THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:18

Hỗ trợ hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất

Trên 200.000 hộ có nhu cầu vay vốn

Theo quyết định mới được ban hành của Chính phủ, hộ mới thoát nghèo là hộ gia đình đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua điều tra, rà soát hằng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành, được UBND xã xác nhận, thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm. Nội dung quyết định nêu rõ, mức cho vay do ngân hàng chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay cùng loại phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ. Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng, nhưng không quá 5 năm.

Lãi suất cho vay áp dụng đối với hộ mới thoát nghèo bằng 125% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Hộ nghèo ở xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) vay vốn phát triển chăn nuôi, sản xuất (ảnh Trần Việt).

Việc gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn đối với các khoản nợ của hộ mới thoát nghèo được thực hiện như đối với hộ nghèo theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Theo  rà soát của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong số 700.000 hộ thoát nghèo thời gian qua, có khoảng trên 500.000 hộ đang có dư nợ vay vốn theo chương trình cho vay hộ nghèo và chương trình cho vay hộ cận nghèo; chỉ còn khoảng 200.000 hộ thoát nghèo chưa được vay vốn, hoặc đã trả hết nợ nhưng hiện chưa được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất kinh doanh. Do đó, số hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vay vốn tại thời điểm ban hành Quyết định về chính sách tín dụng với hộ mới thoát nghèo khoảng trên 200.000 hộ.

Cho vay sản xuất để giảm nghèo bền vững

Trước đó, tại cuộc họp bàn  với các bộ, ngành về kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về giảm nghèo bền vững, đã đề nghị các bộ, ngành tiếp tục xác định cụ thể hơn các dự án thành phần phục vụ cho công tác giảm nghèo. Về nguồn lực cho Chương trình, Phó Thủ tướng lưu ý: “Bộ tài chính, Bộ KH&ĐT cố gắng cân đối để bố trí mức tối đa cho Chương trình, đồng thời không được cắt giảm vốn khi lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia (Chương trình giảm nghèo và Chương trình xây dựng nông thôn mới). Dù ngân sách bố trí được đến đâu nhưng dứt khoát phải ưu tiên cho giảm nghèo ở vùng có tỷ lệ nghèo cao. Các bộ, ngành, địa phương cần xác định nhu cầu đầu tư ở địa phương để tính toán tỷ lệ vốn cho đầu tư giảm nghèo, đặc biệt chú ý tăng nguồn lực cho phát triển sản xuất”. Theo Phó Thủ tướng, kinh nghiệm là đầu tư cho sản xuất bền vững thì việc giảm nghèo mới bền vững và kéo theo nhiều hiệu quả xã hội tích cực khác.

Được biết, định hướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020 bao gồm: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu và thôn, bản ĐBKK. Đồng thời, đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo, nâng cao năng lực và truyền thông sẽ thực hiện trên phạm vi cả nước, ưu tiên đối với địa bàn các huyện nghèo, các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu và thôn, bản ĐBKK….

P.Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh