THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:04

Hỗ trợ, tạo động lực để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên

Công tác trẻ em đã đạt được những kết quả toàn diện, bao trùm

Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội mang tên TS. Hermann Gmeiner -  người sáng lập tổ chức nhân đạo quốc tế SOS, với mục đích cao cả là chăm sóc những trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, không phân biệt màu da, nguồn gốc, tín ngưỡng, tôn giáo… Trường Hermann Gmeiner tiếp nhận trẻ mồ côi không nơi nương tựa của Hà Nội hiện đang được nuôi dưỡng trong Làng trẻ em SOS vào học; ưu tiên tiếp nhận những trẻ còn bố, mẹ và gia đình thuộc diện hộ nghèo, trẻ có nguy cơ mất đi sự chăm sóc của gia đình và những học sinh khác có nhu cầu học tập. Mỗi năm học gần đây, trường có khoảng hơn 1.000 học sinh, trong đó có hơn 100 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Thủ tướng tặng quà cho các em học sinh Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmener.

Thủ tướng tặng quà cho các em học sinh Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmener.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho các trường chuyên biệt, đồng thời trực tiếp giáo dục học sinh khiếm thính, khuyết tật trí tuệ, rối loạn phổ tự kỷ, đào tạo từ trình độ phổ thông lên cao đẳng bằng ngôn ngữ ký hiệu. Hằng năm, Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ giáo dục hòa nhập hơn 200 học sinh khuyết học tập ở các cấp mầm non và giáo dục phổ thông, đón nhận 12 đến 15 sinh viên khuyết tật nghe nói học tiếp lên trình độ cao đẳng.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng, xúc động được tới thăm hai ngôi trường, được lắng nghe phát biểu của các thầy cô, chia sẻ của các em học sinh, được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật cho thấy tinh thần nỗ lực, sáng tạo của các em, nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 - ngày hội của thiếu nhi trên toàn thế giới và chuẩn bị tới Tháng hành động vì trẻ em năm 2023. "Chúng ta chăm sóc, bảo vệ trẻ em không chỉ trong một ngày, một tháng, mà làm trường kỳ, từ tháng này sang tháng khác, từ năm này sang năm khác, từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước và nhu cầu của cuộc sống, của sự nghiệp giáo dục và đào tạo", Thủ tướng nói.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống vui tươi, an toàn, lành mạnh; coi đây là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược, lâu dài. Công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em đã đạt được những kết quả rất cơ bản, quan trọng, toàn diện, bao trùm, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Xây dựng hệ sinh thái giáo dục lành mạnh, phù hợp với các em

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng môi trường, hệ sinh thái giáo dục đào tạo lành mạnh, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của các em, chăm sóc, giáo dục các em phát triển toàn diện cả về thể lực, trình độ, đạo đức, thẩm mỹ…, đặc biệt là khuyến khích, truyền cảm hứng, tạo động lực để các em tự tin, bản lĩnh, tự lực, tự cường vươn lên, có khát vọng sống, cống hiến…

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, tặng quà thầy cô giáo và các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, tặng quà thầy cô giáo và các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner.

Thủ tướng lưu ý một số trọng tâm, mà trước hết là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách theo tinh thần giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; bố trí, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Trong đó, tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề, như tình trạng thiếu cơ sở giáo dục, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp; giáo viên xin thôi việc, bỏ việc, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông; hiện tượng giáo viên có những hành vi không đúng mực, bạo lực, xâm hại… đối với trẻ em.

Cùng với đó, phải khắc phục tình trạng phụ huynh phải xếp hàng dài để mua hồ sơ xét tuyển cho con em vào các trường công lập, trường điểm ở các lớp đầu cấp…; tình trạng sách giáo khoa "vừa thừa, vừa thiếu", trường tạm, điểm trường còn xa, điều kiện sinh hoạt, dạy và học của thầy và trò còn khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; bảo đảm nhà vệ sinh, nước sạch, chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm tại bếp ăn của các trường học.

Thủ tướng lưu ý, cần ngăn ngừa, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm việc bạo hành trẻ em, bạo lực học đường, phân biệt đối xử; tăng cường giáo dục cho trẻ em kỹ năng sống, trang bị khả năng tự bảo vệ mình trước những hiểm họa như ma túy học đường, đuối nước, trò chơi bạo lực, kỹ năng phòng chống cháy nổ, tai nạn thương tích…

Thủ tướng cũng cho rằng, cần khắc phục tình trạng thiếu nơi vui chơi giải trí an toàn, bổ ích, nhất là trong dịp hè để trẻ em tránh xa thiết bị điện tử, từ đó ngăn chặn những thông tin xấu độc, không lành mạnh trên môi trường mạng, văn hóa ngoại lai, gây ảnh hưởng lớn về tâm sinh lý đối với các cháu.

Thứ hai, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách về người khuyết tật, trong đó có trẻ em khuyết tật, học sinh khuyết tật. Sớm trình ban hành quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Có giải pháp cải thiện cơ sở vật chất, chế độ, chính sách đặc thù, phù hợp đối với đội ngũ thầy cô giáo các trường chuyên biệt.

Thứ ba, chính quyền địa phương các cấp cần đẩy mạnh hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đặc thù như chữ nổi, thiết bị hỗ trợ khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ... cho học sinh. Tiếp tục quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cộng đồng, những nhà hảo tâm, những tấm lòng vàng… trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ cao chịu tổn thương, để ngày càng ít đi và không còn những trường hợp đáng tiếc, đau lòng xảy ra.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ ngành tổng kết mô hình, nghiên cứu, phát triển Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương lớn mạnh, có vai trò dắt hệ thống các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập khác của các địa phương. Các bộ, ngành, địa phương phải coi việc chăm sóc, bảo vệ người khuyết tật, người yếu thế, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật là nhiệm vụ quan trọng, theo tinh thần "không có ai bị bỏ lại phía sau".

Thủ tướng mong muốn các thầy cô giáo của hệ thống các trường chuyên biệt nói chung và của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập nói riêng không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục chia sẻ, đồng cảm, thương yêu, dạy dỗ, chỉ bảo các cháu học sinh và tự lo được chính mình, trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, cho gia đình. "Đối với các cháu khuyết tật, các cháu hãy noi theo những tấm gương sáng như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, 'hiệp sĩ máy tính' Nguyễn Công Hùng, lực sĩ cử tạ Lê Văn Công, hay nhà vật lý thiên văn hàng đầu thế giới Stephen Hawking, diễn giả khuyết tật nổi tiếng Nick Vujicic và rất nhiều những tấm gương sáng trong cuộc sống, những 'người hùng' bình dị giữa đời thường… Những con người này với quyết tâm, nghị lực, ước mơ, khao khát cháy bỏng đã vượt qua nghịch cảnh, có những đóng góp to lớn, được xã hội ghi nhận và kính trọng, học tập. Các cháu không được mặc cảm, không vì sự khiếm khuyết của mình mà phải luôn lạc quan, tự tin, nuôi dưỡng đam mê, ước mơ, hoài bão; quyết tâm vươn lên, vượt qua mọi nghịch cảnh, phấn đấu nhiều hơn nữa trong học tập, rèn luyện về trí tuệ, tinh thần, thể chế; đồng thời, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các bạn có hoàn cảnh tương tự", Thủ tướng xúc động.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng 102 suất học bổng cho các em có hoàn cảnh đặc biệt dưới 16 tuổi; tặng một số thiết bị phục vụ học tập cho Trường Hermann Gmeiner và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.

K.VÂN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh