Hòa Bình: Tăng cường tư vấn về việc làm và học nghề cho lao động thất nghiệp
- Bài thuốc hay
- 13:36 - 25/09/2020
6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tình hình sản xuất - kinh doanh tại tỉnh Hòa Bình bị đình trệ, nhất là lĩnh vực dịch vụ du lịch. Sản xuất công nghiệp cũng gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh đã có 152 doanh nghiệp, 25 hợp tác xã, trên 1.500 hộ kinh doanh cá thể đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh; gần 1.280 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với tổng dư nợ trên 2.265 tỷ đồng.
Cùng với việc các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh thì người lao động cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo số liệu của Sở KH&ĐT, toàn tỉnh đã có 2.321 lao động phải tạm thời ngừng việc, 288 lao động của 69 doanh nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Toàn tỉnh đã có 1.164 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó, đã thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 918 người, với tổng số tiền chi trả 12,3 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện cơ chế một cửa chính sách bảo hiểm thất nghiệp, niêm yết công khai các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp để người lao động thực hiện. Phòng Bảo hiểm thất nghiệp đã xây dựng kế hoạch, mô hình tiếp nhận xử lý hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, bộ phận tư vấn ban đầu theo thủ tục hành chính quy định.
Ngoài ra, Phòng Bảo hiểm thất nghiệp còn thường xuyên phối hợp với Phòng Chính sách của Bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp giúp quá trình hoàn thiện hồ sơ của người lao động và việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, thẻ BHYT đảm bảo về thời gian cũng như thủ tục hành chính. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hòa Bình cũng đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp, nâng cao hiệu quả, phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh cập nhật các ngành nghề đào tạo cũng như thời gian mở khóa học nghề để tư vấn cho người lao động.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm đã cử cán bộ thực hiện chính sách BHTN xuống 3 văn phòng đại diện tại huyện Lương Sơn, Yên Thủy và Lạc Sơn. Đây là những địa bàn tập trung đông người lao động của tỉnh. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện làm việc, đi lại, sinh hoạt nhưng cán bộ ở các văn phòng luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động trong việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bộ phận tư vấn ban đầu cũng được thành lập và đặt tại Trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đến làm thủ tục BHTN. Tại đây, người lao động được tư vấn tìm việc làm mới, tư vấn học nghề đối với người lao động có nhu cầu lựa chọn nghề, Đối với những lao động chưa có nhu cầu trở lại thị trường lao động sẽ tư vấn, giải quyết chế độ, chính sách BHTN theo quy định.
Thời gian tới, Sở LĐ -TB&XH tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục tổ chức và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp giữa ngành LĐ-TB&XH và Bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo cho người lao động đủ điều kiện đều được tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật lao động, phát tài liệu, tờ rơi. Tổ chức tập huấn pháp luật lao động nói chung và bảo hiểm thất nghiệp nói riêng tới chủ sử dụng lao động và người lao động. Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là kỹ năng tư vấn cho người lao động trong tìm kiếm việc làm, học nghề.