Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS Hà Xuân Hùng cho biết: Ma túy và nghiện ma túy là một vấn đề nóng bỏng của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu báo cáo của Bộ công an, đến tháng 12/2019 có khoảng 235.214 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó: 67,5% (gồm cả khoảng 53.000 người đang điều trị Methadone) người nghiện ma túy sống tại cộng đồng, 13,5 % người nghiện ma túy đang ở các cơ sở cai nghiện do ngành LĐ-TB&XH quản lý và 19% số người nghiện đang ở trong các trại giam do ngành Công an quản lý.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong phòng chống ma túy và điều trị cai nghiện ma túy, song số lượng người nghiện ma túy ở Việt Nam hàng năm vẫn gia tăng, đặc biệt là sự phát triển của nhóm người nghiện đa chất. Trước tình hình đó, Chính phủ đã có nhiều giải pháp cho công tác cai nghiện ma túy với quan điểm:Nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép; tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện với lộ trình phù hợp.
Với xu thế hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới để cùng nhau giải quyết các vấn chung giữa các quốc gia đó là vấn đề phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy, được sự hỗ trợ và giúp đỡ về kỹ thuật và tài chính của Cục Quản lý lạm dụng Chất gây nghiện và Sức khoẻ tâm thần (SAMHSA, Hoa Kỳ) và Đại học UCLA (Hoa Kỳ), sự hỗ trợ và ủng hộ của Văn phòng chính phủ, sự đồng ý của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Trường Đại học Lao động - Xã hội đã gia nhập mạng lưới các trung tâm Chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất và HIV (VHATTC) cùng với hai Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược TP HCM với mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm chuyển giao cộng nghệ điều trị nghiện chất và HIV tới đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại Việt Nam.
Trung tâm VHATTC thuộc trường Đại học Lao động- Xã hội được ra đời năm 2017 (là Trung tâm thứ ba ở Việt Nam). Qua thời gian hoạt động 3 năm, Trung tâm đã có nhiều hoạt động đóng góp cho công tác phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực điều trị cai nghiện theo hướng toàn diện và xây dựng mô hình hỗ trợ xã hội trong điều trị cai nghiện ma túy.
Theo TS Hà Xuân Hùng, do những thay đổi từ nhà tài trợ, Dự án VHATTC sẽ kết thúc vào tháng 9/2020 (rút ngắn so với thời gian dự kiến là 5 năm).
Báo cáo tổng kết Dự án, ThS Nguyễn Thị Hoài Thu, Điều phối viên dự án cho biết: Sau 3 năm triển khai với nguồn kinh phí tài trợ 247.000 USD bao gồm các cấu phần: nâng cao năng lực, can thiệp giảm sử dụng ATS và hỗ trợ xã hội tại 3 phường thuộc 2 quận của Hà Nội, 2 quận của Hải Phòng và 1 huyện của Thái Nguyên; phát triển tài liệu đào tạo và tập huấn, vận động chính sách và truyền thông nâng cao nhận thức, Dự án đã tổ chức 32 khóa tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho hơn 1.000 lượt cán bộ quản lý các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, cán bộ làm công tác cai nghiện tại các Trung tâm cai nghiện, phòng khám methadone, các cán bộ tổ chức cộng đồng (CBO), giảng viên và sinh viên ngành Công tác xã hội.
Hoạt động của dự án đã mang lại những hiệu quả tích cực đối với cán bộ làm công tác cai nghiện, các nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý các trung tâm cai nghiện, các cán bộ cộng đồng và các sinh viên ngành Công tác xã hội; trang bị kiến thức về HIV, ma túy, cung cấp các công cụ và kỹ năng tư vấn, điều trị cho hơn 1.000 lượt cán bộ làm công tác điều trị nghiện và sinh viên; hỗ trợ các cơ sở sàng lọc các chất gây nghiện cho gần 3.000 trường hợp; can thiệp cho 246 bệnh nhân có nguy cơ trung bình với sử dụng ATS, hỗ trợ xã hội cho 105 bệnh nhân methadone, chuyển gửi xét nghiệm HIV cho 1.347 trường hợp, hỗ trợ điều trị viêm gan C cho 8 bệnh nhân và hỗ trợ cho 02 gia đình thành viên vay vốn để phát triển sản xuất.
Thông qua các hoạt động này, dự án đã góp phần giúp các bệnh nhân duy trì điều trị methadone và nhiều người trong số họ có cuộc sống tích cực hơn.
Dự án cũng tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên của Trường nâng cao năng lực, đặc biệt trong lĩnh vực điều trị nghiện thông qua các khóa tập huấn, chuyến thăm quan học tập và hội thảo, hội nghị trong nước, quốc tế. Theo đó, các giảng viên của Trường đã tham gia giảng dạy cho cán bộ quản lý và cán bộ điều trị nghiện tại các Trung tâm cai nghiện thuộc nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cán bộ của Trường đã tham gia có hiệu quả và đóng góp tích cực vào việc xây dựng Hướng dẫn can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine.
Sinh viên của Trường có điều kiện được học nội dung mới về HIV và ma túy cũng như các kỹ năng làm việc với bệnh nhân lạm dụng ma túy. Những kiến thức và kỹ năng này sẽ được các em sử dụng trong các buổi thực tế tại cộng đồng cũng như trong công việc sau này. Thông qua hoạt động truyền thông, các em đã hiểu rõ hơn và nhận thức rõ hơn về cách phòng chống sử dụng ma túy và lây nhiễm HIV.
Dự án đã góp phần làm thay đổi nhận thức về điều trị cai nghiện cho đội ngũgiảng viên, đội ngũ cán bộ và cả người nghiện ma túy về phương pháp tiếp cận và phương pháp cai nghiện, trong đó chú trọng đến các yếu tố tâm lý, xã hội của người nghiện ma túy.
Thông qua dự án, Trường Đại học Lao động – Xã hội đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác với các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội tại các địa phương, tạo cơ sở tốt để Trường gửi sinh viên đi thực hành, thực tập. Trường cũng đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với các Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất (ATTC) tại nhiều nước như: Hoa Kỳ, Nam Phi, Thái Lan và Ucraina.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, TS Hà Xuân Hùng nhấn mạnh: Sự gia nhập mạng lưới của trung tâm VHATTC của Trường Đại học Lao động - Xã hội cùng với Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y dược TP HCM đã góp phần hoàn thiện dịch vụ, mô hình, cách thức trong điều trị cai nghiện ma túy cho Việt Nam đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, Trung tâm VHATTC tham gia cùng cơ quan quản lý nhà nước trong việc vận động xây dựng chính sách trong lĩnh vực điều trị cai nghiện cho phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay của Việt Nam.
TS Hà Xuân Hùng cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học trong thời gian tới để Trung tâm VHATTC - Đại học Lao động Xã hội duy trì bền vững các kết quả đã đạt được nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ điều trị cai nghiện, nhân rộng mô hình hỗ trợ xã hội trong điều trị cai nghiện và hỗ trợ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu cai nghiện ma túy của Việt Nam hiện nay.
Theo đó, Trường Đại học Lao động – Xã hội sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động thông qua nguồn nhân lực của Trường; trích nguồn Quỹ Nhà trường để tiếp tục hỗ trợ để duy trì hoạt động của nhóm CBO tại cộng đồng, duy trì sinh hoạt nhóm; tuyên truyền nâng cao nhận thức về cai nghiện ma túy và HIV, đặc biệt là tuyên truyền cho sinh viên; tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho các cán bộ ở cơ sở; tiến hành các nghiên cứu để đưa ra các đề xuất, khuyến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về cai nghiện ma túy và công tác xã hội. Về lâu dài, Nhà trường sẽ thành lập 1 Quỹ thông qua vận động các tổ chức, cá nhân để duy trì các hoạt động bền vững của Dự án…