Hình ảnh con Trâu qua ca dao
- Văn hóa - Giải trí
- 14:00 - 12/02/2021
Không có trâu, bò thì người nông dân không thể khai khẩn ruộng nương được. Thế cho nên việc tìm kiếm trâu, bò rất hệ trọng với họ và họ so sánh việc chọn trâu cũng là một trong những việc khó khăn trong đời như làm nhà, cưới vợ:
Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy lọ là khó thay
Hay câu:
Con trâu là đầu cơ nghiệp.
Thật vậy, trâu thay sức cho người trong công việc đồng áng. Từ buổi đầu lịch sử, khi dân ta biết trồng cây lúa nước, thì con trâu là người bạn thân thiết, gắn bó với nông dân. Tất cả đều phải cần cù làm lụng, hỗ trợ cho nhau để có miếng ăn:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruông, trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn
Con trâu đóng góp cho cơ nghiệp nhà nông rất nhiều, nhưng được trả ơn không bao nhiêu. Khi sống đã hết lòng tận tụy với chủ, lúc chết cũng bị chủ tận dụng, xẻ thịt, lột da… đem bán. Đúng là một con vật hiền lành và hữu ích từ lúc sống đến khi chết.
Con trâu có một hàm răng
Ăn cỏ đất bằng, uống nước bờ ao
Hồi sống mày đã thương tao
Bây giờ mày chết, cầm dao xẻ mày
Thịt mày tao nấu linh đình
Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa
Sừng mày tao tiện con cờ
Cán dao, cán mác, lược dày, lược thưa…
Trâu có thân hình thô kịch nhưng thật thà, ngoan ngoãn chịu sự điều khiển của con người, nếu không nói gần như trâu làm việc theo bản năng, mà không có sự thông minh.
Tuổi Sửu, con trâu kềnh càng
Cày chưa đúng buổi lại mang cày về
Song, tuy có bận rộn, vất vả trong những ngày mùa nhưng cũng có những ngày thong thả đứng bên bờ ruộng ăn cỏ tươi, hoặc nằm trong chuồng gặm bó rơm khô. Số phận con trâu và con người đồng cam cộng khổ:
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cáy, con trâu đi bừa
Nhà nông rất quý trâu, nó là một phần tài sản của họ. Cho nên, muốn đánh giá sự giàu, nghèo của họ người ta có thể nhìn vào số lượng trâu bò của họ nuôi thì tất biết:
Thằng bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu…
Tích chú Cuội là hình ảnh thật thà đến ngô nghê của những anh chàng thất học, chăn trâu đáng thương:
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn mạ, gọi cha ới ời!
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi cầu vồng
Trái lại, đối với những anh lái trâu thì không thể tin anh nào, anh nào cũng nghĩ đến quyền lợi của mình. Cho nên mới có câu:
Lái trâu, lái lợn, lái bè
Trong ba anh ấy, chớ nghe anh nào!
Và trong dân gian cũng có một sự so sánh mỉa mai:
Thật thà cũng thể lái trâu
Yêu nhau cũng thể nàng dâu – mẹ chồng
Nàng dâu – mẹ chồng là vấn đề xung đột muôn thuở, hiếm có bà mẹ chồng và nàng dâu thuận thảo. Nó đã trở thành một thứ thành kiến lâu đời trong gia đình. Tuy nhiên, cũng còn có thể dung hòa, cứu vãn, vì có luật bù trừ, quả báo:
Chàng dữ thì em mới rầu
Mẹ chồng mà dữ, giết trâu ăn mừng!
Đáng tiếc cho những cô gái vừa đẹp, vừa giỏi giang mà gặp phải ông chồng xấu xí, đần độn, miệng đời cũng có sự so sánh không mấy tốt đẹp như:
Con vợ khôn lấy thằng chồng dại
Như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu!
Không những chê chồng mà có người còn chê vợ thậm tệ
Thứ nhất vợ dại trong nhà
Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn!
Nhưng cũng có người lại cho đó là người vợ hiền, người vợ lý tưởng trong đời:
Vợ dại thì đẻ con khôn
Trâu chậm lắm thịt, rựa cùng chịu băm.
Bởi vậy, ta cũng nên trở về với cái vốn có của ta, với cội nguồn và đừng quá mơ mộng viển vông. Cái gì của mình có vẫn quý, vì nó là cái có thật, trong sáng, không ẩn chứa hào nhoáng, bẩn thiểu:
Trâu ta ăn cỏ đồng ta
Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm
Tuy nhiên, ngược lại cũng đừng quá an phận thủ thường và tự bằng lòng với cuộc sống hiện có mà không biết vươn lên còn khẳng định một cách buồn cười.
Ai bảo chăn trâu là khổ
Không, chăn trâu sướng lắm chớ!
Ngồi lưng trâu phất ngọn cờ lâu, miệng ta hát nghêu ngao…
Con trâu cũng là đề tài để cho người ta trêu chọc, giễu cợt với nhau một cách tình tứ trên những cánh đồng vào những ngày mùa.
Trâu kia cắn có bờ ao
Anh kia không vợ, đời nào có con?
Hoặc qua hình ảnh con trâu để gợi chuyện làm quen với các cô gái nông thôn tay lấm chân bùn mà trông thật có duyên:
Hởi cô cắt cỏ đồng mầu
Chăn trâu cho béo, làm giàu cho cha
Giàu thì chia bảy chia ba
Phận em là gái được là bao nhiêu?
Hay có những anh chàng đem của ra khoe khoang, hứa hẹn khoác lác với người đẹp.
Cưới em tám vạn trâu bò
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm
Để rồi, đến khi có vợ "Đêm nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi".
Hình ảnh con trâu qua ca dao cho thấy, con trâu tuy đứng thứ nhì trong 12 con giáp, nhưng lại đứng đầu trong cơ nghiệp nhà nông. Mặc dù, ngày nay máy cày, máy kéo xuất hiện nhiều trên các cánh đồng nhưng con trâu vẫn không bao giờ vắng mặt, trâu vẫn là bạn gắn bó với người…
Lao xao gà gáy rạng ngày
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu
Bước chân xuống cánh đồng sâu
Mắt nhắm, mắt mở đuổi trâu ra cày
Ai ơi, ăn bát cơm đầy
Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?
Không những vậy, hình ảnh con trâu còn xuất hiện khá phổ biến trong nghệ thuật tạo hình xưa. Chúng ta có thể gặp nó được chạm trên đá, trên gỗ của nhiều đình chùa, cũng được vẽ trên một số tranh cổ, đặc biệt là trên một số tranh Tết. Trong tranh Tết Đông Hồ, con trâu ngoài việc làm nhân vật phụ ở một số tranh truyện như Cờ lâu tập trận, Công việc nhà nông, Nghỉ ngơi sau buổi cày… thì còn là đồng nhân vật chính trong Em bé chăn trâu. Hai tờ tranh này (Em bé chăn trâu thả diều và Em bé chăn trâu thổi sáo) trước năm 1945 đã quá quen thuộc với mọi gia đình nông dân, ngày nay cũng rất quen thuộc với các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tầm và những ai thích chơi tranh dân gian.
Nhắc đến hình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hình, phần lớn mọi người đều nhanh chóng nhớ ngay đến bộ tranh Thập mục ngưu đồ, tức 10 bức tranh chăn trâu nổi tiếng trong Thiền tông, tương ứng với quá trình hành đạo của một người phát nguyện đạt Giác ngộ. Bộ tranh này cũng được xem là biểu hiện cô đọng nhất, trình bày tinh hoa của Phật giáo Đại thừa, được sáng tạo trong thời nhà Tống (960-1279) và ngay từ đầu đã được xem như những bức họa tiêu biểu, trình bày tinh hoa, cốt tủy của Thiền Trung Hoa.
Mặc dù có tài liệu cho rằng, có từ 4-6 bộ tranh chăn trâu khác nhau, nhưng nổi danh nhất và cũng bao hàm ý nghĩa nhất vẫn là bộ với 10 bức tranh của Thiền sư Khuếch Am Sư Viễn (1150), được lưu lại trong bản sao của họa sĩ người Nhật tên Châu Văn (1460). Một bộ khác với 6 bức tranh cũng thường được nhắc đến. Ban đầu, Thiền sư Thanh Cư chỉ vẽ có 5 bức nhưng sau, Thiền sư Tự Đắc (thế kỷ XII) vẽ thêm bức tranh thứ 6. Trong bộ này, con trâu dần dần trắng ra và cuối cùng thì trắng hoàn toàn, một biểu tượng cho chân tâm thanh tịnh, vô cấu. Riêng 10 bức tranh của Thiền sư Khuếch Am Sư Viễn được chú thích rất rõ và được nhiều người biết qua tập Thiền luận của Daisetz Teitaro Suzuki (bản dịch của Trúc Thiên và Tuệ Sĩ). Điển hình như ở bài tụng Cưỡi trâu về nhà (Kị ngưu quy gia) của Thiền sư Khuếch Am được Thích Thanh Từ dịch:
Cưỡi trâu thong thả trở về nhà
Tiếng sáo vi vu tiễn vãn hà
Một nhịp một ca vô hạn ý
Tri âm nào phải động môi à
Đối với người Việt Nam, theo Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng, hình tượng con trâu bằng đất nung đã được giới khảo cổ tìm thấy trong các di chỉ Tiên Hội, Đồng Đậu... có niên đại hơn 3.000 năm trước. Vật trang sức hình đầu trâu bằng đá quý, mài nhẵn bóng, đã tìm thấy ở di chỉ Đình Chàng - Hà Nội, cũng có tuổi trên dưới 3.000 năm. Trong 15 bộ lạc hợp thành nước Văn Lang của các vua Hùng có hẳn một bộ lạc mang tên Trâu. Giữa đêm trường Bắc thuộc, sách Giao châu ký (thế kỷ III) ghi lại hình ảnh trẻ mục đồng Việt Nam véo von thổi sáo trên lưng trâu trên đường thôn, ngõ xóm.
Vào thế kỷ XVII-XVIII, hình tượng con Trâu hiện diện khá nhiều trong tranh dân gian và điêu khắc gỗ đình làng. Đặc biệt, với dòng tranh Đông Hồ, người dân Việt cảm thấy gần gũi vì tranh lột tả những hình ảnh làng quê Việt Nam, mà trong đó, con trâu tượng trưng cho sự cần cù, chịu thương chịu khó, chất phác nhưng cao thượng với những nét ngộ nghĩnh chân quê lột tả được cái tinh nghịch tiềm ẩn trong mỗi người nông dã.