Hỏa hoạn tại chợ Sơn (Hà Tĩnh): Đẩy gia đình chị Nguyễn Thị Mai đến bước đường cùng!
- Dược liệu
- 12:45 - 22/09/2016
Ky ốt của chị Nguyễn Thị Mai chỉ còn lại đống tro tàn
Giữa đống tro tàn đổ nát của đình chợ Sơn, thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) sau cái đêm 17/9 phủ phàng, bởi hỏa hoạn kinh hoàng thiêu rụi toàn bộ vốn liếng tài sản của 130 hộ kinh doanh, chúng tôi gặp một người khổ phụ gầy ốm đang gục đầu xuống đống đổ nát cào cấu trong vô vọng! Kẻ khốn khổ đó là chị Nguyễn Thị Mai (52 tuổi), ở thôn 2, xã Phú Phong- Hương Khê có chồng là anh Lê Hữu Hùng (55 tuổi). Vợ chồng họ có 3 người con trai, trong đó Lê Hữu Tiến (SN 1995) người con thứ ba là niềm hy vọng lớn nhất của gia đình. Bởi Tiến vốn hiền lành, đẹp trai, cao tới 1,78m. Ngay từ lúc ngồi trong ghế nhà trường, Tiến đã thể hiện rõ tư chất của một vận động viên thể thao đầy triển vọng, từng tham gia nhiều giải thi đấu lớn, giành được nhiều thành tích trong phong trào Thể dục- Thể thao của huyện.
Trong lúc bao hy vọng về một tương lai sáng lạn đang mở ra cho đứa con trai út của vợ chồng chị Mai, thì họ không ngờ rằng bắt đầu bước vào kỳ học thứ 2, năm học cuối cùng Trường THPT Hương Khê, khóa học 2013-2014, Tiến lại gặp phải một vụ tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não, phải điều trị liên tục nhiều tháng trời tại Bệnh viện 115 và Bệnh viện Hữu nghị Nghệ An, tốn kém đến cả trăm triệu đồng nhưng cuối cùng vẫn “tiền mất tật mang”.
Nhắc tới hậu quả của đứa con mình hiện phải nằm sống thực vật một chỗ chỉ còn lại bộ da bọc xương, chị Mai giàn giụa nước mắt tâm sự rằng: “Sau khi cháu bị tai nạn được đi tới bệnh viện cấp cứu và điều trị nhưng không có bảo hiểm y tế, gia đình vốn khó khăn càng chồng chất khó khăn bởi phải vay mượn khắp nơi lo tiền chạy chữa cho con”. Sau một thời gian điều trị, thấy bệnh tình cháu có phần thuyên giảm, các bác sĩ cho cháu xuất viện về nhà tiếp tục học hết kỳ 2, rồi tốt nghiệp THPT ra trường.
Tưởng rằng, hạnh phúc đã bắt đầu mìm cười với cháu cùng gia đình! Thế nhưng, không hiểu do chủ quan của các bác sĩ, hay một lý do nào đó, mà vào một ngày xấu trời tiết “cô hồn” tháng Bảy, trong một lần tham gia một trận bóng chuyền tại Công ty cao su Quỳ Hợp (Nghệ An), nơi anh ruột của Tiến là Lê Hữu Thế (SN 1989) công tác định giới thiệu cho Tiến thử việc để về làm công nhân ở cùng cho có anh có em, không ngờ giữa hiệp đấu Tiến cảm thấy mệt xin ra nghỉ, rồi gục xuống bên đám cỏ. Một lần nữa, Tiến lại được đưa xuống Bệnh viện Hữu nghị Nghệ An cấp cứu một thời gian, và sau đó được đưa ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, bởi lúc này sọ não của Tiến đã bị nhiễm khuẩn nặng.
Lê Hữu Tiến con của vợ chồng chị Mai chịu cảnh sống thực vật
Vậy nhưng, đến ngày 28 Tết năm đó, do không còn khả năng tiếp tục nuôi con tại Bệnh viện nữa, vợ chồng chị Mai quyết định xin cho con về nhà chăm sóc. Thấy lời thỉnh cầu của vợ chồng chị quá thống thiết, trong lúc bệnh nhân chỉ còn sống thực vật, nên các bác sĩ trong khoa bàn nhau cho đưa con họ về nhà điều trị theo nhân phác đồ của bác sĩ. Thế nhưng, vừa về Tết được mấy hôm bệnh của Tiến lại trở chứng, vợ chồng chị lại đưa con xuống cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh. Đến lúc này thì vợ chồng chị Mai chỉ biết ngửa mặt lên trời mà than lên trong tuyệt vọng! Bởi bao nhiêu lần chuyển từ bệnh viện này đến bệnh viện khác mà bệnh tình của con họ vẫn ngày một trầm trọng hơn. Theo đó, mọi thứ có thể quy ra tiền trong nhà cũng ra đi đến khánh kiệt! Nợ nần chồng chất nợ nần, chẳng còn đường lùi nên vợ chồng chị đành bàn nhau đưa con về nhà chăm, hy vọng con họ sống được ngày nào hay ngày đó mà thôi.
Quay lại trước thời điểm Tiến bị xảy ra tai nạn khoảng 6 tháng, anh Lê Hữu Thế- anh ruột của Tiến làm công nhân cao su tại Quỳ Hợp (Nghệ An) cũng bất ngờ dính vào một vụ tai nạn giao thông do ngoại cảnh đưa đến, nhưng cũng phải tốn kém không biết bao tiền của. Trước đó nữa, chính anh Lê Hữu Hùng cũng bị tai nạn giao thông, may mắn thoát chết, nhưng bao nhiêu tiền của trong nhà cũng không cánh mà bay. Anh Hùng vốn là cựu chiến binh, sau khi xuất ngũ ông chuyển về làm công nhân tại mỏ đá La Khê huyện Hương Khê. Tại đây, ông gặp chị Nguyễn Thị Mai cũng là công nhân trong xí nghiệp rồi họ xây dựng gia đình. Sau khi xí nghiệp đá La Khê giải thể vào năm 1991, vợ chồng anh Hùng đều về theo diện chế độ 176, nên họ đều không có lương hưu và các chế độ bảo hiểm khác.
Chị Nguyễn Thị Mai bước đi loạng quạng giữa đình chợ cháy
Gần 2 năm trời theo con đi khăp các bệnh viện, hầu hết thời gian chị Mai phải đóng ốt ngoài chợ Sơn. Trước mùa đông năm ngoái, chị Mai được bạn hàng cho vay mượn một sô tiền mua hàng thu đông để dự trữ bán vào dịp Tết, nhưng trong lúc hàng hóa ở chợ Sơn đến thời điểm bán mua tấp nập, thì con chị lại lâm bệnh trầm trọng nên chị phải đóng ốt theo con. Sang tới tháng 3 đưa con về nhà, chị lại ra chợ mua bán thì trời bắt đầu hửng nắng, khiến lô hàng dự trữ đó lại ế ẩm. Nghiệt ngã hơn, vào dịp Rằm Trung thu vừa qua, bất ngờ mưa lũ xuất hiện khắp huyện miền núi Hương Khê, không khí lạnh đột ngột quay về khiến cho nhu cầu mua sắm quần áo ấm của người tiêu dùng tăng đột biến. Chị Mai nghĩ rằng, đây là cơ hội tốt nhất để giải quyết số hàng tồn đọng trên, nên sáng 17/9, chị đã chuyển toàn bộ lô hàng dự trữ đó từ nhà ra chợ để phục vụ khách. Vậy nhưng, một lần nữa người tính không bằng trời tính, ngay tối 17/9, hỏa hoạn chợt ập đến xóa đi tất cả những hi vọng cuối cùng của chị.
Rời chợ Sơn, tôi mang theo cả nỗi ám ảnh về cảnh tượng chị Mai đang cào cấu tuyệt vọng giữa đống tàn tro lạnh lẽo! Và tiếp đến, trước lúc chia tay đứa con trai tội nghiệp của chị tại nhà riêng, tôi càng không tin mình liệu có đủ bình tĩnh để ngoái lại nhìn Tiến với bộ da bọc xương nằm đó bất động, chỉ còn lại đôi mắt mở to chằm chằm nhìn về phía tôi như cầu khẩn một điều gì!
Giữa chiều mưa rừng núi Phú Phong, lần đầu tiên tôi bắt gặp một cảm giác buồn nặng trĩu kèm theo nỗi sợ hãi như đang vây bủa đất trời!
Anh Hùng chỉ biết xé ruột nhìn đứa con nằm sống thực vật