Lập 7 đoàn kiểm tra việc chống tham nhũng tại 14 tỉnh
- Tây Y
- 16:18 - 05/05/2016
Theo nội dung thông báo, năm 2016, Ban chỉ đạo thống nhất tổ chức 7 đoàn công tác do bảy thành viên Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra, giám sát tại 14 tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Bắc Ninh, Tây Ninh, Hậu Giang, Bến Tre, Quảng Ngãi, Bình Phước, Quảng Nam, Phú Yên, Long An, Tiền Giang. Tổng Bí thư lưu ý, việc kiểm tra và giám sát cần phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả; chọn các cơ quan, đơn vị kiểm tra, giám sát phải đích đáng; phân công địa bàn kiểm tra, giám sát cho các Đoàn công tác phải hợp lý nhằm tiết kiệm thời gian, kinh phí; bố trí thời gian tiến hành kiểm tra, giám sát phù hợp, không làm ảnh hưởng các chương trình công tác khác. Giao Ban Nội chính Trung ương tiếp thu, hoàn thiện Kế hoạch, trình Thường trực Ban Chỉ đạo ký ban hành để tổ chức thực hiện; đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan quyết định thành lập các Tổ giúp việc để tham mưu, phục vụ các Đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp.
Trước đó, ngày 27/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban chỉ đạo đã họp phiên thứ 10 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo. Liên quan đến kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, Ban Chỉ đạo cơ bản thống nhất dự thảo Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 50 - CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”. Tuy nhiên, cần lưu ý nội dung kế hoạch phải bám sát chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Ban Chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị; tránh trùng lắp, chồng chéo với các Chương trình, Kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tập trung, ưu tiên cho những việc trọng tâm, cấp bách, liên quan đến phát hiện, xử lý tham nhũng; cân nhắc việc ghép một số nội dung sao cho hợp lý; chỉ rõ cơ quan chủ trì, cá nhân phụ trách và thời gian hoàn thành từng nội dung công việc cụ thể.
Tại phiên họp thứ 10, Ban Chỉ đạo đã thống nhất bổ sung vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “Che giấu tội phạm” xảy ra tại Cty Vinashinlines vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban Nội chính Trung ương- Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc và báo cáo Ban Chỉ đạo tiến độ, kết quả triển khai thực hiện Thông báo kết luận này.