CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:45

Hà Nội chi 700 tỷ/năm để cắt cỏ: Tư nhân báo giá ''bèo''

 

Không thể tin vào con số 53 tỷ đồng

Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa tiết lộ số tiền phải bỏ ra để cắt cỏ ở đại lộ Thăng Long là 53 tỷ đồng, cho 24km.

Trước con số trên, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty TVS Hà Nội cho biết: "Giá thành để cắt cỏ tại các sân golf bình thường tính theo diện tích, dưới 100m2 là 5000đ/m2, trên 100m2 là 3000đ/m2, diện tích rộng hơn là 2000đ/m2. Riêng với sân golf, thì trung bình ngày nào cũng phải cắt, chăm sóc vì cỏ mọc cũng nhanh.

Nhưng thường thì các chủ sân golf thường thuê hẳn 1 nhân sự đảm nhận việc chăm sóc hàng ngày, hưởng lương theo tháng, cung cấp máy móc luôn thì giá thành rẻ, phù hợp chi phí phải bỏ ra.

Còn mức giá dành cho việc cắt cỏ tại các đại lộ, đường quốc lộ thì cũng ở mức 2000đ/m2, rẻ hơn so với cỏ sân golf vì dễ làm, không cần kỹ thuật cao. Nếu cắt cỏ, chăm tỉa cành cho 24km, bề rộng 1m thì mức giá cũng như vậy, nếu làm lâu dài thì mức phí sẽ rẻ hơn.

Các công ty tư nhân khó có "chân" vào làm các dự án nhà nước

Với đại lộ thì chỉ cần cắt theo định kỳ, 1 tháng cắt 1 lần, vì cỏ mọc cũng lâu, trung bình 15 ngày cắt 1 lần là cũng đã dày. Với 24km này chúng tôi chỉ cần 4-5 nhân công, làm trong 1 tuần, rồi lại luân phiên, nghỉ 1 - 2 tuần rồi lại cắt tiếp".

Trước con số Hà Nội chi 53 tỷ đồng để cắt cỏ 24km Đại lộ, ông Hưng rất bất ngờ, thậm chí không tin đó là con số thực.

Theo ông Hưng tính toán, thì bề mặt của Đại lộ Thăng Long khoảng 10m, thì nhân lên m2, 24km, rộng 10m, thì diện tích sẽ khoảng gần 240.000m2, tính với giá 2000đ/m2, như vậy, 1 lần cắt rơi vào khoảng 500 triệu đồng. 1 tháng cắt 1 lần thì cả năm cũng chỉ mất khoảng 5 tỷ đồng, đó là tính dôi dư, làm với hợp đồng dài hạn thì rẻ hơn.

Thế mà con số Hà Nội đưa ra lên tới 53 tỷ đồng có khi còn đủ để trồng cỏ, dọn cỏ, không thể tin đây là con số thực.

Trong khi đó, ông Trung, Giám đốc Cty TNHH Cảnh Quan Phương Trung (TPHồ Chí Minh) cho biết: "Mức giá dành cho việc cắt cỏ phát quang ngoài các đại lộ thì khoảng 1.500đ/m2, còn diện tích rộng hơn thì mức giá sẽ được giảm xuống khoảng 1.200đ/m2.

Với diện tích dài 24km, rộng 10m, thì mức giá sẽ là 1.200đ/m2, nếu làm thường xuyên với hợp đồng dài hạn, thì mức giá sẽ giảm còn 1000đ/m2. Như vậy, nếu 1 tháng cắt 1 lần thì giá sẽ là 280 triệu đồng/tháng, cả năm sẽ tầm khoảng 2,8 tỷ đồng. Nhưng nếu làm nhiều, thì công ty sẽ giảm xuống cho nữa, đảm bảo hợp lý".

Theo ông Trung, vì là công ty dịch vụ nên giá cả phải cạnh tranh, phải hợp lý thì mới có được đơn hàng.

Không có "chân"

Với mức giá khá cạnh tranh, rẻ hơn rất nhiều so với mức giá Hà Nội đang phải chi ra để cắt cỏ đại lộ Thăng Long, nhưng giám đốc 2 công ty dịch vụ cắt cỏ tư nhân cũng bày tỏ khó khăn là nếu không có quen biết, không có tay trong thì chắc chắn cũng không tham gia vào đấu thầu các dự án nhà nước.

Nói rõ hơn, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết: "Cái này không phải cứ nhận là được, vì đã có ê kip, cùng với nhiều nhân tố khác, không biết có bao nhiêu đơn vị cạnh tranh nhau. Hơn nữa, dù đấu thầu công khai cũng không nhận được thông tin, vì không đến được các DN.

Mặt khác, khi một người gọi thầu, chục đơn vị vào đấu thầu, thì họ cũng "nháy nháy" với nhau, bảo đơn vị được xác định bỏ giá nào thì sẽ được, đã có quan hệ làm việc với nhau từ trước. Thậm chí, họ cho vào đấu thầu nhưng lại hạnh họe xem anh có đủ năng lực không, vốn điều lệ ra sao, nói chung là rất khó khăn.

Vì thế, dù công ty của chúng tôi có giá thành hợp lý, nhưng cũng không có cửa để tham gia vào các gói thầu công trình lớn của nhà nước".

Theo ông Hưng, các công ty như NVS thì chỉ làm cho công ty tư nhân nhỏ bên ngoài, còn đấu thầu lớn thì không có cửa để vào. Đúng ra 1 - 2 năm trước giá cắt cỏ rơi vào 15 - 20.000đ/m2 là chuyện bình thường, nhưng hiện nay quá nhiều đơn vị cạnh tranh, chất lượng tốt nên giá thành cũng cạnh tranh theo, chấp nhận bỏ công lấy lãi.

Ông Trung, Cty TNHH Cảnh Quan Phương Trung cũng đồng tình ý kiến trên và cho biết, hiện nay, khó có thể chen vào được, mà có chen thì cũng mất 20-30% hoa hồng thì làm gì còn tiền để làm. Luật quy định là như vậy, nhưng họ công khai theo kiểu nào thì chỉ có họ biết.

Nói ngay như vụ cảng Ba Son - TPHồ Chí Minh đang được xây dựng, dự tính, báo giá đấu thầu mua sắt vụn khoảng 1600 tấn sắt vụn, nhưng khi bỏ thầu chỉ còn 1400 tấn sắt vụn, coi như bỏ 200 tấn. Giá họ dự tính đưa ra 15000đ/kg, tư nhân báo 10.000đ/kg không đậu, còn đơn vị được chỉ định báo 16.000đ/kg thế là được chọn.

Tất nhiên, họ phải đưa lên mạng, phải đưa ra công chúng, để minh bạch hóa vấn đề pháp lý, hành chính. Nhưng khi đấu thầu, thì chắc chắn họ sẽ tìm cách loại thầu, hoặc hồ sơ không hợp lý.

"Các dự án nhà nước là một khía cạnh khác, mình không thể tham gia vào được, trừ khi trong nội bộ chỉ thị cho mình làm, tham gia đấu thầu, chấm cho mình, thì mới mạnh dạn có hy vọng.

Chúng tôi chưa bao giờ nộp hồ sơ tham gia bất cứ dự án nào trong Sài Gòn, không phải tôi "chảnh" mà tôi biết khả năng mình được làm là rất thấp, nên không muốn tốn tiền, tốn thời gian", ông Trung nói rõ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh