CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:24

Hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm và XKLĐ cho người dân bị ảnh hưởng bởi Formosa

 

39.000 lao động bị mất việc làm do sự cố môi trường

Bà Nguyễn Thị Hải Vân cho biết: Sau sự cố Formosa Bộ LĐ-TB&XH  được giao xây dựng đề án nhằm đánh giá mức độ thiệt hại và đề xuất các chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm, xuất khẩu lao động cho người dân vùng bị ảnh hưởng. Ngay khi Chính phủ có thông báo số 172, Lãnh đạo Bộ đã vào tận nơi để đánh giá chung mức độ thiệt hại, Bộ đã cử các đoàn công tác do Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp dẫn đầu cùng cán bộ các cục, vụ có liên quan như Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Tổng Cục dạy nghề, Văn phòng giảm nghèo, Bảo trợ xã hội đến các tỉnh, tổ chức hội thảo để nắm bắt tình hình thiệt hại cũng như nhu cầu của người lao động ở 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Bộ LĐ-TB&XH  đã có báo cáo nhanh hướng dẫn các địa phương và các  sở lao động các địa phương này đã vào cuộc để thống kê thiệt hại, xác định nhu cầu học nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao của địa phương.

 

Bà Nguyễn Thị Hải Vân- Cục trưởng Cục Việc làm


Kết quả cho thấy, có  39.000 lao động bị mất việc làm do sự cố môi trường , nặng nhất là Hà Tĩnh và Quảng Bình. Ảnh hưởng lớn nhất là vấn đề thất nghiệp, so với trước khi sự cố xảy xảy ra, tỷ lệ thất nghiệp ở Huế tăng 1,6 lần,  Quảng Bình tăng 7,9 lần, Quảng Trị tăng  2,8 lần, Hà Tĩnh tăng 15,7 lần. Các ngành nghề bị thiệt hại nhiều nhất là những ngành liên quan đến biển như: ngành khai thác đánh bắt thủy hải sản có  24.000 người mất việc làm trong đó Hà Tĩnh bị nặng nhất với 74%  số lao động trong ngành này mất việc làm, Quảng Bình là 50%.

“Từ chỗ đánh giá thiệt hại và xác định nhu cầu đối với người lao động là học nghề, việc làm, xuất khẩu lao động trong đó, nhu cầu lớn nhất là nhu cầu cho vay vốn, hỗ trợ việc làm. Những nhu cầu này hoàn toàn phù hợp với thực tế bởi người dân bám biển nên họ mong muốn có nguồn vốn vay để tiếp tục công việc của họ. Từ các nhu cầu của người lao động , Bộ LĐ-TB&XH cũng đã đề xuất với Chính phủ chính sách  hỗ trợ đào tạo nghề nghề, tạo việc làm và XKLĐ.  Đề xuất  này chúng tôi cũng đã chuyển sang Bộ NN&PTNT theo quy định để Bộ NN&PTNT  tổng hợp vào Đề án và hiện đã trình Chính phủ phê duyệt”- bà Vân cho biết.

 

Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp

Bà Vân cho biết, đối tượng được đề xuất hỗ trợ trong Đề án là tất cả người dân thuộc hộ gia đình có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được UBND cấp huyện phê duyệt.

Về hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề, Bộ đề xuất chính sách  hỗ trợ đối với tất cả các bậc học từ: mầm non, học sinh phổ thông,  trung cấp, cao đẳng, đại học đều được hỗ trợ từ các dự án này.

Về việc làm, người lao động được hỗ trợ cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm theo Nghị định 61, lãi suất được đề xuất là bằng  50% lãi suất cho vay các hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Bên cạnh đó là các giải pháp như:  tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí để người lao động  sớm có việc làm, thu nhập ổn định. “Chúng tôi cũng đề xuất, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhận người lao động sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Người lao động cũng được ưu tiên lựa chọn, tham gia các dự án, các hoạt động thực hiện chính sách việc làm công để khôi phục môi trường biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản và ổn định, khôi phục phát triển du lịch tại địa phương”- bà Vân thông tin.

 

Người lao động vùng bị ảnh hưởng sau sự cố Formosa rất cần được hỗ trợ sinh kế 

 

Về hỗ trợ người đi làm việc ở nước ngoài, Đề án cũng đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ người lao động như: hỗ trợ người lao động là người dân tộc thiểu số , người có công, lao đông là hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% chi phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn, ở, sinh hoạt phí, trang cấp đồ dùng cá nhân, chi phí đi lại, chi phí làm các thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp… Người lao động thuộc các đối tượng khác thì được hỗ trợ chi phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn ở, chi phí sinh hoạt…

Người lao động nếu có nhu cầu vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội sẽ được vay với mức bằng 100% các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo quy định  đối với từng thị trường và lãi suất bằng lãi suất cho vay với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh