Hỗ trợ đối tượng yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19
- Dược liệu
- 13:39 - 12/11/2021
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đại dịch diễn ra nhanh trên phạm vi toàn cầu, lan rộng đến hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, ảnh hưởng trầm trọng đến mọi hoạt động của tất cả các quốc gia. Nhiều nhóm lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, trong đó các nhóm dễ bị tổn thương, như: lao động di cư, lao động khu vực phi chính thức... Ước tính có 1,25 tỷ lao động, chiếm 38% lực lượng lao động toàn cầu đang làm việc trong các lĩnh vực phải đối diện với sự sụt giảm trầm trọng về sản lượng, nguy cơ cao bị sa thải. Đặc biệt đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình, các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất lại có tỷ lệ cao người lao động làm các công việc phi chính thức và người lao động ít được tiếp cận với các dịch vụ y tế cũng như an sinh xã hội. Bên cạnh đó, các đối tượng yếu thế như: người nghèo, người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam đã phải thực hiện các quy định giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, khiến hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, cắt giảm số lượng nhân công, dẫn đến người lao động buộc phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, ngừng việc không hưởng lương, thậm chí mất việc làm. Theo Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại các tỉnh phía Nam, không chỉ những người mất việc làm, mà ngay cả người lao động đang có việc cũng chịu tác động không nhỏ từ đại dịch COVID-19.
Riêng đối với phụ nữ, cùng với việc mất thu nhập, gánh nặng chăm sóc con cái (nghỉ học ở nhà) và công việc gia đình đã đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tinh thần của họ. Trẻ em cũng là một trong các đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do đại dịch COVID-19. Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và xã hội), tính đến đầu tháng 9/2021 cả nước có tới gần 12.000 trẻ em là F0, hơn 27.000 trẻ em là F1. Riêng tại TP Hồ Chí Minh có tới 1.500 trẻ em mồ côi do COVID-19 (thống kê chưa đầy đủ), trong đó có hơn 1.000 em đang học tiểu học và trung học cơ sở. Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhiều em nhỏ đang tuổi ăn học, rất cần vòng tay yêu thương, nuôi dạy của cha mẹ, người thân vào hoàn cảnh bơ vơ, không nơi nương tựa. Chưa tính đến việc dịch bệnh đã làm cho trẻ em phải tạm dừng việc học ở trường, ảnh hưởng đến việc tiếp cận tri thức.
Trước những khó khăn, tổn thất do đại dịch COVID-19 gây ra, nhiều chính sách an sinh xã hội đã được ban hành kịp thời như Nghị quyết số 42, Nghị quyết số 68, Nghị quyết 126, và mới đây nhất là Nghị quyết số 116 góp phần làm giảm thiểu khó khăn, hỗ trợ người lao động và những người yếu thế vượt qua đại dịch. Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Nhìn trên bình diện chung thì diện bao phủ của chính sách cơ bản đã tới với người dân, trong đó có nhóm lao động yếu thế, người nghèo, cận nghèo. Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và mới đây là Nghị quyết 126 sửa đổi đã đi vào cuộc sống, được nhân dân ghi nhận, giúp người dân khắc phục một phần khó khăn trong cuộc sống. Để phù hợp với thực tế, Nghị quyết 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 cũng đã mở rộng nhóm đối tượng được hỗ trợ yếu thế đã được chăm lo như người già, trẻ em mồ côi, người khuyết tật…
Theo ông Lê Văn Thanh, tính đến trung tuần tháng 10, số người được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 hỗ trợ là 24,26 triệu lượt đối tượng với trên 21,8 nghìn tỷ đồng. Tại 23 tỉnh, thành phố phía Nam, đã hỗ trợ 16,8 triệu đối tượng (chiếm 69,5% toàn quốc) với tổng số tiền 17,75 nghìn tỷ đồng (chiếm 80% toàn quốc). Khi triển khai, tại các tỉnh, thành, bên cạnh thực hiện chính sách chung, một số địa phương cũng đã ban hành chính sách đặc thù như: Hà Nội hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo 1 triệu đồng/hộ. Đà Năng hỗ trợ nhóm người khó khăn (người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em mồ côi) với mức 1 triệu đồng/người/lần; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố mức 500.000 đồng/người/lần; tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo mức 500.000 đồng/hộ…. “Do đó, ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương, để có thêm nguồn hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và công nhân lao động nhằm bảo đảm cho người dân duy trì cuộc sống”, ông Lê Văn Thanh cho biết.
Việc tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ nhanh chóng, giảm tối thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp các gói hỗ trợ kịp thời đến với người dân, người lao động và doanh nghiệp, các đối tượng yếu thế. Đặc biệt việc phối hợp giúp đỡ, hỗ trợ người dân trở về quê từ các vùng dịch; phối hợp rà soát các đối tượng cần hỗ trợ an sinh xã hội; vận động ủng hộ và phân bổ kinh phí, vật chất; trao tặng túi quà an sinh cho các đối tượng gặp khói khăn, yếu thế; hỗ trợ vận chuyển, tiêu thụ nông sản; tham gia các tổ phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng; thăm hỏi, tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả.. . đã góp phần giúp những đối tượng yếu thế có thể tạm thời vượt qua những khó khăn trước mắt do tác động nặng nề của đại dịch.
DUY LINH
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