CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:20

Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

 Trong những năm qua, Khánh Hòa đang có tốc độ phát triển khá nhanh, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như ngoài nước. Các khu công nghiệp, khu kinh tế và mức độ phát triển nhanh dịch vụ, du lịch, thương mại đã giải quyết việc làm bình quân 26.000 lao động/năm. Đồng thời, đã có những tác động đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa đã trực tiếp góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động theo dòng dịch chuyển lao động nông nghiệp, nông thôn sang hoạt động dịch vụ, sản xuất.

Theo ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa, thị trường lao động ngoài nước đã và đang là một trong các kênh trực tiếp giải quyết việc làm cho một bộ phận người lao động, góp phần tích cực nâng cao trình độ nghề nghiệp và đời sống của bản thân người lao động và gia đình, đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Đề án Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Đề án XKLĐ) nhằm xây dựng, triển khai một số chính sách, chế độ hỗ trợ, khuyến khích người lao động và gia đình của người lao động, đặc biệt là học sinh, sinh viên các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề tham gia tích cực vào việc làm ở thị trường lao động ngoài nước.

Ảnh minh họa                         (nguồn: Internet).

Công tác XKLĐ từ năm 2011 đến nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được kết quả quan trọng: Tổng cộng có 1.723 người đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (thời hạn 3 năm) là 331 người, lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các hình thức khác (DN trúng thầu, nhận thầu, đầu tư ra nước ngoài, thực tập nâng cao tay nghề, hợp đồng cá nhân) là 1.392 người.

Tuy nhiên, theo ông Mai Xuân Trí, công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng còn một số mặt hạn chế. Trong đó có nguyên nhân quan trọng là do tỉnh chưa có cơ chế cho vay vốn hỗ trợ XKLĐ từ nguồn ngân sách của tỉnh, không có Ban chỉ đạo XKLĐ cấp huyện. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp của địa phương đăng ký để được cấp phép hoạt động XKLĐ để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động của địa phương tham gia xuất khẩu lao động niềm tin cho người lao động.  Các thị trường có mức thu nhập khá thì chi phí cao đồng thời đòi hỏi người lao động phải có trình độ tay nghề nhưng chất lượng lao động và khả năng về tài chính của nhiều người lao động hiện nay chưa đáp ứng được. Một số doanh nghiệp tuyển chọn, đào tạo dự nguồn nhiều lao động trong khi thời gian chờ đợi lâu để đi làm việc ở nước ngoài và số lượng ít, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của người lao động và phong trào XKLĐ của địa phương.

Để thúc đẩy công tác XKLĐ trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa đề ra chỉ tiêu phấn đấu tổng số lao động đi XKLĐ đến năm 2020 là 600 lao động, bình quân 100 lao động/năm.

Ngoài nguồn kinh phí và cơ chế vay vốn hỗ trợ XKLĐ của Trung ương theo Dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tỉnh Khánh Hòa còn hỗ trợ từ nguồn kinh phí địa phương cho người lao động tham gia đi XKLĐ thuộc các nhóm đối tượng: Người lao động thuộc hộ chính sách người có công, hộ nghèo, Bộ đội xuất ngũ, lao động thuộc hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số. Các đối tượng này được vay vốn 100% chi phí đi XKLĐ, trong đó ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ phần chênh lệch được vay từ trung ương (nếu có).

Đối với người lao động là  các đối tượng còn lại được vay bằng 80% chi phí đi XKLĐ, theo các nội dung vay vốn hỗ trợ XKLĐ từ nguồn ngân sách tỉnh uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Khánh Hoà.

Lãi suất cho vay được áp dụng theo lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quyết định từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Thời hạn cho vay được căn cứ vào thời hạn đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động và khả năng trả nợ của người vay nhưng tối đa không quá thời hạn đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Ngọc Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh