Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế): Cần thúc đẩy thay đổi tập quán mới mong xóa đói giảm nghèo bền vững
- Dược liệu
- 21:28 - 29/01/2018
Thay đổi tập quán chi tiêu, lao động sản xuất sẽ giúp người dân A Lưới thoát nghèo bền vững
Có thể phát biểu trên là do cảm tính, thì đây, những con số khô khan không biết lừa dối: theo chuẩn nghèo cũ, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện A Lưới năm 2010 là 27,6%, đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 11,28%; tỷ lệ hộ cận nghèo từ 13,96% năm 2010 giảm xuống còn 10,66% cuối năm 2015. Nhưng khi tổ chức rà soát tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, đầu năm 2016, toàn huyện A Lưới có 4.337 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 35,04%; có 412 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,33%. Đầu năm 2017 có 3.754 hộ với 15.300 khẩu (chiếm tỷ lệ 29,71%); cận nghèo 1.526 hộ với 6.235 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 12,08%). Đầu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện miền núi biên giới này vẫn ở con số rất cao với 3.278 hộ/13.326 khẩu (chiếm tỷ lệ 24,99%), 1.660 hộ/6.730 khẩu cận nghèo (chiếm tỷ lệ 12,65%).
Trong tổng số 3.278 hộ nghèo tại huyện A Lưới thì có đến 3.189 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 97,28%). Con số hộ cận nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu sổ cũng chiếm đến 95,84% (1.591/1.660 hộ). Nhóm hộ nghèo ở đây thiếu hụt các dịch vụ xã hội chủ yếu tập trung vào 4 tiêu chí: thiếu hụt Bảo hiểm y tế là 92,74% (nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước); chất lượng nhà ở là 50,67%; diện tích nhà ở là 54,55% và hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh là 84,87%. Trong khi đó, trình độ giáo dục của người lớn ở mức 16,38%; số hộ nghèo về thu nhập chiếm 2.871/3.278 hộ,…
Như vậy có thể thấy, kết quả giảm nghèo ở huyện miền núi A Lưới chưa thật sự bền vững. Số hộ đã thoát nghèo nhưng có mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn. Hàng năm vẫn có các hộ tái nghèo. Đời sống của người dân ở các xã đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều cơ cực, thiếu thốn.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo và kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững ở A Lưới cũng được chỉ ra khá nhiều. Một trong những nguyên nhân lớn là việc thiếu đất sản xuất. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay, có khoảng gần 2.000 hộ dân A Lưới thiếu đất sản xuất (theo quy định cấp đất là một hộ dân được cấp 0,75 ha đất nông nghiệp và 2 ha đất rừng). Thiếu đất sản xuất, nhiều hộ dân nơi đây khó khăn trong việc làm ruộng, làm vườn và tổ chức chăn nuôi. Thực trạng này cũng đã được chúng tôi phản ánh một phần trong bài viết “Đổi thay ở Pa Ay”. Dù đã về nơi ở mới được hơn 7 năm, nhưng tại nơi ở mới, người dân của khu tái định cư này cũng chỉ có 500m2 cả đất ở và đất vườn.
Một rào cản khác trong công tác xóa đói giảm nghèo ở A Lưới đó là xuất phát từ nhận thức và ý chí vươn lên của chính người dân nơi đây chưa cao. Người viết vẫn còn nhớ mãi câu chuyện của một cán bộ ngành khi nói về những khó khăn khi trong việc tuyên truyền, vận động người dân đi học nghề. Theo vị cán bộ này, một bọ phận lớn người dân A Lưới chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc học nghề, khi chỉ muốn học những nghề mới nghe đã thấy khó, như: lái máy bay, tàu hỏa; còn nghề cạo mũ cao su, chăn nuôi, may mặc thì không mặn mà. Kết quả điều tra cung cầu lao động mới đây đã chỉ rõ điều này. Theo đó, hiện nay toàn huyện A Lưới có khoảng 30.420 người trong độ tuổi lao động, trong đó chỉ có 6.388 lao động qua đào tạo.
Mặt khác, tập quán chi tiêu lạc hậu, sự ỷ lại vào các chương trình mục tiêu của nhà nước, sự giúp đỡ của xã hội vẫn còn hiện hữu cũng khiến người dân A Lưới lẫn quẩn mãi với cái nghèo, cái khó. Tại Hội nghị Triển khai kế hoạch phân công giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 20120 cách đây 1 năm, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh này đã từng phát biểu rằng: Cách chi tiêu của một bộ phận người dân các huyện vùng cao chưa có kế hoạch và còn khá lạc hậu. Hôm nay chúng ta hỗ trợ bà con 3 con bò giống thì hôm sau có việc, họ đã làm thịt mất một con. Khi chúng tôi đi thực tế tại A Lưới, nhiều lãnh đạo xã, các cán bộ công tác lâu năm tại địa bàn huyện miền núi này cũng cho rằng, chính nhận thức của người dân chưa cao, còn trông chờ ỷ lại quá nhiều, thậm chí có người lười biếng lao động, cho cái gì dùng ngày cái đó, quy ra tiền, ra rượu rồi hôm sau quay lại với bàn tay trắng đã hại chính họ. Vì vậy, hãy đừng cho họ con cá, mà đưa cho họ cái cần câu rồi chỉ họ cách câu. Cũng chỉ đừng cho họ cái cần câu rồi mặc họ muốn câu sao thì câu, cần chỉ họ cách câu sao cho được con cá và dạy họ cách chế biến con cá thành các món ăn ngon. Trong xóa đói giảm nghèo cũng vậy, muốn người dân A Lưới thoát nghèo một cách bền vững thì không chỉ hỗ trợ họ về nguồn vốn, mà phải giúp họ thay đổi nhận thức, cách thức làm ăn; hỗ trợ họ phương pháp phát triển sinh kế một cách ổn định, lâu dài.
Cần hỗ trợ đúng cách để người dân A Lưới phát triển sinh kế, xóa đói giảm nghèo bền vững
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Nam Đông, Trưởng phòng Phòng LĐ – TB&XH huyện A Lưới cho biết, theo kế hoạch giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% của tỉnh Thừa Thiên Huế, tại huyện A Lưới có 17 xã được giúp đỡ. Trong năm 2017, đã có 17/17 xã được trợ giúp với số đối tượng được thụ hưởng là 1.997 hộ, tổng số tiền hơn 3,686 tỷ đồng. Các hộ nghèo chủ yếu được hỗ trợ xây nhà ở mới (9 căn); hỗ trợ làm nhà vệ sinh (156 cái); hỗ trợ phát triển sản xuất cho 305 hộ, trị giá hơn 1 tỷ đồng; hỗ trợ điện thắp sáng đường nông thôn và học bổng cho học sinh, quà cho hộ nghèo, hộ khó khăn.
Cũng theo ông Đông, năm 2018 này, huyện A Lưới tiếp tục thưc hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, kế hoạch giảm nghèo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%. Để thực hiện được mục tiêu này, các địa phương trên địa bàn A Lưới cần phải tăng cường công tác tuyên truyền về công tác giảm nghèo, bám sát các kế hoạch của huyện; đồng thời triển khai các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trên địa bàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập quán sản xuất và trình độ dân trí, đặc biệt là các mô hình kết hợp vườn – ao – chuồng – rừng; hỗ trợ công cụ sản xuất, đất sản xuất cho các hộ thiếu đất. Mặt khác, A Lưới sẽ tăng cường vận động người lao động trên địa bàn đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong và ngoài tỉnh, tham gia xuất khẩu lao động tại các thị trường tiềm năng.
Ngoài ra, A Lưới cũng sẽ tiếp tục đề xuất các đơn vị cấp tỉnh quan tâm giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng 200 nhà ở do công ty Hoàn cầu hỗ trợ, cùng với sự trợ giúp nhà vệ sinh, nước sạch cho các xã và chương trình hỗ trợ khác.