Hòa Bình: Vốn tín dụng hỗ trợ tạo việc làm giúp giảm nghèo bền vững
- Bài thuốc hay
- 15:04 - 20/10/2023
Cho vay giải quyết việc làm là chương trình nhằm tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn. Chương trình có tác động tích cực đến việc thu hút lao động, chuyển dần lao động thuần tuý trong nông nghiệp mức thu nhập thấp sang các ngành nghề có thu nhập cao, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Những năm qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng này, với hàng nghìn khách hàng được vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm đạt trên 431,7 tỉ đồng với gần 11 nghìn khách hàng còn dư nợ. Qua đó, giúp nhiều hộ phát triển kinh tế, vượt lên khó khăn.
Trong 2 năm 2020 - 2021, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh mất việc làm, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống.Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ giao thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (cho vay giải quyết việc làm) theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, nhu cầu vay vốn giai đoạn 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là 1.336,7 tỉ đồng, trong đó, nhu cầu vay giải quyết việc làm trên 738 tỉ đồng. Hết năm 2022, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân hơn 150 tỉ đồng, với gần 3.000 khách hàng được vay vốn.
Trước đây, gia đình bà Bùi Thị Nhị ở xóm Tiềng, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã được vay 2 chương trình tín dụng từ NHCSXH. Đó là khoản vay 50 triệu đồng vốn chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn để đầu tư chăn nuôi và trồng cam. Khoản vay thứ hai là cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để kéo nước sạch về sử dụng. Theo bà Nhị chia sẻ, nhờ nguồn vốn ưu đãi mà đến nay, kinh tế của gia đình ổn định hơn. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến tiêu thụ nông sản, làm ra nhiều nhưng khó tiêu thụ nên việc tái đầu tư gặp không ít khó khăn.
“Trong thời điểm khó khăn như vậy thì nguồn vốn được giải ngân từ NHCSXH có ý nghĩa rất lớn. Gia đình sẽ sử dụng vốn để đầu tư chăn nuôi trâu, lợn sinh sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế”, bà Nhị chia sẻ.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cao Phong cho biết: Trong những tháng đầu năm, công tác tín dụng chính sách trên địa bàn cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Vốn vay được chuyển tải nhanh chóng đến đúng đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, công tác đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đến hạn, lãi tồn đọng được triển khai tích cực, kịp thời. Chất lượng tín dụng, chất lượng ủy thác và hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn được quan tâm củng cố. Trong bối cảnh đời sống của người dân gặp không ít khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội. Phòng giao dịch tích cực triển khai giải ngân vốn vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, nguồn vốn vay ưu đãi này đã được truyền tải đến nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Theo rà soát của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cao Phong, nhu cầu được vay vốn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn còn rất lớn. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai giải ngân vốn vay đến các đối tượng thụ hưởng, đồng thời triển khai cho vay hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách khác. Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Đánh giá về hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình ghi nhận: Hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 36,14% xuống còn 15,21% so với đầu giai đoạn). Toàn tỉnh có 2 huyện và 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới), bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Mặt khác, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, tạo niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương”.