CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:25

Hồ Kẻ Gỗ đứng trước nguy cơ hạn hán chưa từng có

 

Mực nước lòng hồ Kẻ Gỗ đang cạn kiệt (nhìn từ phí cống chính)

 

Cần phải đảm bảo tưới tiêu cho 21.000 ha diện tích sản xuất/mỗi vụ mùa và cung cấp nguồn nước dân sinh, cho cả một khu vực rộng lớn gồm: Huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh, nhưng do lượng mưa trong năm 2018 đến thời điểm hiện tại thấp hơn nhiều so với trung bình hàng chục năm nay, nên hồ Kẻ Gỗ đang đứng trước thách thức lớn về hạn hán chưa từng có.

Trong lúc đó, theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia thì hiện tượng ENSO được chuyển sang trạng thái ELNIno với xác suất trong khoảng 60-70% từ tháng 11/2018 đến những tháng đầu năm 2019. Theo đó, mùa mưa năm 2018 sẽ kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Như vậy, các hồ đập trên địa bàn Hà Tĩnh nói chung và hồ Kẻ Gỗ nói riêng đang nằm trong tình trạng trông chờ nguồn nước bổ sung hàng ngày. Và với việc những người làm công tác quản lí ở đây đặt hy vọng qua những đợt mưa rét cuối năm sẽ tạo ra những đợt mưa lớn  như thể “con chờ mẹ”!

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã chủ động lập kế hoạch tích nước cho hồ Kẻ Gỗ và các hồ chứa khác trong phạm vi quản lí vừa đảm bảo nước sản xuất vừa cấp nước dân sinh, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình trên và chủ động cân đối nguồn nước; tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mùa mưa từ ao hồ, sông suối, kênh rạch...

Bên cạnh đó, công ty còn chủ động phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan, tập trung tuyên truyền về tình hình nguồn nước, diễn biến thời tiết tới mọi tầng lớp nhân dân, để người dân tham gia tích cực vào việc bảo vệ hồ đập, và tiết kiệm nguồn nước một cách hiệu quả nhất.

 

Mực nước lòng hồ Kẻ Gỗ đang cạn kiệt (nhìn tổng thể) 

 

Ông Nguyễn Duy Hoàn - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết: “Lượng mưa đo được tại  hồ Kẻ Gỗ năm nay so với cùng kì 2017 là 1.189mm/ 2.085mm, chỉ đạt từ 40% đến 50% so với lượng mưa trung bình nhiều năm, bởi thế mực nước lòng hồ chỉ đạt 40% - 50% so với dung tích thiết kế.

Riêng công trình Đại Thủy nông Kẻ Gỗ, dự đoán cuối năm nay chỉ đáp ứng đủ tưới tiêu cho vụ Đông - Xuân, nhưng nếu không có nguồn nước tự nhiên bổ sung thì nguy cơ thiếu nước trầm trọng không đủ phục vụ tưới tiêu cho vụ Hè - Thu năm 2019 là rất có thể có khả năng sẽ xảy ra.

Trước tình hình đó, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cũng đã văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, UBND các huyện thị, thành phố liên quan đến phạm vi ảnh hưởng nguồn nước của Công trình đại Thủy nông Kẻ Gỗ và các hồ đập khác như hồ Sông Rác, đập Thượng Tuy... thuộc quyền quản lí của công ty, về nguồn nước phục vụ sản xuất năm 2019 của các hồ chứa.  

Trong đó, chú trọng tới công tác triển khai gieo cấy vụ Đông - Xuân phải đồng bộ về thời gian, không áp dụng biện pháp cấy thẳng, mà bắc mạ cấy sẻ giảm thiểu được 20% tổng lượng nước tưới cả vụ; hạn chế tối đa, thậm chí không cấp nước hồ đập để làm đất và gieo mạ; đắp bờ vùng bờ thửa đảm bảo giữ nước trong ruộng, tận dụng nước mưa để sản xuất; phối hợp với công ty áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm theo từng đợt và không tưới sâu chỉ tưới đủ nước cho lúa sinh trưởng bình thường; đắp các trục tiêu để tận dụng tối đa nguồn nước hồi quy trong hệ thống cho các chân ruộng thấp và bơm tát cục bộ”…

 

Những hòn đảo chìm trong lòng hồ Kẻ Gỗ đang nổi dần lên mặt nước 

 

Theo ghi nhận của PV báo Dân sinh, hầu hết các hồ đập chứa nước trên địa bàn Hà Tĩnh đều không đảm bảo dung tích theo thiết kế. Đặc biệt, hồ Kẻ Gỗ được ví như “Công trình xóa đói giảm nghèo thế kỉ của người dân xứ Nghệ”, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông nghiệp - nông thôn, và đem đến những lợi ích khác trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải tạo môi trường sinh thái, đời sống dân sinh khác cho cả khu vực được ảnh hưởng, gồm cả một phạm vi rộng lớn của phía Nam tỉnh Hà Tĩnh.

Đặc biệt, trong đó có thành phố Hà Tĩnh là trung tâm chính trị - văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh, một thành phố hết sức năng động có quy mô dân số cao và tập trung đang trên đà phát triển, không thể không có sự phục vụ của “nguồn sữa xanh” vô tận từ hồ Kẻ Gỗ.

Chính vì vậy, mọi tầng lớp nhân dân cần phải ra sức bảo vệ sự an toàn của công trình, đồng thời chung tay tiết kiệm sử dụng nguồn nước một cách tối đa, chính là đang bảo vệ cho chính mình.

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh