THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:36

Hàng nghìn lao động mất việc do sự cố Formosa được hỗ trợ, tạo việc làm

 

 

.

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trao đổi với các phóng viên về nội dung Đề án và các phương án hỗ trợ đối với 263 nghìn lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.

 

Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động vùng biển

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016, sự cố môi trường đã ảnh hưởng nặng nề tới 4 tỉnh miền trung. Trong đó, ảnh hưởng 22.780 hộ gia đình và 65 xã tại với Hà Tĩnh, với gần 24.500 người mất việc và không có việc làm ổn định, trực tiếp trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản là 14.770 nghìn người. Số lượng người thất nghiệp trong ngành kinh doanh thủy sản tăng là hơn 5.700 người, ngành dịch vụ hậu cần tăng hơn 1.000 người, ngành nuôi trồng thủy sản tăng thêm 823 người. Ngoài ra, trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn nhà hàng, số người thất nghiệp tăng lên 692, còn trong lĩnh vực sản xuất muối là 428 người. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Quảng Bình đã tăng 1,1% sau sự cố môi trường. Tại Thừa Thiên Huế có hơn 30.400 người bị ảnh hưởng trực tiếp vì tình trạng cá chết. Còn tại Quảng Trị, ảnh hưởng của sự cố này nhẹ bởi một bộ phận lực lượng lao động đã chuyển hướng đi xuất khẩu lao động. Tại Đà Nẵng, có ảnh hưởng nhưng cũng không nhiều.

Để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường do Formosa gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định bồi thường thiệt hại cho các 7 nhóm đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp hỗ trợ trước mắt. Điều quan trọng là cần có những chính sách hỗ trợ người dân học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm sinh kế cho khoảng hàng trăm nghìn lao động ở 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây nên.

Sau sự cố Formosa, Bộ LĐ-TB&XH được giao xây dựng đề án nhằm đánh giá mức độ thiệt hại và đề xuất các chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm, xuất khẩu lao động cho người dân vùng bị ảnh hưởng. Theo đó Bộ đã xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 12/QĐ-TTg và đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/QĐ-TTg; Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngày 26/12/2017, Bộ LĐ-TB&XH có Báo cáo số 139/BC-LĐTBXH về việc phân bổ nguồn vốn bổ sung cho Quỹ quốc gia về việc làm từ tiền lãi cho vay, theo đó dự kiến phân bổ nguồn vốn bổ sung Quỹ quốc gia về việc làm từ tiền lãi cho vay cho Ủy ban nhân dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, mỗi tỉnh là 3 tỷ đồng.

 

Những cán bộ tín dụng chính sách ở Quảng Bình tận tâm với từng hộ vay.

Những cán bộ tín dụng chính sách ở Quảng Bình tận tâm với từng hộ vay

 

Theo Cục Việc làm, để kịp thời hỗ trợ người lao động tại các xã bị ảnh hưởng do sự cố môi trường chuyển đổi nghề nghiệp trên cơ sở nguồn kinh phí của chương trình giảm nghèo, kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn... các địa phương đã tổ chức các khóa đào tạo nghề cho lao động vùng biển như: Quảng Trị: 29 lớp với 827 người tham gia, kinh phí thực hiện 1.779.840.000 đồng; Thừa Thiên Huế: 2 lớp, 107 người tham gia. Sau khi được Bộ Tài chính tạm cấp kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng Hà Tĩnh đã tổ chức 85 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 2778 người với kinh phí 17,371 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng (người lao động tự học) cho 246 người với kinh phí 1,814 tỷ đồng; hỗ trợ học phí trình độ trung cấp, cao đẳng cho 987 người với kinh phí 5,756 tỷ đồng.

Nhiều phiên giao dịch việc làm cho người lao động

Theo đó, các Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH 4 tỉnh tăng cường tần suất các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt là tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các cụm huyện, cụm xã ven biển, những địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, cung cấp các thông tin về chỗ việc làm trống, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tỉnh, kết nối với các Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh bạn để tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm việc làm, tham gia các khóa chuyển đổi nghề phù hợp. Đồng thời, ưu tiên xét tuyển lao động thuộc 4 tỉnh trong chương trình hợp tác đưa lao động đi làm việc tại một số thị trường năm 2017 do Bộ LĐ-TB&XH triển khai như Nhật Bản, Hàn Quốc (Công văn số 2996/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 11/8/2016); Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tuyển chọn người lao động thuộc 04 tỉnh bị ảnh hưởng do sự cố môi trường để đưa đi làm việc trong các ngành nghề phù hợp, tập trung các ngành ngư nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy sản; Tuyên truyền, phổ biến cho người lao động thuộc các địa phương bị ảnh hưởng đăng ký tham gia kỳ thi tiếng Hàn ngành ngư nghiệp năm 2017.

 

Những hộ dân tại Quảng Bình được vay chương trình hộ cận nghèo đầu tư mua ngư cụ đánh bắt cá.

Những hộ dân tại Quảng Bình được vay chương trình hộ cận nghèo đầu tư mua ngư cụ đánh bắt cá.

 

Về hỗ trợ tạo việc làm, Hà Tĩnh đã tổ chức các Sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, hội nghị tư vấn việc làm tại các huyện, thành phố, thị xã ven biển thu hút 12.500 lượt người tham gia, 1.974 người được phỏng vấn, tuyển dụng làm việc trong và ngoài tỉnh; tổ chức 8 cuộc tập huấn, đối thoại chính sách về việc làm, xuất khẩu lao động; cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cho 806 dự án vay vốn của người lao động tạo việc làm cho 1226 người lao động.

Tại Quảng Bình, tính đến ngày 31/12/2017, có 823 dự án của người lao động được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm tạo việc làm cho 970 người lao động. Quảng Trị cũng đã tổ chức tư vấn việc làm, học nghề và các chính sách liên quan cho 12.900 lượt người, trong đó vùng biển là 4.500 lượt người; giải quyết việc làm cho lao động vùng biển: 1.582 người, trong đó: Làm việc trong tỉnh: 971 người, làm việc ngoài tỉnh: 373 người, làm việc ở nước ngoài: 238 người; cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cho 409 dự án của người lao động tạo việc làm cho 728 người lao động. Riêng Thừa Thiên Huế, bên cạnh các phiên giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ tại Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm được việc làm phù hợp. Ngoài ra, UBND tỉnh đã trích ngân sách địa phương 6 tỷ đồng chuyển ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay tạo việc làm và xuất khẩu lao động đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Đến nay, từ nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm đã giải ngân cho 743 dự án của người lao động, tạo việc làm cho 853 người lao động.

Về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tính đến ngày 31/1/2018, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của 4 tỉnh là 32.231 người, chủ yếu đi làm việc tại Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản, tập trung trong các ngành nghề: thuyền viên tàu cá, sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp và làm công việc thuộc lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong các trung tâm dưỡng lão và hộ gia đình. Cụ thể như: Hà Tĩnh có tổng số lao động xuất cảnh là 18.507 lao động; Quảng Bình có tổng số lao động xuất cảnh: 10.113 lao động; Quảng Trị có tổng số lao động xuất cảnh: 2.637 lao động; Thừa Thiên Huế có tổng số lao động xuất cảnh.

ĐĂNG KHOA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh