THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:17

Hoa hồng mua sắm tài sản công: Hơn 20.000 tỷ đi đâu?

Đừng để hoa hồng vào túi cá nhân

ĐBQH Lê Như Tiến nhận định, mua sắm tài sản công hay mua bán bất cứ cái gì cũng đều có hoa hồng lại quả. Tiền hoa hồng chính là khoản tiền của người bán trả lại cho người mua. Mua ít thì hoa hồng ít, mua nhiều hoa hồng nhiều, điều này người dân và dư luận ai cũng biết.  

Tuy nhiên, theo ông Tiến, số tiền không nhỏ từ khoản hoa hồng được trả lại từ hàng trăm ngàn tỉ đồng chi cho mua sắm tài sản công mỗi năm ấy lại không bao giờ được công khai hay nộp về ngân sách nhà nước. Đây là con số không hề nhỏ.

Cá nhân ông cũng phải thừa nhận, dù ngân sách khó khăn nhưng nhu cầu mua sắm nhà công, xe công, tài sản công thời gian vừa qua quá tốn kém, lãng phí, đã trở thành gánh nặng quá lớn so với nền kinh tế, ngân sách hiện nay.

Gánh nặng, sự lãng phí đã thể hiện ngay bằng con số 20.000 – 27.000 tỷ có thể tiết kiệm được từ việc mua sắm tập trung mà Bộ Tài chính vừa đưa ra.

“Vậy thì bấy lâu nay, 20.000 – 27.000 tỷ đó đã đi đâu? Và phải xử lý như thế nào? Tôi đề nghị Thanh tra Chính phủ cần phải vào cuộc để làm rõ có hay không việc hoa hồng mua sắm tài sản công đã chui vào túi cá nhân hay chui vào nhóm lợi ích nào?", ông Tiến đặt câu hỏi và yêu cầu sự vào cuộc của cơ quan phòng chống tham nhũng từ phía Thanh tra Chính phủ.

Cùng với đó, ông đề nghị cần phải xem xét lại cơ chế mua sắm công, ngay cả khi đã quy về một mối theo hình thức mua sắm tập trung. Theo giải thích của ông, nếu còn duy trì cơ chế mua hàng được trả lại hoa hồng sẽ là điều kiện kích thích nhu cầu mua sắm tài sản công tăng lên. Vì mua càng nhiều thì hoa hồng vào túi cá nhân càng lớn.

Thứ hai, chấm dứt mua sắm tài sản công theo kiểu mạnh cơ quan nào, cơ quan đấy mua.

Thứ ba, thực hiện cơ chế khoán. Khoán chi toàn bộ từ văn phòng phẩm hàng tháng của cho từng cơ quan, tới từng cán bộ công chức theo tháng từ 50 tới 100.000 đồng/người/tháng.

"Không nên tồn tại hình thức mua sắm tài sản công, bao gồm cả hình thức mua sắm tập trung và nên thực hiện theo cơ chế khoán. Khoán công việc, khoán tài sản, khoán ngân sách, chỉ như vậy, người dùng mới biết tiết kiệm", ông Tiến nói.

Sẽ vào cuộc nếu...

Tương tự, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo – cũng cho rằng, câu chuyện chi phí mua sắm và sử dụng tài sản công thời gian qua còn quá nhiều bất cập và lãng phí.

Đặt biệt là vấn đề tiền hoa hồng, theo ông, ai cũng biết mua sắm công, kể cả mua sắm tư nhân mọi hình thức đều có hoa hồng. Vậy việc quản lý, sử dụng tài sản và khoản chi phí hoa hồng đó như thế nào chính là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

"Nếu quản lý không tốt, giá thành một sản phẩm sau khi mua về có thể bị đẩy lên từ 1 thành 4-5 lần, thậm chí nhiều thứ không cần vẫn cứ mua vì mua là có hoa hồng. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước phải phá sản do việc quản lý mua sắm công không chặt chẽ, mua sắm bừa bãi gây lãng phí, thất thoát", ông Bảo nói.

Do đó, ông kiến nghị cần thực hiện theo cơ chế khoán, đồng thời phải công khai, minh bạch mọi khoản chi phí trong mua sắm công, có như vậy mới hạn chế và kiểm soát được mua sắm công. 

Về phía Thanh tra Chính phủ, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, chưa nắm được thông tin cụ thể về chi phí mua sắm công hay các khoản hoa hồng được giữ lại thế nào. Nhưng ông cho biết, việc mua sắm công ở bất cứ khâu nào cũng có thể có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.

Vì thế, nếu cần thiết Cục phòng chống tham nhũng sẽ vào cuộc để làm rõ khoản triết khấu hoa hồng đó cụ thể như thế nào? Việc trích lại hoa hồng có được phép không và được thực hiện theo cơ chế nào?

"Nếu hoa hồng mua bán mà minh bạch, pháp luật cho phép và nộp về ngân sách thì không vấn đề. Tuy nhiên, hoa hồng có chui vào túi cá nhân, hay nhóm lợi ích hay không sẽ phải xem xét", ông Đạt nói.

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh