Hiệu quả từ mô hình trợ giúp nhau của người cao tuổi
- Dược liệu
- 21:53 - 15/12/2021
- Quảng Ninh triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
- Phát động chương trình nhắn tin Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam 2022
- Tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo
- Mái ấm ở chùa Phước Linh - Nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh
Mô hình sống vui, sống khoẻ, sống có ích
Nằm trong Hội Người cao tuổi của phường Phương Liên, CBLLTHTGN được thành lập tháng 7/2018 với nhiều thành viên thuộc các nhóm người cao tuổi, trung tuổi, trẻ tuổi, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo bà Ngô Thị Xuyến, chủ tịch Hội Người cao tuổi của phường, sự ra đời của CLBLHTTGN phường Phương Liên nằm trong đề án nhân rộng mô hình CLBLTHTGN của UBND TP. Hà Nội nhằm mục đích hỗ trợ người cao tuổi. Sau khi thành lập, các thành viên của ban chủ nhiệm CLB luôn là những hạt nhân đi đầu trong tổ chức các phong trào chăm sóc sức khoẻ, phát triển kinh tế, thể dục, dưỡng sinh, múa dân vũ, làm thơ… mang lại nhiều lợi ích, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các thành viên. Theo đánh giá của các hội viên, từ ngày được tập luyện và giao lưu với nhau, đời sống tinh thần, sức khỏe, tình làng nghĩa xóm được nâng lên rất nhiều.
Ông Vũ Minh Tân, chủ nhiệm CLBLTHTGN cho biết: “Với mục đích nhằm nâng cao sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của các thành viên, nhất là người cao tuổi. Ban chủ nhiệm CLB đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, hỗ trợ, cải thiện đời sống cho người cao tuổi ở cộng đồng dân cư, đặc biệt hướng tới người nghèo, cận nghèo và khó khăn, góp phần thực hiện thành công chương trình Hành động quốc gia về Người cao tuổi. Phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng về công tác chăm sóc, đề cao vai trò người cao tuổi trong xã hội”.
Để hoạt động hiệu quả, CLB đưa ra quy chế hoạt động cụ thể, trong đó đề ra 8 nội dung cụ thể gồm:
- Tổ chức các hoạt động kinh tế giúp tăng thu nhập cho cho hội viên
- Chăm sóc sức khoẻ hội viên
- Chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho hội viên
- Trợ giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng
- Chăm sóc đời sống văn hoá tinh thần cho hội viên
- Nâng cao quyền và lợi ích của người cao tuổi
- Vận động nguồn lực hỗ trợ các hoạt động của hội
- Nâng cao nhận thức, kiến thức của người cao tuổi
Theo đó, ban chủ nhiệm CLB thành lập nhóm, tổ phù hợp theo năng lực và địa bàn sinh hoạt cũng như trình độ chuyên môn của từng người để phụ trách các nhóm gồm: tư vấn phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xây dựng quỹ vốn, tự giúp nhau giảm nghèo bền vững, trợ giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng.
Trong quá trình hoạt động, CLBLTHTGN luôn tổ chức các buổi sinh hoạt theo các mảng nội dung như: Truyền thông về quyền và lợi ích, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi; tư vấn chăm sóc sức khỏe và phổ biến các bệnh thường gặp ở người cao tuổi cùng cách thức phòng ngừa… tổ chức thăm khám, kiểm tra sức khoẻ cho các thành viên định kỳ 2 lần /năm. Qua đó giúp ngăn ngừa, kiểm soát các bệnh của người cao tuổi, bổ sung kiến thức về chăm sóc, điều trị cho người cao tuổi.
Lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, tổ chức tham quan các địa điểm văn hoá, lịch sử truyền thống được diễn ra thường xuyên, giúp gắn kết, động viên tinh thần các hội viên sống vui, sống khoẻ, sống có ích…
Giúp nhau phát triển kinh tế, cải thiện đời sống
Là một trong số ít những CLB liên thế hệ được thành lập sớm nhất và hoạt động hiệu quả trên địa bàn TP. Hà Nội, CLBLTH phường Phương Liên đã được CLB Người cao tuổi TP. Hà Nội hỗ trợ, tổ chức tập huấn phát triển mô hình kinh tế do các chuyên gia giúp đỡ.
Phát huy những kiến thức được học, ban chủ nhiệm CLB đã cùng các thành viên nghiên cứu, triển khai nhiều hoạt động cụ thể như làm giá đỗ, trồng khoai tây, trồng rau sạch tại nhà. Đặc biệt là sản phẩm nước rửa chén bát được làm từ 100% thảo dược, không có phụ gia hóa chất được nhiều người tin dùng và đánh giá cao. Từ những hoạt động trên đã giúp tăng thu nhập cho nguồn quỹ cũng như thu nhập cho các thành viên trong CLB.
Là một trong những thành viên được vay vốn từ CLBLTHTGN, chị V.T.H cho biết: “Từ ngày tham gia CLB tôi cảm thấy rất vui và có ích khi được học hỏi nâng cao kiến thức, được chăm sóc sức khoẻ và đời sống tinh thần. Đặc biệt, nhờ được vay vốn 5 triệu đồng từ CLB, cùng với nguồn vốn tích lũy, tôi đã mở rộng dịch vụ cho thuê cốt pha xây dựng. Cuộc sống của gia đình tôi dần ổn định, bản thân cũng tự tin hơn rất nhiều”.
Với vai trò là chủ nhiệm CLBLTHTGV, ông Vũ Minh Tân luôn đi đầu trong các hoạt động của CLB, cùng với những kiến thức được học từ các đợt tập huấn, ông tự nghiên cứu, thử nghiệm và dự kiến sẽ đưa ra nhiều sản phẩm ra thị trường trong thời gian tới. Ông phấn khởi chia sẻ: “Hiệu quả từ mô hình phát triển kinh tế đã giúp chúng tôi hỗ trợ cho 35 hội viên được vay vốn với lãi suất thấp từ ngồn vốn của CLB để phát triển sản xuất, giải quyết khó khăn tạm thời”.
“Trong số gần 70 hội viên, chỉ còn gần 8% hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phấn đấu để giúp đỡ các hội viên này thoát nghèo”- ông Tân nhấn mạnh.
Đánh giá kết quả sau 3 năm đi vào hoạt động, bà Ngô Thị Xuyến nhận xét: ‘Bằng tâm huyết, trách nhiệm vì tập thể, Hội người cao tuổi và CLBLTHTGN của phường đã thường xuyên phối hợp, thực hiện hiệu quả các nội dung đề ra về công tác chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng người cao tuổi. Mô hình kinh tế hỗ trợ, giúp nhau thoát nghèo mang lại hiệu quả cụ thể, được các hội viên tin tưởng và đánh giá cao về tính linh hoạt, luôn đặt lợi ích của hội viên lên hàng đầu.
Ngoài ra, các hoạt động thiện nguyện và công tác xã hội như tặng quà, nấu cháo từ thiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn, các cháu thiếu nhi tại bệnh viện trên địa bàn, hay tổ chức vận động người dân tham gia các hoạt động quét dọn vệ sinh đường phố, khu dân cư là những việc làm được Hội và CLB tổ chức thường xuyên”.
Có thể khẳng định, mô hình CLBLTHTGN đã góp phần một phần vào công tác chăm sóc sức khoẻ, tinh thần, vật chất cho người cao tuổi, đồng thời đề cao vai trò của người cao tuổi trong cộng đồng dân cư. Đây cũng là mái nhà chung để tăng cường sự gắn bó, đoàn kết giữa các thế hệ trong gia đình và cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng địa bàn dân cư ngày càng giàu đẹp, văn minh