Hỗ trợ công nhân nuôi con nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi Covid-19
- Dược liệu
- 10:23 - 03/12/2022
- Quỹ Vì Tầm Vóc Việt nhận giải thưởng của Viện Giáo dục và Thúc đẩy Bình đẳng giới Hàn Quốc (KIGIPE)
- BAC A BANK và Quỹ Vì tầm vóc Việt tặng quà thương binh, người có công tại Côn Đảo
- Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tài trợ 300 triệu đồng cho Quỹ bệnh nhân nghèo - Bệnh viện Phụ sản Trung ương
- BAC A BANK và Quỹ Vì Tầm Vóc Việt trao học bổng cho 50 học sinh, sinh viên DTTS
- Quỹ Vì tầm vóc Việt trao tặng 300 triệu đồng cho bệnh nhân nghèo
Có mặt tại buổi trao quà ngày 30/11, chị Nguyễn Thị Hà (46 tuổi ở xã Hồng Quang huyện Ứng Hòa, Hà Nội) không giấu nổi xúc động. Trên gương mặt vẫn còn thể hiện sự mệt mỏi do vừa trải qua thời gian xạ trị do ung thư vú, chị Hà cho biết, mệt vẫn phải cố đi làm để có tiền trang trải cuộc sống. Chị Hà kể, nhà có mình chị đi làm công nhân, có thu nhập ổn định khoảng 5 triệu/tháng. Ba con, chồng làm nông nghiệp, cuộc sống của gia đình chị vô cùng khó khăn, nhất là giai đoạn Covid-19, chị là một trong rất nhiều công nhân phải nghỉ việc không lương do đại dịch. Hết giãn cách, mới đi làm ổn định lại thì đến tháng 8/2022, chị lại phát hiện ung thư. Cả nhà như suy sụp, nhưng dù lo lắng, sợ hãi và điều trị tốn kém, chị vẫn không dám nghỉ làm. Vậy là mỗi ngày, chị vẫn đều đặn đi xe máy 20km để đến công ty, hôm nào mệt quá, chị mới nhờ chồng đưa đón. Từ hồi phát hiện bệnh, chị cũng không dám tăng ca vì sức khỏe không cho phép – điều đó đồng nghĩa với việc, thu nhập bị giảm đi trông thấy…
Cũng giống như chị Hà, chị Vũ Thị Hương 45 tuổi (xã Chương Mỹ huyện Phú Xuyên, Hà Nội) phát hiện ung thư cách đây 2 năm. Để có tiền cho 3 con đóng học phí hàng tháng (một là sinh viên đại học, một học cấp ba và một bé 6 tuổi), chị phải xoay chỗ nọ, vá chỗ kia. Trước đây, gia đình thuộc hộ nghèo, chị được Hội phụ nữ và chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, nhưng vẫn không có khả năng trả lãi, chị đành vay nợ vòng quanh của anh em họ hàng. Nhớ lại giai đoạn phải thực hiện giãn cách xã hội do Covid – 19, chị Hương vẫn còn sợ hãi. Hồi đó, mỗi tuần chị chỉ dám ra chợ một lần, mua ít mắm muối, gạo “vì làm gì có tiền mua đồ ăn”, chị Hương rơm rớm kể lại.
Hiện nay, tháng nào chị Hương cũng phải lên viện lấy thuốc điều trị, chi phí cho việc này hết khoảng 5 triệu, vừa đúng bằng phần lương của chị. Chị Hương bần thần lo lắng, nếu tình trạng này kéo dài không chừng vợ chồng chị phải bán mảnh đất ông bà cho để có chi phí chữa bệnh và cho các con ăn học. “Bởi đó là con đường duy nhất để các con thoát nghèo”, chị nói.
Cả chị Hà và chị Hương đều rất xúc động khi nhận được quà từ Quỹ vì tầm vóc Việt. Món quà tuy không lớn nhưng là nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với các chị giúp các chị xua tan phần nào nỗi khó khăn vất vả.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Quản lý Chương trình Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF) cho biết: Đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Tuy vậy, những hậu quả về kinh tế - xã hội mà đại dịch gây ra vẫn đang tồn tại và cần thêm nhiều thời gian để khắc phục. Người lao động trong các nhà máy – khu công nghiệp là một trong những nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi bị mất việc làm và thu nhập; nhiều người bị tổn thương thể chất do nhiễm Covid- 19 hoặc gặp các vấn đề về tâm lý do mất việc làm/thu nhập, mất người thân. Trong số này, những người lao động di cư (lao động ngoại tỉnh) phải thuê nhà trọ và nuôi con nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn. Đây là lý do VSF hướng trọng tâm của Dự án “Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt” trong năm 2022 vào việc hỗ trợ phục hồi thể chất và tinh thần cho người lao động và trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Kinh phí thực hiện dự án được trích từ chiến dịch “Lan tỏa hạnh phúc đích thực” năm 2021 do CBNV Tập đoàn TH và BAC A BANK đóng góp.
Theo chị Phạm Thị Ánh, Phó Chủ tịch công đoàn công ty đi Yokowa, Công ty có khoảng 3.500 đến 3.600 công nhân thì có đến 90% là nữ. Trong đó có hơn 200 người có hoàn cảnh rất khó khăn như: chồng, con mất; có chị bị ung thư; có người phải nghỉ làm cả năm đi chữa bệnh, mới đi làm trở lại; Có chị chồng mất, ba con nheo nhóc, bố mẹ chồng già lẫn, em chồng bị tâm thần… Nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của Dự án, chị Phạm Thị Ánh cho rằng hoạt động này không chỉ nêu cao tinh thần nhân đạo mà còn có thể hỗ trợ, chia sẻ ít nhiều khó khăn cho người lao động, giúp họ cảm thấy mình được quan tâm, giúp đỡ. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo về kiến thức kỹ năng chăm sóc sức khỏe, vai trò quan trọng của 1.000 ngày đầu đời đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em… đã hỗ trợ rất nhiều cho chị em có thêm kiến thức chăm lo cho sức khỏe con cái và gia đình.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam cho biết: “Các hoạt động trong Chương trình của Dự án rất thiết thực, hỗ trợ kịp thời, tư vấn cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ có thêm kiến thức, kỹ năng ứng phó với các vấn đề sức khỏe sinh sản, chăm sóc trẻ em và vững vàng tâm lý trước tác động của dịch bệnh”.
Dự án "Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt" thuộc Chương trình mục tiêu Chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản của VSF. Đây là một dự án lớn và dài hạn được VSF bắt đầu triển khai từ năm 2017. Dự án nhằm mục tiêu cải thiện sức khoẻ sinh sản, sức khỏe tinh thần, và dinh dưỡng cho lao động nữ trong độ tuổi sinh sản cũng như con em của họ trong 1.000 ngày đầu đời, qua đó góp phần cải thiện tầm vóc và trí tuệ cho trẻ em Việt Nam. Xa hơn, dự án cũng kỳ vọng sẽ góp phần đạt được các Chương trình Mục tiêu quốc gia của Chính phủ Việt Nam cũng như các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.
Năm 2022, dự án “Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt” đặt mục tiêu có ít nhất 5.000 người lao động trong các nhà máy – khu công nghiệp được tư vấn và tiếp cận với các thông tin hữu ích về chăm sóc sức khỏe tinh thần, sức khỏe sinh sản, cũng như duy trì dưỡng hợp lý thông qua các hình thức hỗ trợ trực tuyến; và được tiếp cận với các sản phẩm chăm sóc khỏe và cải thiện dinh dưỡng miễn phí.