THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:14

Thanh niên làm giàu: Hiệu quả lớn từ nguồn vốn nhỏ

.

Sử dụng vốn vay đúng mục đích

Trời đã nhá nhem tối, Hà Văn Cường (xã Kiệt Sơn, huyện miền núi Tân Sơn, Phú Thọ) vẫn cố chở nốt mấy chuyến gạch cho một số hộ trong xã. Mồ hôi lăn dài trên má, anh chia sẻ: “Vất vả chút nhưng vui. Có việc làm nên tay chân chẳng muốn nghỉ, nhiều khi em làm quên cả ăn”! 

Là một trong những thanh niên được vay 100 triệu đồng trong vòng 2 năm với lãi suất thấp từ Chương trình vốn 120, Hà Văn Cường đã đầu tư xưởng gạch không nung. Hiện nay, mỗi tháng xưởng gạch của anh cung cấp 3 - 4 vạn gạch cho thị trường, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/ tháng, có tháng lên tới 5 triệu đồng. Mới đây, Cường quyết định đầu tư trồng thêm 1,5 ha chuối cao sản và dự kiến sẽ có khoản thu đáng kể.

Anh Nguyễn Văn Tuynh (đứng thứ 2 từ phải qua trái) giới thiệu về mô hình kinh tế gia đình.

Ðến thôn Vĩnh Trung (xã Ðại Áng, huyện Thanh Trì), các cán bộ Thành đoàn Hà Nội đưa chúng tôi đến gặp anh Nguyễn Văn Tuynh, người có nhiều xưởng sản xuất với doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm. Sinh ra trong gia đình có 5 chị em, vì điều kiện khó khăn, anh Tuynh chỉ học hết bậc THPT rồi đi làm cho xưởng mộc của nhà chị gái.

Anh luôn trăn trở khi thấy những mẩu gỗ thừa bị vứt bỏ đi lãng phí. Miệt mài 5 năm vừa học nghề gỗ, nghề tiện, anh Tuynh có ý tưởng dùng những mẩu gỗ thừa để tạo hạt, kết chiếu hạt gỗ, đệm lót ghế ô-tô.

Năm 2012, anh Tuynh mở xưởng gỗ của riêng mình với số tiền 30 triệu đồng. Khi bắt tay vào làm, anh nhận ra rằng, số tiền có được quá ít để thành công. Sau một năm làm ăn không hiejeu quả, anh Tuynh quyết định vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất.

Là Bí thư Chi đoàn thôn Vĩnh Trung, anh Tuynh đã biết đến chương trình vốn vay 120 với mức lãi suất thấp và niềm vui đã đến khi anh được Thành đoàn Hà Nội cho vay 300 triệu đồng. Có vốn, Tuynh khẩn trương đầu tư thêm máy móc, nhà xưởng, thuê thêm nhân công. "Chế biến hạt gỗ thô hiệu quả kinh tế không cao, nên tôi quyết định mua máy móc hoàn thiện sản phẩm và tự đứng ra nhận đơn hàng về làm.

Đến nay anh Tuynh có hơn 20 xưởng sản xuất đồ hạt gỗ trên địa bàn các huyện Thanh Trì, Thường Tín, mỗi năm doanh thu hơn 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 100 lao động, trong đó phần lớn là đoàn viên, thanh niên với mức thu nhập ổn định từ 3- 6 triệu đồng/người/tháng.

Từ Chương trình vay vốn 120 đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Từ Chương trình vay vốn 120 đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Vốn cho vay tăng đều qua mỗi năm

Theo Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn cho biết, tổng mức cho vay vốn 120 tăng đều quá các năm. Trong đó, năm 2012 là hơn 63 tỷ đồng, trong hạn cho vay là gần 49 tỷ đồng/1.122 dự án, giúp 2.635 lao động được thụ hưởng; cho vay cơ sở sản xuất kinh doanh 299 dự án, thu hút 1.913 lao động; cho vay theo hộ phụ thuộc vào các tổ tiết kiệm và vay vốn là 823 hộ.

Năm 2013 có tổng mức cho vay là hơn 66 tỷ đồng với trong hạn cho vay là gần 47 tỷ đồng/917 dự án, giúp 2.313 lao động được thụ hưởng (cho vay cơ sở sản xuất kinh doanh 283 dự án và cho vay theo nhóm hộ là 583 dự án); năm 2014, Trung ương Đoàn được bổ sung nguồn vốn mới là 3 tỷ đồng và được phân bổ cho 17 tỉnh, thành Đoàn, như: Vĩnh Phúc, Điện Biên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Bình Định, Hà Tĩnh, An Giang …

Tính đến ngày 31/12/2014, tổng mức cho vay vốn giải quyết việc cho thanh niên là hơn 69 tỷ đồng, trong đó vốn trong hạn cho vay là hơn 60 tỷ đồng/897 dự án, có  2.923 lao động được thủ hưởng (cho vay cơ sở sản xuất kinh doanh 344 dự án và cho vay theo nhóm hộ là 553 dự án).

Những dự án vay vốn 120 đã và đang được triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong đó nổi lên một số gương điển hình tiên tiến: Anh Lê Phát Hậu (ấp 5, xã Phương Đông, huyện Cần Đước, Long An) thực hiện dự án mở rộng quy mô sản xuất đan giỏ thủ công, số vốn được vay 185 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 20 lao động; anh Bạch Đình Thi (xóm Làng Lê, xã Động Đạt, Phú Lương, Thái Nguyên) vay 280 triệu để mở rộng trang trại nuôi rắn, thu hút 15 lao động; anh Phạm Hồng Thắng (ấp 5, xã An Thái, huyện Phú Giao, Bình Dương) với dự án đầu tư con giống vào chuồng trại nuôi bò thịt ở Nông trường TNXP tỉnh Bình Dương, được vay 300 triệu đồng, thu hút 15 lao động …

Phó Trưởng Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn Trần Hương Thảo cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của nhiều đoàn viên thanh niên, năm 2015, kênh vốn vay của Trung ương Đoàn tiếp tục được bổ sung nguồn vốn mới là 3 tỷ đồng, nâng tổng mức cho vay lên đến hơn 72 tỷ đồng, sẽ đáp ứng nhiều hơn nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của đoàn viên thanh niên, góp phần giải quyết việc làm và giúp các lao động trẻ làm giàu chính đáng. 

Nguyễn Síu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh