THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:18

Hỗ trợ lao động di cư trong đại dịch hướng tới một cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng

Hỗ trợ lao động di cư trong đại dịch hướng tới một cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và bà Valentina Barcucci, Chuyên gia kinh tế lao động , Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam chủ trì cuộc họp.

Lao động di cư gặp nhiều khó khăn do đại dịch

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, lao động di cư là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế. Người lao động di cư đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững cho cả nước phái cử và nước tiếp nhận. Nhận thức được vai trò của di cư, các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) nói chung và Việt Nam nói riêng luôn quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động di cư và gia đình họ.

Hỗ trợ lao động di cư trong đại dịch hướng tới một cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH)

Phái biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Cường – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, kể từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động trên toàn cầu và trong khu vực ASEAN. Đại dịch COVID-19 đã đưa ra những thách thức mà người lao động di cư trong khu vực phải đối mặt, do họ thường thiếu sự tiếp cận với các dịch vụ y tế và không thuộc đối tượng được bao phủ của các chính sách cũng như các biện pháp an sinh xã hội chính thức.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: Với sự quan tâm sâu sắc về tác động của COVID-19 lên người lao động ASEAN bao gồm cả người lao động di cư, rất nhiều tổ chức quốc gia và quốc tế đang xem xét các tác động/thách thức của đại dịch và cách để ứng phó tốt nhất. Các chính sách ứng phó có thể kể đến bao gồm: xét nghiệm COVID-19 miễn phí và chăm sóc sức khỏe cho lao động di cư; gia hạn thị thực tự động; thủ tục đăng ký; trợ giúp hậu cần trong việc tổ chức hồi hương cho người lao động di cư; và trợ giúp, hỗ trợ thu nhập tạm thời cho lao động trở về.

Kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ lao động làm việc tại nước ngoài

Thông tin về các hoạt động hỗ trợ lao động di cư trong đại dịch covid 19, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam có trên 560.000 người lao động đi làm việc có thời hạn tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dịch Covid -19 đã tác động đến những lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài như nguy cơ lây nhiễm covid 19. Lao động bị giảm giờ làm, buộc phải nghỉ làm, thậm chí mất việc do chủ sử dụng gặp khó khăn trong kinh doanh. Lệnh hạn chế di chuyển của Chính phủ các nước tiếp nhận nên người lao động buộc phải nghỉ làm, ở trong ký túc xá khiến thu nhập bị giảm sút. Tình trạng hạn chế các chuyến bay quốc tế, khiến nhiều lao động hết hạn hợp đồng hoặc bị chủ sử dụng chấm dứt hợp đồng bị kẹt lại không thể về nước. Lao động trong nước cũng không thể xuất cảnh…

Hỗ trợ lao động di cư trong đại dịch hướng tới một cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng - Ảnh 3.

Quang cảnh cuộc họp.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người lao động làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các doanh nghiệp không đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại ở các vùng dịch. Chủ động thường xuyên trao đổi với các đối tác nước ngoài để nắm tình hình sức khỏe người lao động, đảm bảo người lao động được khám, cách ly, chữa bệnh trong trường hợp nghi nhiễm covid -19. Thực hiện chế độ tiền lương sinh hoạt của lao động theo hợp đồng đã ký và quy định sở tại trong trường hợp nghỉ việc do dịch bệnh. Thiết lập đường dây nóng, các kênh thông tin, đầu mối liên lạc trong cộng đồng người lao động Việt Nam tại các địa phương nhằm kịp thời nắm bắt tình hình người lao động. Làm việc với cơ quan đại diện của nước tiếp nhận Việt Nam về các biện pháp hỗ trợ lao động Việt Nam ở nước ngoài về giải pháp đối với những lao động hết hạn visa, hợp đồng chưa thể về nước…Trình Chính phủ tổ chức chuyến bay đưa người lao động từ Ghinue Xích đạo và Uzebekistan về nước…

Tại cuộc họp quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn AFML lần thứ 13, các đại biểu cập nhật các hoạt động quốc gia trong việc thực hiện khuyến nghị tại Diễn đàn AFML lần thứ 12; thảo luận 2 nội dung chính của AFML nêu trên và đề xuất các nội dung khuyến nghị từ phía Việt Nam nhằm cung cấp đầu vào cho AFML lần thứ 13 sắp tới diễn ra vào tháng 11 năm 2020. Cuộc họp quốc gia năm nay có điểm khác so với các cuộc họp thường niên trong những năm vừa qua đó là được Việt Nam tổ chức trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và chủ đề của Diễn đàn được Việt Nam lựa chọn phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng thời cũng lồng ghép được nội dung của chủ đề Năm ASEAN 2020.

Diễn đàn ASEAN về Lao động Di cư (AFML) là sự kiện thường niên do nước chủ nhà ASEAN tổ chức trong khuôn khổ Ủy ban ASEAN nhằm thực hiện Tuyên bố của các Nhà lãnh đạo ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của Người lao động di cư. Các khuyến nghị và giải pháp thúc đẩy quyền của lao động di cư được đề xuất tại Diễn đàn sẽ tạo cơ sở để xây dựng và triển khai các hoạt động của quốc gia và khu vực. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ tiến hành Diễn đàn AFML lần thứ 13 vào tháng 11 năm 2020 với chủ đề "Hỗ trợ lao động di cư trong thời kỳ đại dịch vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng", tập trung vào hai nội dung chính bao gồm: Tác động của COVID-19 đối với lao động di cư và các ứng phó trong ASEAN; Chính sách di cư lao động toàn diện và thích ứng để chuẩn bị cho sự sẵn sàng trong tương lai của ASEAN.


NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh