Hồ sơ trên Forbes của 2 tỷ phú USD Việt Nam
- Huyệt vị
- 17:07 - 21/03/2017
"Ông Phạm Nhật Vượng là nhà sáng lập kiêm chủ tịch của tập đoàn Vingroup - đơn vị có doanh thu lên tới 2,6 tỷ USD và là một trong những công ty lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn này vốn nổi danh trong lĩnh vực bất động sản, nhưng giờ đây được biết đến là tập đoàn đa ngành nhờ chuyển nhanh sang bán lẻ, logistic, nông nghiệp, giáo dục và y tế".
Đây là lời mở đầu cho hồ sơ của ông Phạm Nhật Vượng trên Forbes vào ngày 20/3, thời điểm tạp chí này thực hiện cập nhật mới nhất về danh tính và tài sản của những người nằm trong danh sách tỷ phú.
Theo tạp chí này, thông qua hai thương hiệu bán lẻ Vinmart và Vinmart +, chủ tịch Vingroup hiện nắm trong tay hơn 1.000 siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Tập đoàn này cũng đã xây dựng được hệ thống được 31 trung tâm mua sắm. Và thông qua Vinpearl, 5.000 phòng khách sạn 5 sao trên toàn quốc đang nằm dưới quyền điều hành của các lãnh đạo Vingroup, trong đó có tỷ phú Vượng.
Ghi nhận về những biến động của Vingroup dưới thời kỳ lãnh đạo của ông Vượng, Forbes nhấn mạnh việc tập đoàn này đang khởi công dự án trị giá 1,5 tỷ USD với điểm nhấn là tòa nhà cao 81 tầng, hàng chục chung cư và một công viên với diện tích tương đương công viên trung tâm của thành phố New York, dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Ngoài ra, Vingroup còn bắt đầu xây dựng hệ thống VinCity, thương hiệu nhà giá rẻ mang chất lượng của tập đoàn bất động sản Việt Nam.
Từng học tại Moscow, rồi chuyển tới Ukraine - nơi ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với công ty Technocom - Forbes ghi nhận tên tuổi của vị này nổi danh nhờ sản phẩm mì ăn liền với danh hiệu "vua mì gói".
Năm 2001, ông tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam thông qua các dự án bất động sản. năm 2009, vị này bán Technocom cho công ty thực phẩm Nestle và chuyển việc kinh doanh về quê hương. Tính đến tháng 2/2017, ông vẫn là người giàu nhất ở Việt Nam theo ghi nhận của Forbes.
"Theo một tiết lộ gần đây, ông sở hữu gần 65% tập đoàn Vingroup, trực tiếp và gián tiếp thông qua một công ty cổ phần, là Vietnam Investment Group.
Trong một bài viết dài giới thiệu về ông Vượng năm 2013, Forbes cho rằng vị tỷ phú này là người khá kín tiếng, chưa từng nhận lời phỏng vấn trên báo giới trong nước và có thói quen gặm nhấm thành công một mình trong văn phòng, thay vì xuất hiện rầm rộ tại các sự kiện. Ông kết hôn với người bạn học và hiện có 3 đứa con.
Trong khi đó, nói về nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam, Forbes dành cho bà những lời có cánh khi gọi bà chủ của Vietjet Air là "nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Đông Nam Á". Khá giống với ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người kín tiếng, cũng nổi tiếng trong giới đầu tư bất động sản khi là chủ của 3 khu nghỉ mát ven biển 5 sao tại Việt Nam, cùng dự án khu phức hợp Dragon City ở ngoại thành Sài Gòn với tổng giá trị 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều khiến tên tuổi bà vượt ra khỏi lãnh thổ là nhờ sở hữu hãng hàng không tư nhân lớn nhất của Việt Nam, vốn được báo chí quốc tế nhắc tới với biệt danh "bikini airlines". "Kể từ khi ra mắt vào năm 2011, Hãng bay này tăng trưởng rất thần tốc. Chỉ trong giai đoạn 2012 - 2016, Vietjet Air chiếm được 29% thị phần nhờ sức tăng trưởng của ngành giao thông vận tải, có đội bay 45 chiếc và khoảng 35 triệu khách hàng", Forbes tổng kết.
Với vai trò là cổ đông lớn của Sovico Holding, bà Thảo từng điều hành cả Vietjet Air và HD Bank. Năm 2014, HD Bank sáp nhập với ngân hàng Đại Á và hiện là một trong những ngân hàng cổ phần lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản 5 tỷ USD, 10.000 nhân sự và 225 chi nhánh, văn phòng.
Năm 2013, công ty này đã mua lại Société Générale Viet Finance, một công ty tài chính tiêu dùng thuộc sở hữu của Société Générale của Pháp, mở đầu cho xu hướng các định chế Việt Nam mua lại các định chế khác để hình thành các tập đoàn Tài chính - Ngân hàng. Công ty này sau đó đổi tên thành HDFinance và đến tháng 4/2015, với sự góp vốn đầu tư chiến lược từ Tập đoàn tài chính Credit Saison (Nhật Bản), đổi tên thành HD SAISON Finance.