Hình tượng con dê trong văn học xưa và nay
- Văn hóa - Giải trí
- 01:13 - 22/02/2015
Thì đấy, chỉ tại thịt dê ngon, nên mới có thành ngữ: “Treo đầu dê, bán thịt chó” để chỉ những hành vi gian dối. Trong văn hoá phương Đông, dê được chọn tượng trưng cho một trong 12 con giáp, trong văn hoá phương Tây, dê nằm trong 12 cung hoàng đạo với hình tượng ma kết. Dê được lấy làm đối tượng cho hàng trăm câu ngạn ngữ, tục ngữ, thành ngữ, ca dao sinh động, dân dã mà thâm thuý.
"Bán bò tậu ruộng mua dê về cày" mỉa mai cách thức làm ăn trái khoáy không biết tính toán hoặc việc bỏ vật hữu ích để chuốc lấy thứ chẳng ra gì. Còn "cà kê dê ngỗng" là nói về việc kể lể tản mạn, dài dòng huyên thuyên những chuyện lặt vặt, vớ vẩn. Câu thành ngữ "Máu bò cũng như tiết dê" nhìn nhận hai chuyện, hai sự việc, sự vật chẳng khác gì nhau mấy về các phương diện. Hay như câu tục ngữ: "Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng" là kinh nghiệm lựa chọn những hoạt động phù hợp với năng lực, hoàn cảnh.
Trẻ em Việt Nam mấy ai không thuộc bài đồng dao vui nhộn: "Dung dăng dung dẻ. Cho trẻ về quê. Cho dê đi học, Cho cóc ở nhà". Trong văn học dân gian nước nhà, còn có rất nhiều câu ca dao về con dê. Tuổi nhỏ ở nông thôn ai lại chưa từng một lần chơi trò “bịt mắt bắt dê” gắn với câu thơ:“Giả vờ bịt mắt bắt dêĐể cho cô cậu dễ bề sờ nhau”.Với trẻ con, trò chơi này là thú vui hồn nhiên, nhưng đối với các cô cậu thanh niên, thiếu nữ là một dịp để tiếp cận đụng chạm vui đùa với nhau.Dê cũng là hình ảnh tiêu biểu đi vào thơ văn, góp phần tạo nên những tác phẩm nổi tiếng thuộc nhiều thể loại và ở mọi thời đại. Trong án văn chính luận sắc bén chống giặc, Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn có câu: "Uốn lưỡi cú diều mà chửi mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ". Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu có câu: "Hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó".
Nhưng nhiều hơn cả, dê luôn được gắn với sự ham muốn quá độ của tính dục, sừng dê cái là biểu tượng cho sức sinh sản phồn thịnh, còn dê đực được tượng trưng cho sự sung mãn và ham muốn quá độ, dâm đãng. Cũng chỉ bởi trong thực tế, một dê đực có thể giao phối với cả đàn dê cái. Khi muốn nói một người nào đó có tính dâm đãng, người ta chỉ cần đơn giản gán cho một chữ “Dê” là xong. Nhiều nhất vẫn là chuyện người ta gắn con dê với những người có máu mê gái. Để nhắc nhở, cảnh tỉnh những gã “dê xồm” phải thận trọng không có ngày mang vạ, người ta nhắc:“Dê xồm ăn lá khổ quaĂn nhiều sâu rọm chết cha dê xồm”
Thậm chí người ta còn nguyền rủa rất nặng nề những gã quen thói sàm sỡ:“Phượng hoàng đậu nhánh sa kêThánh đâu không vật thằng dê cho rồi”Nói thì là vậy, nhưng trong thâm tâm, nhiều người, nhất là chị em vẫn thích lấy được ông chồng “dê” chỉ có điều đừng đi húc lung tung là được:
Lấy chồng phải chọn chồng dê
Bằng không ở vậy một bề cho xong”.
Nói về hình tượng con dê trong văn học không thể không nói đến hai câu thơ độc đáo bậc nhất của thi ca Việt Nam của bà chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương trong bài "Dạy làm thơ”:
“Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa”.
Chuyện rằng, tại thành Thăng Long xưa, cạnh hồ Tây, có quan nước tên là Cổ Nguyệt – hai chữ Hán này ghép lại thành chữ Hồ. Chủ quán là một cô gái xinh đẹp, tài hoa, nhất là tài văn chương, thơ phú. Và đó chính là nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Hàng ngày có không ít nho sĩ đi ngang quán, họ thường tỏ vẻ ta đây và thích buông lời trêu chọc nữ chủ quán.
