Những ngày này, về các xã thuộc huyện Lục Nam và Lục Ngạn, Bắc Giang, hàng đoàn xe máy chở vải thiều cứ thế nối đuôi nhau nườm nượp trên đường. Vải thiều được người dân thu hoạch từ khi trời còn chưa sáng sau đó lại vội xếp lên xe máy chở ra nơi các thương lái tập kết.
Ghi nhận tại thị trấn Kim, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, không chỉ những người đàn ông mà có rất nhiều người phụ nữ gồng gánh chở sau xe hàng tạ vải qua sông, khiến cánh đàn ông cũng phải hãi.
Người dân nơi đây cho biết do thời gian thu mua chỉ diễn ra vào buổi sáng, tấp nập nhất trong khoảng thời gian từ 6h-8h sáng nên họ phải làm việc hết công suất để kịp thu hoạch và bán hết số vải trong vườn.
Do chưa xây dựng được cây cầu cứng, nên người dân các xã thuộc huyện Lục Nam phải chở vải qua chiếc cầu phao bập bềnh bắc qua sông để đến nơi tập kết vải tại thị trấn Kim, huyện Lục Ngạn. Quãng đường di chuyển gặp khó khăn nhất tại chiếc cầu phao này. Có những thời điểm tắc đường, xe chở vải của người dân phải xếp hàng dài từ bên này tới bên kia cây cầu.
Người dân nơi đây cho biết thời gian này đang vào vụ vải sớm nên hoạt động mua bán vẫn diễn ra bình thường, phải đến khi vào vụ vải muộn (cuối tháng 6, đầu tháng 7) mới đông vui, tấp nập.
Những tưởng công việc chở vải nặng nhọc, khó khăn chỉ có cánh đàn ông mới làm, tuy nhiên tại những chiếc cầu phao này rất nhiều người phụ nữ cũng làm công việc tương tự không thua kém ai. Trong ảnh là chị Nhài (thôn An Phú, xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn), trung bình mỗi buổi sáng chị chở từ 4-5 chuyến, mỗi chuyến vận chuyển khoảng 2 tạ vải xếp sau xe. "Vườn nhà tôi thu hoạch nhiều nên vừa thu hoạch tôi vừa phụ chở vải để kịp mang ra bán, chỉ bán được lúc buổi sáng nên phải tranh thủ. Mới đầu chở chưa quen thì mình chở ít, dần dần chở nhiều, đàn ông chở được thì chúng tôi cũng làm được", chị Nhài chia sẻ.
Còn đây là chị Thơm, người phụ nữ khiến cánh đàn ông cũng phải nể khi trên mỗi chuyến xe của chị lúc nào cũng chở khoảng 2,5 tạ vải. "Sáng giờ mới chở được 4 chuyến thôi đấy vì phải dậy từ 3h sáng bẻ vải xong mới chở ra đây bán, năm nào tôi cũng làm như vậy, cả năm có một mùa thu hoạch mà", chị Thơm cười.
Vừa dậy sớm bẻ vải, vừa chở qua sông để bán, những hình ảnh các chị em như thế này chẳng phải hiếm gặp mỗi khi mùa vải vào vụ.
Phía hai đầu của cây cầu có độ dốc lớn khiến việc di chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn, có những chuyến xe chở gần 3 tạ vải muốn lên được dốc phải nhờ đến sức của 2 thanh niên đỡ phía sau.
Anh Hùng, một thanh niên trong tổ đẩy xe cho biết, thời gian này chưa phải đông nhất, mỗi ngày 3 anh em trong tổ cũng đẩy được vài trăm chuyến. "Làm công việc này lúc nào người cũng ướt sũng như tắm, 3 anh em chúng tôi thay phiên nhau đẩy xe vải của mọi người lên dốc. Có những xe 2 tạ rưỡi như của chị Thơm kia thì một mình không thể lên nổi", anh Hùng chia sẻ.
Công việc mua bán chỉ diễn ra vào buổi sáng, nên người dân phải làm việc hết công suất để kịp bán cho thương lái.
Những người dân nơi đây cho biết, họ mong muốn sớm có cây cầu cứng để đi lại đỡ khó khăn.
Những người phụ nữ này tranh thủ bốc vác vải lên xe cho thương lái để kiếm thêm thu nhập.
Hai vợ chồng bà Trần Thị Bé (46 tuổi, thôn Lãng Sơn, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam) tranh thủ mùa vải làm công việc bốc vác kiếm thêm thu nhập. Mỗi sáng tổ làm việc của bà Bé xếp được từ 3-4 xe khoảng hơn 30 tấn vải.
"Một năm tranh thủ tháng này hai vợ chồng làm kiếm thêm thu hoạch, bình thường cũng chỉ làm ruộng rồi đi làm thợ xây, công chẳng được là bao. Mỗi xe chúng tôi xếp thế này khoảng 10 tấn vải, người ta trả tiền công theo số lượng vải, chúng tôi làm khi nào xếp đầy hết các xe rồi mới nghỉ", bà Bé chia sẻ.