THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:51

“Hình ảnh cô Sáu mãi khắc sâu trong tâm trí tôi”

 

Chị Ngọc hồi tưởng lại chuyện về người cô ruột Võ Thị Sáu.

 

Như đã hẹn, chúng tôi tới nhà chị Võ Bích Ngọc, cháu gọi nữ Anh hùng Võ Thị Sáu là cô ruột, tại khu đô thị mới Khang Linh, phường 10, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu). “Tôi là con của anh trai cô Sáu, cha tôi thứ Năm. Lúc tôi sinh ra thì cô Sáu mất lâu rồi, nên không biết mặt, nhưng nghe nhiều người nói là gương mặt tôi khá giống cô Sáu, nhìn trong hình của cô thấy có vẻ cũng giống thiệt”, chị cười.

Ông Năm - ba chị Ngọc chính là người đã đưa cô em gái cùng tham gia cách mạng từ khi mới 12 tuổi. “Nghe ba kể rằng, hồi đó cô Sáu còn nhỏ xíu, thời gian đầu ba cứ rầy cô Sáu vì còn nhỏ mà đã hăng hái quá, sợ gặp nguy hiểm. Nhưng ít lâu sau, thấy cô lanh lẹ, được mọi người trong tổ chức yêu mến, nên ba đồng ý để cô đi theo cùng hoạt động. Rồi sau đó, cô được đưa vô đội võ trang, hoạt động rất sôi nổi cho đến ngày bị địch bắt”, chị Ngọc hồi tưởng lại câu chuyện mà ba mình đã kể.

Theo lời chị Ngọc, nếu đối chiếu với những câu chuyện từ ba và một số đồng chí đã từng hoạt động cùng ông và cô Võ Thị Sáu, thì không ít câu chuyện về cô Sáu được viết trên một số sách báo, tài liệu sau này không thật sự chính xác. Có không ít tình tiết được thêu dệt, khiến hình ảnh “cô Sáu” không thật đúng với “nguyên bản”.

“Ba kể rằng, hồi cô Sáu mới bị địch bắt, giam ở Đất Đỏ, gia đình vẫn đến thăm, biết được cô luôn giữ vững khí tiết, mặc dù bị tra tấn dã man nhưng quyết không khai báo nửa lời. Một thời gian sau, địch bí mật đưa cô ra Côn Đảo, và từ đó không ai còn gặp cô được nữa, cho đến ngày cô bị xử bắn. Phải khá lâu sau, khi tổ chức thông báo cho gia đình về việc cô Sáu hy sinh thì mọi người mới biết”, chị Ngọc chia sẻ.

Là lớp hậu duệ, sinh ra và lớn lên khi Anh hùng Võ Thị Sáu đã hy sinh từ trước đó khá lâu, nhưng chị Ngọc cũng như những người cháu khác trong gia đình họ Võ đều rất tự hào. “Tôi cũng đã từng được ra Côn Đảo, thăm mộ cô Sáu. Có một điều mà tôi rất ấn tượng, đó là không chỉ riêng người dân Côn Đảo, mà dường như rất nhiều người trên khắp đất nước đều rất yêu quý cô Sáu, không chỉ là tình yêu thương đối với một người Anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc, mà còn là một tình cảm mang tính tâm linh, rất khó lý giải. Đêm nào cũng vậy, cứ đến sau 22 giờ là từng đoàn du khách lại tấp nập đổ về Nghĩa trang Hàng Dương đến viếng mộ cô Sáu, mang theo rất nhiều lễ vật, và tất nhiên là rất nhiều những lời nguyện cầu, mong ước. Đó thực sự là một điều vô cùng đặc biệt, khiến tôi vô cùng xúc động xen lẫn tự hào”, chị Ngọc tâm sự.

Chị Ngọc hiện là chủ một cơ sở điện lạnh ở Vũng Tàu, cần cù làm ăn như biết bao người dân bình thường khác. Thế nhưng, ở khu phố nhiều người biết chị là cháu của chị Võ Thị Sáu, và họ dành cho chị một tình cảm đặc biệt.

Ngoài chị Ngọc, Anh hùng Võ Thị Sáu còn những người cháu là con của người em gái là bà Võ Thị Bảy, hiện sống ở Đất Đỏ. Bà Võ Thị Bảy đã mất hơn 10 năm nay, và con trai của bà chính là người đang chịu trách nhiệm thờ cúng người dì ruột của mình -Võ Thị Sáu. “Hàng năm, cứ đến dịp giỗ cô Sáu (tháng Giêng dương lịch), con cháu đều tụ hội rất đông. Mọi người cùng tưởng niệm cô, kể cho nhau nghe những câu chuyện mang tính hồi ức về cô Sáu, dặn dò nhau cùng sống cho thật tốt để xứng với truyền thống gia đình. Mặc dù mọi người đều làm những công việc khác nhau để kiếm sống, cũng có người khá vất vả, nhưng tất cả đều biết giữ gìn đạo đức, gia phong”, chị Ngọc cho biết.

Chia tay chúng tôi, chị Ngọc cười nhẹ, nói “cô Sáu luôn là niềm tự hào của gia đình, là tấm gương để con cháu noi theo”.

V. HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh