CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:35

Hình tượng mèo trong văn hóa dân gian

Từ văn học dân gian

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, phần kể về sự tích các loài vật có rất nhiều truyện cổ tích đặc sắc về mèo như: “Sự tích con mèo”, “Sự tích mèo và chuột”, “Sự tích hổ và mèo”, “Mèo con bị ốm”, “Sự tích chó và mèo ghét nhau”, “Sự tích cáo và mèo”, “Chú mèo đi hia”…Tất cả đều là những câu chuyện ca ngợi bản tính cẩn thận, gọn gành, nhanh nhẹn, thông minh và đôi mắt tinh anh của mèo, mang đậm chất nhân văn, có nghĩa giáo dục sâu sắc.

“Đám cưới chuột” trong tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh).

“Đám cưới chuột” trong tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh).

“Sự tích mèo và chuột” kể rằng, vào thời xa xưa chuột vốn là một giống linh thiêng sống trên thiên đình (gọi là Thử thần), được Ngọc Hoàng thượng đế giao chìa khóa giữ kho thóc. Nhưng chuột khi nhận được chìa khóa cứ tự do mở kho và rủ nhau đến ăn thỏa thích làm hao hụt rất nhiều thóc. Ngọc Hoàng nổi giận đuổi xuống trần gian để giữ chìa khóa lẫm thóc của nhân gian. Chuột vẫn chứng nào tật ấy, lại mở lẫm thóc kéo nhau vào ăn, đến nỗi con người than rằng: “Chuột kia xưa ở nơi nào/ Bây giờ ăn lúa nhà tao thế này”. Con người xót thóc bị chuột ăn quá nhiều phải nhờ tới vua Bếp. Vua Bếp liền bắt chuột đem lên thiên đình tâu với Ngọc Hoàng về tội của chuột. Ngọc Hoàng nghe tâu, nói với vua Bếp, ta có một con mèo, cho ngươi đem xuống hạ giới, khi nào chuột ăn thóc lúa của nhân gian thì thả mèo ra cho nó bắt chuột. Khi nào mèo không muốn bắt chuột cứ bảo nó kêu “nghèo, nghèo, nghèo” chuột sợ tự khắc bỏ đi. Vua Bếp vâng lời, đem cả chuột và mèo xuống hạ giới. Từ đó mèo trở thành khắc tinh của loài chuột.

Tranh “Em bé ôm mèo” tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh).

Tranh “Em bé ôm mèo” tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh).

Hình ảnh mèo trong kho tàng ca dao, dân ca rất nhiều bài hay, có ý nghĩa giáo dục và mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Điển hình như bài “Con mèo mà trèo cây cau”, được nhiều người thuộc lòng và chắc chắn sẽ còn được lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác. “Con mèo mà trèo cây cau/Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/Chú chuột đi chợ đường xa/Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo”. Bài ca dao này trở thành khúc hát đồng dao của bao thế hệ trẻ em và là khúc hát ru mà dường như ai cũng được bà, mẹ hát ru từ thuở nằm nôi, từng đọc thuộc lòng. Bốn câu ca dao này có nhiều ẩn dụ, nhiều tầng ý nghĩa, nên có nhiều cách giải mã khác nhau. Nhưng đa phần đều cho rằng, bài ca dao với hình ảnh đẹp và cách hỏi thăm thân tình của mèo với chuột, cũng như câu trả lời đầy nghĩa cử của chuột với mèo cho thấy ở đây không hề còn mối quan hệ đối kháng sống - chết giữa mèo và chuột. Bài ca dao trở thành câu chuyện cảm động trong thế giới tâm hồn trẻ thơ về lòng nhân ái, chung sống thân thiện không hận thù giữa muôn loài. Rõ ràng lời bài ca dao dung dị, dễ hiểu, không triết lý cao siêu nhưng ẩn chứa tình ý sâu sắc, không chỉ để ru trẻ thơ mà còn nhằm cho người lớn suy ngẫm để giáo huấn con cháu. 

Đặc biệt, hình ảnh mèo xuất hiện trong tục ngữ, thành ngữ phong phú, với nhiều sắc thái ví von, ẩn dụ, ám chỉ khác nhau tùy từng đối tượng và cảnh huống trong đời sống xã hội. Để đề cập đến loại người vô tích sự, chưa học làm điều tốt mà đã nhiễm thói xấu, có câu tục ngữ: “Chưa học bắt chuột đã lo ỉa bếp”. Nếu muốn ám chỉ ai đó nói năng có giọng điệu gây phảm cảm khó chịu cho người khác, tục ngữ có câu “Chua như cứt mèo”; hay chê ai đó cất giấu vật gì đó kỹ càng thì có câu: “Giấu như mèo giấu cứt”… Khi muốn diễn tả cảnh ai từng trải qua những gian nan cực khổ mới biết thương kẻ khốn cùng, tục ngữ lại có câu: “Có ăn nhạt mới thương tới mèo”; còn nếu gặp ai quá đanh đá, ghê gớm không từ một thủ đoạn nào, có câu khuyên người khác đừng: “Mổ mèo lấy cá”. Những ai đã yếu đuối, khốn khổ lại gặp hoạn nạn, người ta đành ngậm ngùi: “Mèo què phải trận chó đòi”.

Với cách ăn từ tốn của mèo, cổ nhân có câu: “Ăn nhỏ nhẻ như mèo” để nói về nết ăn uống của người phụ nữ như ăn từng miếng một, uống từng ngụm một, được khen là có nết na, con nhà gia giáo. Nhưng ngược lại đàn ông mà ăn như mèo thì bị chê bai, cho là tật xấu, yếm thế, nên thành ngữ có câu: “Nam thực như hổ, nữ thực như miu” là vậy. Nói đến kẻ hà tiện, bủn xỉn có câu: “Buộc cổ mèo, treo cổ chó”, hay câu: “Chó treo, mèo đậy” nói về sự cẩn thận của những người thường treo thức ăn trên cao để tránh chó ăn và đậy thật kín để mèo không lục lọi, bới móc. “Chuột cắn dây buộc mèo” là câu khuyên lơn mọi người hãy thận trọng, đừng làm ơn cho kẻ hại mình (bởi mèo mà đứt dây buộc ra là vồ lấy chuột ăn thịt liền). Nói về sở trường riêng của mỗi người trong công việc, chưa chắc ai hơn ai, dân gian tế nhị nói: “Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào”. Từ công việc của mỗi loài: "Chó giữ nhà, mèo bắt chuột", dân gian khái quát ai cũng có nghề nghiệp chuyên môn của mình, đừng tị nạnh nhau và cũng đừng can thiệp vào việc của nhau.

Bức phù điêu “Mèo ngoạm cá” ở đình Đại Phùng (Đan Phượng, TP. Hà Nội).

Bức phù điêu “Mèo ngoạm cá” ở đình Đại Phùng (Đan Phượng, TP. Hà Nội).

Đến nghệ thuật hội họa, điêu khắc

Trên thế giới, từ thời kỳ cổ đại (khi con mèo được thuần hóa) cho tới nay mèo luôn là nguồn cảm hứng xuyên suốt của hội họa. Ở Ai Cập cổ đại, mèo được coi là vật linh được thể hiện trong các tác phẩm điêu khắc, hội họa. Đặc biệt, tại các lăng tẩm, hình ảnh mèo xuất hiện như một chi tiết trang trí trên những chiếc quách của các vị vua chúa. 

Ở nước ta, từ khi dòng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh) và Hàng Trống (Hà Nội) ra đời thì hình ảnh con mèo mới có dịp đi vào nghệ thuật hội họa, với nhiều bức tranh sinh động, hấp dẫn. Đặc biệt, với lịch sử phát triển gần 500 năm, tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh) trở thành sản phẩm văn hóa tinh thần đối với nhiều thế hệ người Việt Nam. Ngoài bức tranh “Em bé ôm mèo” (thuộc chủ đề tranh chúc tụng) được mọi người ưa thích mỗi dịp Tết đến xuân về, trong dòng tranh dân gian Đông Hồ còn có nhiều bức tranh mang tính ẩn dụ ám chỉ nổi tiếng khác. Trong đó có một bức tranh chỉ cần nhắc đến là mọi gia đình đều biết và yêu thích, đó là “Đám cưới chuột”- bức tranh có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc và nóng hổi tính thời cuộc xã hội.

“Đám cưới chuột” trong tranh Hàng Trống (Hà Nội) cùng nội dung với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), nhưng họa tiết có phần khác biệt.

“Đám cưới chuột” trong tranh Hàng Trống (Hà Nội) cùng nội dung với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), nhưng họa tiết có phần khác biệt.

Theo các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ, bức tranh “Đám cưới chuột” có từ khoảng 500 năm trước với nhân vật mèo béo tốt (nhân cách hóa) là đại diện cho tầng lớp thống trị, bóc lột trong xã hội (quan lại, cường hào), còn những chú chuột là hình ảnh ẩn dụ cho người nông dân lam lũ, thật thà, chất phác, thấp cổ bé họng. Nghệ nhân dân gian đã thổi hồi vào bức tranh, nhân hóa loài chuột để chúng mang dáng dấp con người thi cử đỗ đạt, rồi làm đám cưới, lấy vợ. Bức tranh có ý nghĩa châm biếm sâu sắc ở chỗ tiến sĩ chuột dù vinh quy bái tổ, cưới vợi, nhưng trong ngày song hỉ vẫn phải mang lễ vật (chim, cá) dâng lên “hối lộ” mèo. Với bố cục được chia làm hai phần, tầng trên là cảnh bốn con chuột dâng lễ (hối lộ) cho mèo, tầng dưới là cảnh đón dâu với tám con chuột, đám cưới chuột diễn ra tưng bừng đủ cả nhạc, kèn. Dù chuột là kẻ thù không đội trời chung, song mèo vẫn tỏ vẻ hài lòng với cảnh “ngựa chàng đi trước, kiệu nàng theo sau” của cô dâu chú rể chuột, vì đã nhận “hối lộ”. 

Tranh minh họa truyện cổ tích “Hổ và mèo”.

Tranh minh họa truyện cổ tích “Hổ và mèo”.

Trong nghệ thuật điêu khắc, hình tượng mèo được nghệ nhân dân gian chạm khắc nhiều trên những phù điêu trong những ngôi đình làng. Điển hình như phù điêu “Mèo ngoạm cá” ở đình Bình Lục (Quảng Ninh) có từ khoảng 200 năm trước. Đặc biệt ở đình Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (TP. Hà Nội) có hình tượng “Mèo ngoạm cá” được thể hiện rất lạ, độc đáo với thân co rúm lại, đôi tai vểnh lên, hai mắt trợn trừng trừng như đang cản giới đối phương, vì sợ tranh mất phần. Bức phù điêu có nét chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ rõ từng sợi ria mép, vành tai và con cá cũng được nghệ nhân gọt tỉa từng chiếc vẩy rất sinh động.

Lương Định

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh