Sự thật về thông tin uống sữa sẽ bị loãng xương
- Sức khỏe
- 00:23 - 21/02/2016
Bài viết của TS.BS Trần Bá Thoại, một chuyên gia trong lãnh vực nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa, sẽ thông tin cho chúng ta rõ ràng hơn về vấn đề này…
Từ những bài báo gây chấn động
Trên vài trang mạng trong và ngoài nước, chúng ta có thể gặp vài bài báo “tố khổ” sữa với những cái tít “giật gân” như: “Vạch trần huyền thoại và sữa: Tại sao sữa lại không tốt cho xương và bản thân bạn”; “BS Harvard: Muốn không loãng xương, ngừng uống sữa!”; “Sữa làm cạn kiệt lượng canxi từ xương của bạn”….
Với những cái tiêu đề như thế, ai cũng hiểu người ta lên án sữa vì những bất lợi do nó gây ra và khuyến cáo không nên tiếp tục sử dụng.
Những thông tin khoa học chính thống nói gì?
* Sữa có giá trị dinh dưỡng cao
Trong dinh dưỡng học, sữa được đánh giá là thức ăn tốt nhất và được xếp vào trung tâm của ô vuông thức ăn (food square) của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đang được sử dụng rộng rãi để thông tin, giáo dục sức khỏe hiện nay.
Theo Bảng thành phần dinh dưỡng thức ăn của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, sữa có thành phần như sau: Trong 100 gam sữa bò tươi: năng lượng 74 kcalo, đạm protein 3,9 gam, chất béo 4,4, đường carbohydrate 4,8 gam, cholesterol 30 mg, calci 120 mg, phospho 95 mg, sắt 0,1 mg, natri 380 mg, beta-caroten 22 mcg, vitamin A 50mcg, vitamin B1 0,05mg, vitamin C 1,0 mg.
So với sữa mẹ, thức ăn tối ưu nhất cho con người, thì sữa bò có “yếu điểm” là lượng chất béo nhiều gấp đôi và có thêm cholesterol. Do đó, với trẻ nhỏ dưới 6 tháng, và người già nếu cần bổ sung nên dùng sữa công thức 1, sữa tách béo (bơ) để dễ tiêu hóa hơn. Bù lại, lượng đạm, calci trong sữa bò lại nhiều hơn sữa mẹ.
*Sữa rất tốt cho xương
Rất nhiều nghiên cứu lâm sàng dài hơi, đa trung tâm cho thấy: (1) uống sữa dẫn đến một sự cân bằng canxi dương, canxi được hấp thu nhiều hơn bị bài tiết ra ngoài, (2) phosphate trong sữa làm tăng khả năng hấp thu canxi và cải thiện sức khỏe của xương.
Nghiên cứu trên phụ nữ mãn kinh ở Hàn Quốc và Hoa Kỳ cho thấy, nếu tăng mức độ uống sữa nguy cơ loãng xương giảm rõ rệt. Do đó, tăng sử dụng sữa đồng nghĩa làm giảm nguy cơ bị loãng xương và sức khỏe của xương tốt hơn.
* Sữa giúp phát triển chiều cao, trí não
Các nghiên cứu Nhật Bản cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của con người gồm: chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%, vận động thể dục thể thao chiếm 20%, môi trường tâm lý và xã hội chiếm 16% và yếu tố chủng tộc di truyền chiếm 23%.
Vào thập niên 40 của thế kỷ trước, chúng ta thấy người Nhật rất thấp, đến mức được ghép thêm tính từ lóng Nhật “lùn”. Do đó, Minh Trị thiên hoàng đã đề xuất chăm sóc dinh dưỡng qua chương trình Sữa học đường nhờ đó chiều cao của người Nhật hiện nay chẳng thua kém gì người châu Âu. Bắt chước Nhật Bản, hiện nay chương trình Sữa học đường đã được nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam ta đang triển khai, áp dụng.
Đôi điều bàn luận
Từ thời xa xưa, con người đã biết dùng sữa tươi để làm đẹp, sữa tươi chứa đạm, béo, chất khoáng... giúp cơ thể phát triển, làm mịn da, tăng sức đề kháng.... Các mỹ nữ trong cung đình ngày xưa còn ngâm mình trong bồn tắm đầy sữa tươi và phụ nữ hiện nay hay dùng các loại dịch, kem dưỡng da có sữa cũng với tác dụng ấy.
Sữa, vitamin D và các chế phẩm có Calci là những thực phẩm bổ sung không thể thiếu trong khẩu phần ăn của người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh để ngăn ngừa loãng và gãy xương.
Vấn đề cần lưu ý là chất lượng sữa. Theo Bộ NN&PTNT, tổng sản lượng sữa tươi hiện nay chỉ đáp ứng được 22% nhu cầu, 78% còn lại phải dùng sữa bột hoàn nguyên. Trong công thức sữa hoàn nguyên, thành phần nước chiếm 86-87%, các thành phần vật chất khô chiếm 12-13%, chủ yếu là bột sữa gầy (bột sữa tách béo), đường, phụ gia và các khoáng chất có lợi cho cơ thể như canxi, sắt, potassium, vitamin A, B… Vì đã có nhà sản xuất đánh tráo loại thành phần chất béo từ sữa bò nguyên chất bằng các loại dầu thực vật, các khoáng chất cần thiết cũng bị mất đi, cho nên khâu kiểm định cần tiến hành chặt chẽ.
Theo dõi từ bài báo gốc, tôi thấy có 5 “ý kiến” được đưa ra:
(1) trong quá trình tiệt trùng sữa, các lợi khuẩn bị tiêu diệt và một hàm lượng đáng kể các chất dinh dưỡng trong sữa, như vitamin C và iốt, thậm chí cả canxi bị phá hủy;
(2) sữa làm thay đổi độ acid-kiềm của cơ thể làm mất calci từ xương
(3) sữa ít béo (“low-fat”) dùng nhiều quá cũng gây ra béo phì
(4) người nuôi bò dùng cỏ có thuốc trừ sâu, bò được tiêm hoóc-môn tăng trưởng, được cho kháng sinh phòng bệnh…
(5) sữa bò là để cho bê, nó không thể là thức ăn tốt cho người.
Y học là một ngành thực nghiệm, dựa vào những bằng chứng xác đáng. Theo tôi, trong 5 điều trên, chỉ có lời khuyên thứ ba, uống nhiều sữa lạt, tách bơ, vẫn bị béo phì, là chuẩn xác và đã được chứng minh thực tế.
Còn nhớ cách đây vài năm, nhiều nhà báo nhanh chóng đăng lại các thông tin “Bưởi gây ung thư vú”, “Gạo trắng gây đái tháo đường”, “Mãng cầu xiêm chữa được ung thư”.v.v… làm các khoa học gia nghiêm túc phải “điên đầu” đính chính.
Cần nhớ chuyện ngụ ngôn bậc tiểu học với kết luận “Ánh bình minh làm gà gáy chứ không phải gà gáy để đánh thức mặt trời”.