Hỗ trợ gạo cho học sinh: Nâng cánh ước mơ cho học sinh nghèo vượt khó
- Dược liệu
- 13:06 - 10/05/2017
Học trò nghèo thêm ấm bụng
Hứa Ngài là một xã vùng sâu, vùng xã, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn của huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. 100% học sinh trường Tiểu học Hứa ngài là người dân tộc thiểu số (trong đó dân tộc Mông chiếm trên 98%). Là một trong những điểm trường được nhận hỗ trợ gạo từ Chính phủ, thầy Nguyễn Thế Điệp - Hiệu trưởng trường Phổ thống dân tộc bán trú tiểu học Hừa Ngài xúc động cho biết: Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến đời sống an sinh xã hội, sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Nhờ những hạt gạo hỗ trợ của Chính phủ các em học sinh thêm ấm bụng khi đến trường, các bậc phụ huynh cũng yên tâm cho con đến lớp. Đây chính là sự hỗ trợ to lớn của Đảng, Nhà nước giúp các em có thêm động lực đến lớp thực những ước mơ, hoài bão.
Nhận bao gạo hỗ trợ của Nhà nước anh Giàng A Páo phụ huynh em học sinh Giàng A Minh đã không giấu được sự xúc động: “Đảng và Nhà nước không chỉ quan tâm đến cái chữ mà còn quan tâm đến cái ăn cho các cháu. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ cho con mình đi học, biết cái chữ mới mong thoát nghèo”.
Xã Thượng sơn cũng là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Vị Xuyên, Hà Giang, Thượng Sơn được xếp vào xã vùng 3 (vùng đặc biệt khó khăn). Tỷ lệ hộ nghèo ở Thượng Sơn còn rất cao (hơn 51%). Trường tiểu học A Thượng Sơn có 312 em thì chỉ có 2 em là người Kinh, còn lại là người Mông, Thái, Dao… Thầy giáo Phạm Tiếp Lực, Hiệu trưởng trường Tiểu học A Thượng Sơn, Vị Xuyên, Hà Giang chia sẻ: Những năm học gần đây, chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh nghèo đã giúp các trường khó khăn trên địa bàn huyện Vị Xuyên nói chung và Trường tiểu học A Thượng Sơn của chúng tôi nói riêng giải được bài toán khó mà những người làm giáo dục vùng cao đều trăn trở nhiều năm nay. Việc hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia đã góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh, gia đình và nhà trường. Và nó sẽ là động lực giúp các em vững tâm trên bước đường học tập.
Gần nửa triệu học sinh được hỗ trợ gạo
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng: Kết thúc năm học 2015-2016, Tổng cục Dự trữ Nhà nước DTNN đã báo cáo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ kết quả cấp gạo hỗ trợ cho học sinh và kế hoạch triển khai năm học 2016-2017. Công tác này đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đồng ý với kế hoạch triển khai hỗ trợ gạo năm 2016 - 2017 của Bộ Tài chính, trong đó giao cho Bộ Tài chính thực hiện cấp gạo tạm ứng cho học sinh trong 02 tháng đầu học kỳ I năm học 2016-2017 và quyết định giao nhiệm vụ cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh các địa phương theo báo cáo, rà soát số lượng học sinh thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ gạo theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ.
Theo đó, kết thúc học kỳ I năm học 2016-2017, Tổng cục DTNN đã xuất cấp, vận chuyển và bàn giao gần 36.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho gần 540.000 học sinh thuộc 47 tỉnh, thành phố trong cả nước. Để đảm bảo cấp gạo kịp thời cho các địa phương hỗ trợ học sinh trong học kỳ II năm học 2016-2017 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23/02/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 342/QĐ-BTC giao nhiệm vụ cho Tổng cục DTNN xuất cấp 29.215,179 tấn gạo cho 487.159 học sinh của 47 tỉnh, thành phố theo nguyên tắc: Đối với các địa phương đã có báo cáo chi tiết về số lượng học sinh, số gạo hỗ trợ thì cấp theo số lượng các địa phương báo cáo; đối với các địa phương chưa có số liệu báo cáo thì tạm cấp theo số liệu của các địa phương đã phân bổ trong học kỳ I năm học 2016-2017 để tính cho 4 tháng của học kỳ II năm học 2016-2017. Đến ngày 30/4 việc cấp phát gạo cho hơn 487 nghìn học sinh đã hoàn thành.
Ông Phạm Phan Dũng cho rằng: Việc Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho học sinh ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bằng nguồn gạo DTQG đã góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh, gia đình và nhà trường; góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ đi học, nâng cao thể trạng của học sinh và chất lượng giáo dục ở những vùng này. Đồng thời cũng đã gián tiếp giải quyết được phần nào khó khăn cho một số địa phương trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống dân cư và phát triển kinh tế tại một số vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.