Bọn học trò còn viết nhăng viết cuội lên tường, khiến nữ sĩ bực mình phải lên tiếng:“Dắt díu nhau lên trước cửa chiền,Cũng đòi học nói, nói không nên.Ai về nhắn bảo phường lòi tói,Muốn sống đem vôi quét trả đền”.
Đời nào các chàng nọ lại thôi ngay, họ thách Hồ Xuân Hương làm thơ để thử tài và thế là bị bẽ mặt:“Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơLại đây cho chị dạy làm thơOng non ngứa nọc châm hoa rữaDê cỏn buồn sừng húc giậu thưa”.Chả biết các chàng nho sĩ có học được cách làm thơ hay không, nhưng bài thơ không những đã thể hiện được tài năng cũng như phong cách châm biếm độc đáo của bà Chúa thơ Nôm mà còn tạo ra một hình tượng mới trong văn học – Dê cỏn.
Trước đây người ta chỉ biết có dê già, dê đực, dê núi, dê cỏ... thì nay lại có thêm một “giống” dê mới. Nó dành để chỉ những chàng trai trẻ hợm mình, tự cho mình là trí thức, giỏi giang nhưng thực tế là người hiểu biết nông cạn, tài hèn đức kém mà còn khoác lác, hợm đời. Ngoài ra, với phong cách làm thơ tục mà thanh, thanh nhưng vẫn có chút tục của Hồ Xuân Hương cũng có thể hiểu rộng hơn về một hành động dê dẫm của mấy anh chàng đang độ ngứa sừng.Tuy nhiên không phải lúc nào con dê cũng được gắn với biểu tượng tính dục. Dê còn được nhắc đến như một con vật nhỏ bé nhưng khôn ngoan và không hề yếu đuối.
Trong truyện “Dê và chó sói”, khi gặp dê đen, chó sói hỏi: - Sừng của mày để làm gì?- Sừng tao để húc mày.- Chân của mày thế nào?- Chân tao có móng sắc để đạp vào bụng mày.- Trái tim mày thế nào?- Trái tim tao không biết sợ.Và thế là chó sói hung ác phải bỏ đi. Câu chuyện giáo dục trẻ em rằng, dù nhỏ bé, và yếu hơn nhưng nếu gan dạ, không run sợ thì vẫn có thể chiến thắng kẻ thù mạnh hơn mình.Do điển tích vua Tấn Võ đế (Trung Quốc) thường dùng xe dê kéo đi mỗi đêm trong cung cấm, hễ dê dừng ở cửa phòng cung phi nào tức đêm ấy nhà vua sẽ ngủ với cung phi đó. Nên hàng trăm cung phi mỗi đêm tìm lá dâu non (loại dê háu ăn) đặt trước cửa phòng để xe dê dừng lại.
Nhưng không được vua đến tìm thú vui, người cung nữ cảm thấy cô đơn lạnh lẽo:
“Thâm khuê vắng ngắt như tờ
Cửa châu gió lọt rèm ngà sương gieo.
Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ
Dấu dương xa đám cỏ quanh co”.
(Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều)
Không chỉ sử dụng những đặc tính của dê để ẩn dụ về thói mê gái của các ông, một số bộ phận trên cơ thể dê cũng được sử dụng nhiều trong văn học như bộ râu dê chẳng hạn. Để tả một dê cụ, người ta viết:“Tuổi mùi là con dê chàCó sừng, có gạc râu ra um xùm”.Cũng có khi dê trong văn học được ví như sự hung hăng, ngốc ngếch.
Đó là hình ảnh hai con dê cùng đi qua một cây cầu, không con nào chịu nhường con nào và kết cục là cả hai đều bị rơi xuống sông. Đó là bài học về sự nhường nhịn nhau trong cuộc sống.Năm Ất Mùi đã tới, giờ đây con dê không còn là thứ quý hiếm để người ta phải thay bằng thịt chó. Dê đã trở thành con vật nuôi phổ biết giúp nhiều gia đình thoát nghèo, nhiều vùng quê trở nên trù phú.
Và mỗi buổi trưa, ở đâu đó giữa vùng thôn quê, đôi khi chúng ta lại được nghe lời ru ngọt ngào: “Ru em buồn ngủ buồn nghê Con tằm chín đỏ, con dê chín mùi (muồi) Con tằm chín đỏ để lại mà nuôi Con dê chín mùi làm thịt em ăn”.Con dê từ đời sống đã đi vào văn học như một hình tượng đẹp, đáng yêu.