Hiểu lầm về canxi và bệnh loãng xương
- Sức khỏe
- 13:43 - 15/11/2018
Ảnh: Hawaii Pacific Health.
Canxi là dưỡng chất cần cho cơ thể song không phải ai cũng biết cách dùng đúng. Dưới đây là những hiểu lầm thường gặp về canxi do People liệt kê.
Uống canxi không gây loãng xương
Thiếu canxi chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến loãng xương, vì vậy chỉ bổ sung canxi đơn thuần không thể phòng chống hoàn toàn căn bệnh này.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh loãng xương có thể do nội tiết tố cơ thể, chế độ ăn thiếu canxi và vitamin D, không tập thể thao hoặc một số thói quen xấu như nghiện thuốc lá, nghiện rượu, uống nhiều cà phê.
Nếu mắc bệnh loãng xương, bạn nên tìm hiểu rõ nguyên nhân sau đó thực hiện các bước điều trị tương ứng, không nên tùy tiện bổ sung canxi.
Ăn canh xương hầm sẽ phòng chống loãng xương
Một số người quan niệm “ăn gì bổ nấy”, cho rằng ăn canh xương hầm có thể bổ sung canxi chống loãng xương. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, canxi là chất khoáng không hòa tan trong nước. Ngay cả khi được nấu ở nhiệt độ cao, canxi trong xương hầu như không tiết ra nước canh hầm.
Hơn nữa, canh xương hầm cũng không hề chứa vitamin D giúp thúc đẩy sự hấp thụ canxi. Quá trình hầm xương chỉ khiến chất béo trong xương tiết ra nên nếu ăn nhiều dễ gây mỡ nhiễm máu, tăng axit uric máu.
Thanh thiếu niên không mắc bệnh loãng xương
Loãng xương không chỉ xuất hiện ở người già mà cả đối tượng thanh thiếu niên cũng có nguy cơ mắc phải. Một số trường hợp người trẻ bị bệnh loãng xương không rõ nguyên nhân hoặc loãng xương thứ phát do các loại bệnh và thuốc. Các thói quen xấu của thanh thiếu niên như hút thuốc, uống rượu cũng làm tăng nguy cơ loãng xương.
Lượng canxi trong máu không liên quan đến loãng xương
Lượng canxi trong máu khác với lượng canxi trong xương. Nếu canxi máu xuống thấp, cơ thể sẽ chuyển lượng canxi dự trữ từ xương vào máu, gây ra nguy cơ loãng xương. Tuy nhiên, lượng canxi trong máu không hề bị ảnh hưởng ngay cả khi xương bị gãy.
Chỉ chấn thương mới dẫn đến gãy xương
Một số bệnh nhân bị gãy xương mới biết mình mắc bệnh loãng xương nghiêm trọng. Trên thực tế, khi loãng xương ở mức độ nặng, chỉ cần vận động mạnh hoặc nâng vật nặng cũng đủ gây gãy xương. Các vết nứt nhẹ có thể để lại hậu quả nghiêm trọng nên người mắc bệnh loãng xương cần chú ý kiểm tra để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bổ sung canxi có thể gây sỏi thận
Nhiều người cho rằng bệnh nhân bị sỏi thân nên hạn chế bổ sung canxi vì canxi dễ tích tụ gây sỏi thận. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Mỹ chỉ ra những người thực hiện chế độ ăn giàu canxi giảm tới 35% sỏi thận so với những ai ít ăn canxi. Đó là do nguyên nhân gây sỏi thận không phải hấp thụ quá nhiều canxi mà rối loạn chức năng chuyển hóa canxi trong cơ thể. Canxi trong xương giảm nhưng lượng canxi trong máu và mô mềm tăng lên dẫn đến dư thừa cũng có thể gây ra các bệnh như sỏi thận, xơ cứng động mạch.