THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:54

Hỗ trợ doanh nghiệp gỡ khó khăn, tạo việc làm cho người lao động

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, số lao động được tạo việc làm mới trong 6 tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 4,5%). Do sự tác động từ cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước cao… dẫn đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn.

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội nhận định, thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có thể kéo dài sang năm 2024, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành Dệt may, Da giày, Điện tử, Chế biến gỗ... vì vậy, các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng. Việc cắt giảm nhân công cũng là giải pháp duy trì của một số doanh nghiệp hiện nay.

Ngoài ra, theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, 6 tháng đầu năm trên địa bàn TP có số doanh nghiệp đăng ký giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 22% về số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Chính những nguyên nhân này dẫn đến giảm số việc làm mới trong các tháng đầu năm 2023.

Trong khi đó, số lao động thất nghiệp lại tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 43.674 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 42.892 người có quyết định hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2022. Mức hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp bình quân là 3.952.409 đồng/người/tháng.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, số lao động đề nghị hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tăng 31% là thực tế thị trường lao động. Qua đánh giá trực tiếp từ cơ sở dữ liệu nguồn lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trên địa bàn Hà Nội không có nhiều đơn vị, DN cho người lao động nghỉ việc ồ ạt. Với những trường hợp hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp đều được cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn, kết nối với DN, tạo việc làm để nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động; được hỗ trợ học nghề miễn phí để sau đó chuyển đổi công việc phù hợp với bản thân hoặc khởi nghiệp tự tạo việc làm cho bản thân.

Tư vấn việc làm cho lao động thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội

Tư vấn việc làm cho lao động thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội

6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 124 phiên giao dịch việc làm (trong đó, có 1 phiên lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật; 4 phiên online kết nối với các tỉnh) với 3.635 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 60.034 người; tổng số lao động được phỏng vấn là 25.092 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là 8.805 lao động.

Để đảm bảo được các mục tiêu đề ra (giải quyết việc làm cho 162.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%), thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, tăng cường kết nối cung cầu, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm TP. Tích cực hỗ trợ, duy trì việc làm ổn định cho người lao động và thực hiện tốt phúc lợi xã hội. Xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động để tăng cường hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Các địa phương đóng vai trò quan trọng trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động, cũng là thực hiện chính sách an sinh cho người dân. Thời gian qua nhiều quận, huyện đã rất nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, quận Long Biên giải quyết việc làm cho hơn 6.000 người; quận Tây Hồ tạo việc làm cho 4.532 người; huyện Gia Lâm giới thiệu việc làm cho 4.837 người... Để thực hiện đạt kế hoạch giải quyết việc làm 6 tháng cuối năm, các quận, huyện tiếp tục thu thập dữ liệu cung - cầu lao động; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp thu hút DN đầu tư vào sản xuất kinh doanh; tạo cơ chế thông thoáng thu hút các DN đầu tư; phát triển các làng nghề truyền thống; gắn kết với các sàn giao dịch việc làm vệ tinh để giới thiệu công việc cho người lao động…

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, từ nay tới cuối năm, căn cứ vào yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đơn vị này sẽ tiếp tục gắn kết với lực lượng lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề cụ thể. Mục tiêu cao nhất là hỗ trợ nhiều nhất cho doanh nghiệp trong tuyển dụng và người lao động tìm được công việc phù hợp, có thu nhập bảo đảm cuộc sống.

Hà Phương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh