THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:45

Hiệu quả từ một nghị quyết

Nhớ lại thời điểm xuất phát, một cán bộ tỉnh xúc động: Thời điểm đầu năm 2011, Lai Châu là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 2 và cao hơn gấp 3 lần bình quân chung của cả nước, không chỉ vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm tới 46,78%; tổng số hộ cận nghèo trên 44 nghìn hộ, chiếm 58% tổng số hộ trên địa bàn. Việc thực hiện giảm nghèo gặp nhiều khó khăn do số hộ nghèo chủ yếu ở vùng nông thôn với tập quán canh tác truyền thống, lạc hậu, tư tưởng vẫn còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước.

Tháng 4/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU về giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011 – 2015. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, tỉnh ủy đã chỉ đạo việc tuyên truyền và triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp, sát với thực tế của địa phương, đơn vị. Công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh để cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác giảm nghèo, cơ hội, điều kiện thuận lợi để nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Trong công tác quy hoạch sản xuất, sắp xếp dân cư, tỉnh đã phê duyệt một số quy hoạch để phát triển nông nghiệp như: Quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2011 – 2020; quy hoạch phát triển vùng cao su đại điền tỉnh Lai Châu đến năm 2020; quy hoạch nuôi cá nước lạnh giai đoạn 2011 – 2020… từ đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đã đạt kết quả quan trọng, các chỉ tiêu sản xuất giai đoạn 2011 – 2015 cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Đến nay an ninh lương thực trên địa bàn cơ bản được đảm bảo, tổng sản lượng lương thực đạt 195.150 tấn, bình quân lương thực đạt trên 447kg/người/năm… Đến hết năm 2013 tỉnh đã hoàn thành xây dựng quy hoạch và phê duyệt Đề án 96/96 xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới và đến nay đã có gần 20 xã 19 tiêu chí.

Tỉnh cũng đã tập trung đầu tư thực hiện cứng hóa gần 900km đường giao thông liên xã, bản, nội bản, đường giao thông nội đồng. Hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất, nâng tỷ lệ tưới đạt 80% diện tích gieo cấy. Đến giữa tháng 6/2015 đã có 108/108 xã, phường, thị trấn được sử dụng lưới điện quốc gia; Số xã có trạm y tế đều được xây dựng theo tiêu chí quốc gia về y tế. Tỉnh cũng đã đào tạo 28.305 lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 30% năm 2010 lên 40,5% vào cuối năm 2015. Dự án 600 tri thức trẻ tăng cường về các xã với 45 đồng chí đã kịp thời tiếp cận công việc, cùng cấp ủy chính quyền xã điều hành tốt hỏa động của UBND xã, góp phần tích cực vào nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho nhân dân tại địa bàn.

Điển hình trong mục tiêu giảm nghèo bền vững la huyện Tam Đường. Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, huyện cũng ban hành Nghị quyết phân công các chi, đảng bộ khối cơ quan trực thuộc đảng bộ huyện giúp đỡ các bản đặc biệt khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo trên địa bàn. Qua 5 năm, huyện đã chỉ đạo hỗ trợ trên 3.000 lượt hộ nghèo, 659 lượt hộ cần nghèo, 514 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn tín dụng từ Ngân hành Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 103.000 triệu động; hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho trên 2.700 lao động; xóa nhà tạm cho 125 hộ từ nguồn quỹ vì người nghèo… và nhiều chương trình hỗ trợ người nghèo khác.

Ông Vương Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Lai Châu cho biết: Về cơ bản các kết quả đã đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra như giảm tỷ lệ hộ nghèo (mục tiêu giảm mỗi năm từ 3 – 4%, thực hiện giảm trung bình mỗi năm đạt 5,26%); giải quyết cơ bản vấn đề nhà ở cho hộ nghèo; tăng cường năng lực cho người dân và cộng đồng để phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư; tạo bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng nông thôn mới, lao động nông nghiệp còn dưới 65% lao động xã hội; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo tập huấn, huấn luyện đạt trên 40%, tạo việc làm mới cho 22.500 – 25.000 lao động.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tại kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021. Với mục tiêu tổng quát là thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin. Thực hiện các chính sách giảm nghèo gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh đặc biệt là các huyện, các xã biên giới.

Đồng thời, Nghị quyết xác định nhiều nhiệm vụ như: Đẩy mạnh công tuyên truyền nhằm nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ và người dân về giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo hiện hành; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo theo Đề án nghèo đa chiều của Thủ tướng Chính phủ; tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế, đặc biệt là ở các huyện nghèo, các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; tiếp tục tăng cường, luân chuyển cán bộ của huyện xuống một số xã đặc biệt khó khăn làm nhiệm vụ giảm nghèo, kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tại chỗ từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với cán bộ tăng cường cơ sở để động viên, khuyến khích cán bộ làm việc có hiệu quả, yên tâm gắn bó với cơ sở…

HUYỀN NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh