CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:01

"Hò giã gạo" - nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc của xứ Huế

Hò giã gạo đi đôi với công việc giã gạo, nhưng đến lúc hết gạo mà buổi hò còn hào hứng, các nghệ nhân dân gian vẫn tiếp tục buổi sinh hoạt hát hò. Hò giã gạo còn diễn ra trong những dịp đình đám, lễ hội ở trong làng xã hoặc liên làng xã. Tại kinh đô Huế, những thập niên ba mươi của thế kỷ 20 đã tổ chức nhiều buổi hò giã gạo có treo giải thưởng. Đây là những thời điểm sinh hoạt hò giã gạo tập hợp những tay danh hò trong tỉnh nhằm thi thố tài năng, nói khác đi là những sinh hoạt văn nghệ dân gian ở lĩnh vực nghệ thuật. Hò giã gạo cũng có hai hình thức như đã đề cập, hoặc là gắn liền với công việc giã gạo, hoặc mượn cớ giã gạo lấy nhịp để hò.

Thông thường, một cối hò có 4 (hay 6) nghệ nhân hình thành hai đôi hò đối đáp khác giới tính : một đôi nam nữ hò đâm bắt, một đôi nam nữ hò ân tình. Đôi hò đâm bắt thể hiện chủ đề trêu ghẹo, châm chích lẫn nhau, nghĩa là người này hò như đâm thọc, người kia bắt lấy ý để đáp lại. Đôi hò ân tình thể hiện chủ đề trữ tình, họ như là một đôi trai gái tỏ tình, tâm sự, bày giải tình cảm cho nhau. Lời hò rất đa dạng, hoặc có thể lấy từ ca dao dân ca, hoặc là tự ứng tác, miễn sao nội dung đối ứng với nhau là được. Một buổi hò giã gạo hoàn chỉnh, diễn tiến theo ba chặng: Hò mời chào, hò vào cuộc và hò từ tạ.

"Hò giã gạo", nét sinh hoạt văn hoá-nghệ thuật đặc sắc của xứ Huế  - Ảnh 1.

Tái hiện quang cảnh buổi hò giã gạo tại Fesival Huế

Hò mời chào có nội dung chiêu dụ nghệ nhân, chào hỏi khán giả và bạn bè cũng giống như lời thưa gửi khi khai mạc một buổi văn nghệ. Đây là chặng có tính chất nghi thức nên thường dành cho người lớn tuổi mở lời hò chào. Tuy nhiên, lời hò mời chào cũng có lúc do một người nam hay nữ xướng trước khi thấy các cối gạo còn thiếu tay : "Ai ơi đứng chi ngoài đường cho muỗi cắn đau chân/ Vô đây giã cầm chày gạo phân trần đôi câu". Nếu như ai đó cảm nhận được lời mời liền vào ngay, vừa bạo dạn nhưng cũng có chút rụt rè : "Thiếu tay nên phải cầm chày/ Xin cùng các bạn dở hay chớ cười". Khi các cối gạo đã đủ người, người đến xem đã đông thì : "Mở lời chào, tui xin chào làng, chào xóm, chào họ, chào hang/ Tui đây là kẻ qua đàng/ Thấy cái cảnh vui vào nhởi/ Chớ tui không dám luận bàn văn chương"…

Qua màn nghi thức hò chào hỏi thì buổi hò bắt đầu vào trung tâm buổi diễn (hò vào cuộc). Diễn tiến hò vào cuộc gay cấn nhưng chan chứa tình người, các cối gạo rộn rã mang nặng nghĩa ân tình, ứng xử thông minh sáng tạo, đối đáp linh hoạt "tuỳ cơ ứng biến" với điệu hò đâm bắt và hò ân tình: Đôi hò đâm bắt, bắt đầu bằng lối thử tài ứng xử của cô gái : "Nhàn cư vi bất thiện là anh/ Có không, không có thiên hạ cứ đồn quang rứa hoài". Sau phút ngập ngừng, chàng trai lên giọng : "Thế gian khẩu thuyết vô bằng/ Không mà nói có biết mầm răng đặng chừ". Hay, giọng một người nữ chì chiết : "Chi anh mà chính chính hầu hầu/ Sớm mai em đi ngang cửa ngọ, thấy anh ăn canh bầu trừ cơm". Chàng trai liền gỡ bí tài tình : "Anh ăn cháo gà, cháo vịt, cháo thịt bồ câu/ Buổi tháng năm khô hạn anh ăn canh bầu cho mát răng". Khi đã hiểu nhau đôi hò đâm bắt đến hồi hò hỏi và hò đố : Nữ : "Cây chi trên rừng không lá/ Con cá chi dưới biển không xương/ Trai nam nhi mà đối đặng thiếp kết nghĩa tao khương với chàng". Nam : "Cây xương rồng trên rừng không lá/ Con sứa dưới biển không xương/ Anh đà đối đặng em phải kết nghĩa cương thường với anh".

Cứ thế, cứ thế, đôi hò đâm bắt tiếp tục đối đáp cho đến khi kết thúc buổi hò. Còn phía đôi hò ân tình ? Xin hãy lắng nghe đôi trai gái giải bày tình cảm. Lời hò của người nữ thao thiết, ân tình làm sao : "Đêm năm canh em mơ màng bóng ngọc/ Ngày sáu khắc nhớ dạng thương thầm/ Nào ai nhắc tới người bạn tri âm/ Lá gan em khô từng chặng, ruột đau ngầm từng khi". Và người nam cũng có lời đáp lại cũng không kém nặng ân tình : "Sen xa hồ sen khô hồ cạn/ Lựu xa đào, lựu ngã đào nghiêng/ Anh xa em đêm thảm ngày phiền/ Cũng như Thúy Kiều xa Kim Trọng, giải mấy niên cho nguôi lòng". Ân tình đã chớm nở giữa bạn bè, giữa trai gái càng về sau càng sâu đậm hơn, càng tha thiết hơn. Đôi hò ân tình chuyển qua hò tuồng. Hò tuồng cũng nằm trong thể thức hò đối đáp, nhưng các bên hò đóng vai các nhân vật trong sự tích của một truyện dân gian hay một tác phẩm thành văn để đối đáp tình cảm với nhau. Vẫn là giọng của người hò nữ cất lên : "Chiếc xuyến vàng đưa người bạn ngọc/ Khăn vuông hồng xếp lại trao tay/ Số phận Kiều sống đọa thác đày/ Chốn Liễu Dương chàng Kim Trọng có hiểu nỗi này cho không". Và người nam lập tức hò đáp lại : "Xưa Kim Trọng trao trâm gửi quạt/ Mười lăm năm man mác nhớ thương/ Nay chừ Kim Trọng gặp lại Kiều thương/ Nhớ trâm quạt gửi chén rượu quỳnh tương thuở nào".

"Hò giã gạo", nét sinh hoạt văn hoá-nghệ thuật đặc sắc của xứ Huế  - Ảnh 3.

Sự gặp gỡ nào rồi cũng phải chia tay, những buổi hò hát cũng vậy, đã chia tay bao giờ cũng dùng dằng lưu luyến. Hò từ tạ thể hiện tâm trạng ấy trong niềm hi vọng tái ngộ trên những nẻo đường hò hát. Dù rất muốn cuộc hò kéo dài mãi, nhưng là phận nữ nhi nên thông thường người hò nữ chủ động với lời hò từ tạ : "Sao hôm đã lặn, sao mai đã mọc anh tề/ Em xin thôi lời hò nhân nghĩa để em về kẻo khuya". Và người nam thì tỏ ra còn luyến tiếc, còn lưu luyến với lời hò chia tay : "Trăng lên đến đó bạn tề/ Ta chưa nói chi được, bạn về bỏ ta". Nhưng người bạn nam cũng mát lòng mát dạ chia tay trong lời hò man mác của người nữ : "Ra về nhớ nghĩa em không/ Hay thuận buồm xuôi gió biệt mông xa chừng" …Tiếng chày giã gạo nhịp nhàng hòa lẫn với điệu hò rộn rã như thúc giục, như mời gọi trong đêm hè sau lũy tre xanh, dưới giàn hoa lý, ở sân đình, thể hiện cuộc sống người dân thôn quê yêu đời, yêu lao động, yêu quê hương làng xóm.

Ngày nay, ở Huế, hò giã gạo là một phần của ca Huế - ca trên thuyền rồng, giọng hò cũng bập bềnh trên sông nước Hương Giang vừa sáng tạo thêm lời thêm nhịp vừa áo xống xênh xang, lúc mệnh phụ, lúc phu nhân, lúc "áo the thâm ướt đẫm bài ngà". Đây đó ở một vài miền quê, trong những cuộc vui "Làng vui chơi, làng ca hát" vẫn đã vang lên những giọng hò man mác, trong đó có điệu hò giã gạo đầy nhớ, đầy thương. Mong sao xứ Huế mộng mơ sẽ có thêm nhiều hình thức, giải pháp hay để gìn giữ lấy cái di sản văn hoá-nghệ thuật độc đáo của xứ Huế cũng là gìn giữ lấy giá trị tinh thần vĩnh cửu của đất nước Việt Nam.

NGUYỄN THỊ THỌ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh