điện thoại và linh kiện tăng 16%. Nhật Bản đạt 5,8 tỷ USD, tăng 15,2%, trong đó hàng dệt may tăng 24,1%;phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 17,2%. Hàn Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 31,2%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 46,2%; điện thoại và linh kiện tăng 37,4%; hàng dệt may tăng 22,6%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Tư ước tính đạt 17,50 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,90 tỷ USD, giảm 7,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,60 tỷ USD, giảm 7,2%.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng giảm so với tháng trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 4,4%; chất dẻo giảm 10,6%; lúa mỳ giảm 13,4%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 18,9%; khí đốt hóa lỏng giảm 19,3%; xăng dầu giảm 19,6%; cao su giảm 23,9%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng Tư tăng nhẹ 1,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 6,1%; khu vực có đầu tư nước ngoài giảm 1,8%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước: Kim loại thường khác tăng 41,2%; chất dẻo tăng 26%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Ba xuất siêu 2,26 tỷ USD. Tháng Tư ước tính tiếp tục xuất siêu 700 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm xuất siêu 3,39 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,78 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,17 tỷ USD.