THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:40

Hòa Bình: Giải pháp “tiếp sức” cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, giữ chân người lao động

Chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Hiện nay, trên Hòa Bình có hơn 2.950 DN hoạt động và trên 10.920 hộ kinh doanh, hợp tác xã. Hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX-KD) nói chung gặp nhiều khó khăn. Dịch bệnh đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm, đồng thời khiến cho nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức, không ổn định, thiếu bền vững. Lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất là dịch vụ, du lịch, vận tải với 71% lao động bị ảnh hưởng; khu vực công nghiệp, xây dựng có 34% lao động bị ảnh hưởng... Tính đến cuối tháng 8/2021, số lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và ngừng việc khoảng 6.500 người.

Là DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực may mặc, nhiều năm qua, Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam (Hòa Bình) là một trong những DN SX-KD hiệu quả tại KCN Lương Sơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công ty gặp nhiều khó khăn do thiếu lao động, bởi phần lớn công nhân là người Hà Nội, không thể đi làm do thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Công suất hoạt động chỉ đạt khoảng 60%, nhiều đơn hàng chưa thể thực hiện được theo hợp đồng với khách hàng. Trong khi đó, chi phí thực hiện "3 tại chỗ" cho người lao động tăng gấp 3 lần so với bình thường khiến doanh thu của DN sụt giảm. Anh Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc nhân sự công ty bày tỏ: Chúng tôi mong mỏi các cấp, ngành sớm đưa ra quy định mới, phù hợp với tình hình để tạo điều kiện cho lao động không phải là người ở trên địa bàn huyện Lương Sơn, như đang ở các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ (Hà Nội) được trở lại làm việc. Nếu lực lượng lao động này không sớm được quay lại thì nguy cơ DN sẽ mất lao động do họ đi tìm công việc mới.

Trước diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid-19, các DN trong tỉnh gặp rất nhiều trở ngại. Ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết, Hiệp hội đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước tỉnh và Thanh tra tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho các DN về vốn đầu tư và thanh tra trùng lắp, chồng chéo. Hiệp hội cũng có văn bản tổng hợp những ý kiến về khó khăn, vướng mắc gửi UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết. Trong đó nổi lên một số vấn đề như: Nhiều DN phải ngừng hoạt động, không có việc làm, người lao động phải nghỉ việc luân phiên. Việc triển khai công tác đầu tư gặp khó trong quy hoạch sử dụng đất, công tác tài trợ các dự án chưa có hướng dẫn cụ thể; công tác thẩm định giá, giải phóng mặt bằng còn chậm, nhất là những dự án đầu tư ngoài ngân sách…. Nhằm tiếp sức, vực dậy các DN, những tháng cuối năm, UBND tỉnh đã có hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành, giúp DN trong quá trình thành lập và hoạt động. Tăng cường cung cấp thông tin, hỗ trợ DN tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại một cách hiệu quả nhất. Nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhà đầu tư, DN; chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Mở rộng các hình thức hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm

Ông Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hòa Bình cho biết: Với vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp và người lao động, trung tâm đã triển khai đa dạng các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức phiên giao dịch việc làm nhằm giúp người sử dụng lao động và người lao động có cơ hội gặp gỡ trực tiếp. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hòa Bình đã tích cực tiến hành các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kép "Vừa tư vấn, giới thiệu việc làm, giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đặc biệt, để phòng, chống dịch Covid-19, ngoài việc tổ chức tư vấn và tiếp nhận hồ sơ trực tiếp của NLĐ, Trung tâm DVVL tỉnh cũng triển khai thực hiện tiếp nhận và trả hồ sơ BHTN qua đường bưu điện, tiếp nhận thông báo về tình trạng việc làm, tư vấn việc làm online, qua điện thoại, mạng xã hội, gmail… nhờ đó các chế độ của NLĐ luôn được đảm bảo. Ngoài ra, Trung tâm DVVL đã ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện mô hình một cửa liên thông trong việc thực hiện chính sách BHTN, nhờ đó nâng cao tính chính xác, kịp thời trong giải quyết hồ sơ hưởng BHTN, bảo đảm phương châm 3 đúng: đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn. NLĐ đã giảm thiểu thời gian đi lại, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, thủ tục đơn giản, linh hoạt; giải quyết nhanh chóng mọi nhu cầu hợp lý của NLĐ, được NLĐ ghi nhận và đánh giá cao.

Để tạo nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ, giảm bớt số lao động thất nghiệp trên địa bàn,  Trung tâm DVVL đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề với nhiều hình thức đa dạng; mở rộng các hình thức hỗ trợ đào tạo nghề, liên kết với các cơ sở dạy nghề có uy tín và chất lượng tổ chức hỗ trợ học nghề cho NLĐ; tư vấn cho lao động thất nghiệp đủ điều kiện, sức khỏe, học vấn tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phối hợp với Trung tâm DVVL các tỉnh, thành phố tổ chức phiên giao dịch việc làm online tại trung tâm; Thu thập, lưu trữ và cung ứng thông tin về thị trường lao động bao gồm: nhu cầu tuyển lao động của DN, nhu cầu tìm việc làm của DN… Trong đó, Trung tâm DVVL tỉnh đã phối hợp với Trung tâm DVVL tỉnh Quảng Trị cung ứng, giới thiệu lao động cho nhà thầu Chunjo corporation co.,ltd; Phối hợp với Trung tâm DVVL Hà Nam ký kết phối hợp nhằm mục đích mở rộng địa bàn cho lao động nông thôn; tạo cơ hội cho lao động của tỉnh tiếp cận với các công ty, DN của tỉnh Hà Nam. Qua đó, 2 công ty của tỉnh Hà Nam là Công ty TNHH An Nam và Tập đoàn AMACAO đã tuyển 500 lao động của tỉnh Hòa Bình vào làm việc, với mức lương từ 7 - 13 triệu đồng/lao động/tháng.

“Thời gian tới, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục quan tâm tới công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Liên kết chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo thực hiện chế độ cho người lao động kịp thời. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh nhằm tư vấn giúp người lao động thất nghiệp được học nghề và hỗ trợ học nghề cho người lao động”- ông Hùng nói.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình, để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, trong thời gian sẽ tiếp tục tổ chức và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chính sách BHTN nhằm đảm bảo cho người lao động đủ điều kiện đều được tham gia BHTN; Tổ chức tập huấn pháp luật lao động nói chung và BHTN nói riêng tới chủ sử dụng lao động và NLĐ; Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là kỹ năng tư vấn cho người lao động trong tìm kiếm việc làm, học nghề.

VM
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh