THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:40

Hình ảnh con chó trong văn học Việt Nam

 

“Ba con chó” - tác phẩm của họa sĩ Đặng Thị Dương.

 

Từ văn học dân gian…                  

Chó là một trong những loài động vật đầu tiên được con người thuần hóa cách đây hàng ngàn năm và là vật nuôi gắn bó trung thành với con người nhất. Trong châm ngôn Hán - Việt, chó được ví ngang hàng với sự chung tình của loài ngựa “khuyển, mã tư tình”.

Trong văn học dân gian, hình ảnh con chó từ bóng dáng, đến tiếng sủa âm vang của nó đã làm nên sự sinh động của làng quê Việt Nam bao đời nay. Chính vì thế nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ với hình ảnh con chó rất ấn tượng được dân gian khắc họa trong nhiều cảnh huống thật ấn tượng. 

Là con vật trung thành với chủ, không bao giờ phản chủ, dù chủ nghèo khó, nên có câu tục ngữ: “Con chẳng chê cha mẹ khó/ Chó chẳng chê chủ nghèo”.

Nói về bản năng, sự cần mẫn trong việc canh giữ nhà và trí nhớ tuyệt với của loài chó, tục ngữ có những câu: “ Chó giữ nhà, gà gáy sáng”; “Lạc đường nắm đuôi chó/ lạc ngõ nắm đuôi trâu”.

Từ xa xưa con người qua quan sát về tập tính và sinh hoạt của con chó mà dân gian đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm về sinh hoạt vật chất, cũng như tinh thần của mình, với những câu tục ngữ rất hay có tính dự báo về thời tiết, về thời vụ mùa màng, về cả cách chọn chó để nuôi: “Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa/ Chó khom lưng thì vãi cải, chó le lái vãi mè”; “Chó khôn tứ túc huyền đề, tai thì hơi cúp, đuôi thì hơi cong/”, hay “Nào ai buôn bán trăm bề/ Chẳng bằng nuôi chó huyền đề bốn chân”.

Trong ca dao hình ảnh con chó hiện lên thật thân thương với sự thông minh, luôn giữ nhà cho gia chủ một cách trung thành và kiên nhẫn, vì thế được gia chủ rất yêu quý.

“Chó đâu có chó sủa chỗ không/ Chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày”; hay: “Nhà em thách cưới một tràng khoai/ Củ to là để mời làng/ Còn như củ nhỏ họ hàng cùng xơi/ Bao nhiêu củ mẻ chàng ơi/ Để cho con chó ăn chơi giữ nhà”.   

Hình ảnh con chó nhiều khi cũng bị ví von với những hình ảnh xấu thiếu thiện cảm và thường gắn với những hoàn cảnh éo le trớ trêu, nghèo túng, nơi đất đai cằn cỗi hoang vu với những câu thành ngữ sinh động: “Chó cắn áo rách”; “Chó ăn đá, gà ăn sỏi”…

Khi nói đến những kẻ đê hèn, cơ hội, những kẻ nịnh bợ sẵn lòng cam chịu chờ chực nơi cửa quan để được ban phát chút bổng lộc bẩn thỉu, người xưa có câu: “Quăng xương cho chó cắn nhau”; “xuỵt chó bụi rậm”; “chó chực chuồng chồ”.

Nói về bản chất xấu xa, độc ác mất nhân tính của những người mẹ, hay những kẻ côn đồ hung hăng, gây sự lung tung khắp làng trên xóm dưới, với những thành ngữ: “Chó mẹ cắn con”; “chó cái bỏ con”; “chó càn cắn giậu”; “chó dữ cắn càn”.

 

Gia đình chó”, tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

 

... Đến văn học thành văn

Bước sang thời kỳ văn học viết (văn học thành văn), hình ảnh con chó đã xuất hiện và đi vào trong thi ca rất sớm. Trong bài thơ “Vô đề” ở phần đầu “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi đã có những câu thơ về con vằn (chó) thật ấn tượng, đa tầng ngữ nghĩa: “Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá/ Nhà quen xú xứa ngại nuôi vằn”. Hai chữ “xú xứa” của Nguyễn Trãi có nghĩa là xuề xòa, xuềnh xoàng, nhà đã vậy ông lại luôn mải lo tiếp khách “mây khách khứa, nguyệt anh em”, nên rất ngại nuôi vằn, vì sợ không có thời gian chăm sóc.

Đối với làng quê Việt Nam, từ lâu đời đã gắn với hình ảnh, âm thanh tiếng sủa của những con vằn, con vện, con khoang, con mực (ngày xưa người ta thường đặt tên con chó của nhà mình theo màu lông) và cũng đã đi vào thơ Nguyễn Khuyến rất tinh tế, sinh động. “Trâu già gốc bụi phì hơi nắng/ Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người”. Hai câu thơ toát lên cận cảnh buổi trưa hè hừng hực nóng ở thôn quê với những chi tiết thật độc đáo.

Nhà thơ Nguyễn Khuyến có khá nhiều câu thơ hay về chó, nhưng được lưu truyền nhiều nhất là hai câu thơ gắn với câu chuyện từ quan của ông. Chuyện kể rằng, có lần Tổng đốc Nam  Định thời ấy là Vũ Văn Báo, thừa lệnh chính quyền Pháp vời Nguyễn Khuyến đến nhà với thiện chí mời ra làm quan. Nguyễn Khuyến nhận lời tới nhà, nhưng cùng đi với người con cả là Nguyễn Hoan. Hai cha con vừa vào tới cổng dinh Tổng đốc thì gặp viên công xứ Pháp đi ra cùng với một con chó Tây to cao lừng lững vồ tới, Nguyễn Khuyến hốt hoảng đẩy người con trai cả ra chặn chó. Khi đã vào nhà an tọa trò chuyện với Tổng đốc Vũ Văn Báo, ông đã tức cảnh đọc hai câu thơ: “Chợt đến cửa ngươi gặp chó ngươi/ Kịp đưa con mỗ thay thân mỗ”. Tuy chuyện không rõ hư thực thế nào, nhưng gắn với vụ việc Nguyễn Khuyến khôn khéo từ quan ở ẩn và đưa con trai là phó bảng Nguyên Hoan ra tham chính thay mình là có thật. 

Thời thế đổi thay, số phận những con chó dường như cũng đổi thay, trong đó hình ảnh những con chó ngoại lai (chó Tây) ngày càng xuất hiện nhiều và rõ nét trong thơ ca Việt Nam, với nhiều ẩn ý, phê phán thâm thúy.

Trong bài thơ “Thăm bạn”, nhà thơ Võ Liên Sơn (1888 - 1940) có đoạn viết rất sâu cay về sự hãnh tiến, cơ hội của người từng là bạn thuở hàn vi. Ông viết, thấy chó coi như là biết chủ: “Lâu ngày đi thăm bạn/ Đến ngõ chó tuôn ra/ Những con to và béo/ Tiếng sủa như đồng loa/ Thấy chó biết nhà chủ/ làm ăn rày khá mà”.

Qúa trình phát triển của văn học viết ở vùng đất Nam bộ, hình ảnh con chó được đề cập khá nhiều, nhất là trong thơ ca. Nhà thơ đất Gia Định nổi tiếng Huỳnh Mẫn Đạt (1807 -1883), từng có những câu thơ đề cao công trạng của con chó, nhưng lại ký thác những tâm tư than thân trách phận ví mình giống như con chó già, hết thời oanh liệt. “Tuy rằng muông cẩu có âm ba/ Răng rụng lâu năm nó phải già/ Bởi đuổi hươu Tần nên mỏi gối/ Bởi lo khỉ Sở mới dùng da/ Không ai trấn Bắc ngăn bầy cáo/ Ít kẻ người Tây giữ đuổi tà/ Mạnh mẽ khi xưa còn hớn hở/ Bây giờ yếu đuối hết xông pha”.

Đặc biệt nhà thơ nổi tiếng đất Nam bộ Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), trong một bài thơ tả cảnh lũ lụt, đã mượn hình ảnh con chó ngồi xổm trên giường cao với ngụ ý thâm sâu để ám chỉ những kẻ tiểu nhân đắc chí trong quan trường mà vô cảm trước cảnh nước mất nhà tan: “Lổm xổm giường cao thấy chó ngồi”.

Nhà thơ Quang Dũng, tác giả bài thơ “Tây Tiến” bất hủ, khi Trung đoàn Thủ Đô rút quân khỏi Hà Nội, cũng đã ghi lại hình ảnh con chó gầy đầy xúc động: “Nhớ buổi Trung đoàn ta ra đi/ Dân ta gánh gồng cả cơ nghiệp/ Mái nhà trăm năm thôi để lại/ Lạc chủ chó gầy mắt hoang dại”.

Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa khi mới 9 tuổi đã có một bài thơ rất hay, với nhiều cung bậc cảm xúc về sự bỏ nhà ra đi của con cún sau trận máy bay Mỹ ném bom xuống cầu Phú Lương, chao đảo cả một vùng thôn quê, đó là bài “Sao không về Vàng ơi”.

Bài thơ ngay sau khi được đăng trên báo Văn Nghệ đã tạo được tiếng vang và được không chỉ bạn đọc nhỏ tuổi mà cả người lớn cũng yêu thích. “Tao đi học về nhà/ Là mày chạy xổ ra/ Đầu tiên mày rối rít/ Cái đuôi mày ngoáy tít/ Rồi mày lắc cái đầu/ Khịt khịt mũi rung râu/ Rồi mày nhún chân sau/ Chân trước chồm mày bắt/ Bắt tay tao rất chặt/ Thế là mày tất bật/ Đưa vội tao vào nhà/ Dù tao đi đâu xa/ Cũng nhớ mày lắm đấy”.

Có thể thấy, với Trần Đăng Khoa ngày ấy con cún thực sự là một người bạn luôn quấn quýt bên nhau, nên khi cún bỏ nhà đi, thần đồng thơ của chúng ta đã thảng thốt gọi tìm đầy day dứt và tha thiết: “Mày bỏ chạy đi đâu/ Tao chờ mày đã lâu/ Cơm phần mày để cửa/ Sao không về hả chó/ Tao nhớ mày lắm đó/ Vàng ơi là Vàng ơi”. 

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh